Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tim mạch có thể gây phù ở những vị trí nào trên cơ thể?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chia sẻ dấu hiệu nhận biết tình trạng bị phù do nguyên nhân tim mạch, cơ chế gây ra hiện tượng phù, cách phân biệt triệu chứng phù của các bệnh này với bệnh tim…

1. Các dấu hiệu/triệu chứng khi một người bị bệnh tim mạch?

Các dấu hiệu/triệu chứng của bệnh tim mạch có thể xuất hiện muộn khi bệnh đã vào giai đoạn nặng, còn trước đó có thể không có hoặc mơ hồ, thoáng qua nên lơ là, bỏ sót. Cho nên, những ai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch như người cao tuổi, hút thuốc lá nhiều năm, thừa cân, béo phì hoặc bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nên được thăm khám định kỳ tim mạch. Nếu cùng lúc xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây người bệnh cần đi khám bác sĩ:

  • Khó thở khi gắng sức

Trong suy tim, do khả năng bơm máu của quả tim bị suy giảm, việc lưu thông máu tới các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở, thậm chí người bệnh khó thở khi làm những công việc cá nhân hoặc cả khi ngồi nghỉ. Các cơn khó thở đến mức có cảm giác ngạt nước trên cạn.

  • Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống

Người mắc bệnh tim thường xuất hiện triệu chứng khó thở kể cả khi phải gắng sức hoặc không. Để phân biệt bệnh tim với bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), tình trạng khó thở này xảy ra ngay khi bạn nằm xuống hoặc đi ngủ. Khó thở cũng có khi xảy ra vào ban đêm, lúc bạn đang ngủ, đó là do việc đột ngột tim giảm khả năng co bóp, làm gián đoạn quá trình bơm máu từ tim đến phổi gây khó thở.

  • Cảm giác nặng ngực, tức ngực, cơn đau thắt ngực

Những cơn đau ngực là dấu hiệu của bệnh tim. Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại. Khi bị đau ngực kéo dài, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối và khẩn trương đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực hoặc đau ngực nói chung thường là do các tế bào cơ tim không nhận đủ ôxy do lưu lượng máu tới tim giảm.

  • Hiện tượng phù

Hiện tượng suy tim xuất hiện cùng lúc với hiện tượng phù, cơ thể có dấu hiệu tích nước. Nếu thấy khi ngủ dậy mặt bị căng phù, mí mắt nặng, hoặc điển hình phù bàn chân vào thời điểm nhất định trong ngày cảm thấy đi dép chật..., tất cả đều cho thấy bạn đang có những triệu chứng của suy tim. Khi lượng máu ra khỏi tim chậm, máu trở về tim qua tĩnh mạch bị ứ lại, khiến dịch tích tụ tại các mô. Thận không thể đào thải muối và nước cũng gây giữ nước trong các mô làm bệnh nhân bị phù.

  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức không lý giải được

Nếu thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức nhiều lần trong ngày, thậm chí mệt mỏi cả sau khi ngủ dậy. Nếu hiện tượng này xảy ra một cách thường xuyên, nó báo hiệu bạn đang gặp vấn đề về tim mạch. Mệt mỏi không rõ nguyên nhân thường xuất hiện do các bộ phận trong cơ thể của bạn không nhận được đủ oxy cần thiết do tim bị suy giảm chức năng co bóp.

  • Ho dai dẳng hoặc khò khè

Người bị suy tim sung huyết là khi chức năng bơm máu của tim không đủ cung cấp cho cơ thể, máu bị ứ lại, gọi là ứ dịch. Nó ứ dịch ở nhiều cơ quan như phổi sẽ gây ho mạn tính, thở khò khè, nếu ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn. .. Đối với trường hợp ho dai dẳng nhiều khi người bệnh dễ nhầm với bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Tình trạng ho có thể xấu đi khi nằm xuống.

  • Chán ăn

Một trong những dấu hiệu chính của suy tim sung huyết là người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no. Đó là do sự tích tụ của dịch trong gan hoặc hệ thống tiêu hóa của người bệnh. Kết quả là, người bệnh không còn cảm giác muốn ăn và ăn ít hơn. Nếu có thêm triệu chứng mệt mỏi đến mức không muốn ăn, người bệnh cần được đi khám chuyên khoa tim mạch.

  • Đi tiểu ban đêm

Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. Điều này xảy ra do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng.

  • Nhịp tim có vấn đề

Trong suy tim, trái tim người bệnh thường đập với tốc độ nhanh hơn, hay cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập. Nguyên nhân khiến tim đập nhanh là để bù đắp cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu. Các biểu hiện như hồi hộp bất thường, nghe rõ tim đập như đánh trống ngực đều cần được người bệnh lưu tâm.

2. Bệnh tim mạch có thể gây phù ở những vị trí nào trên cơ thể?

Phù trong suy tim lúc đầu rất kín đáo nhưng khi bệnh càng ngày càng nặng lên thì phù càng rõ rệt.

Phù do suy tim thường thấy bắt đầu ở chân, điển hình là ở mắt cá chân, đối xứng hai bên, phù mềm, trắng, ấn lõm, không đau. Ban ngày triệu chứng phù rõ hơn vì do đi lại hoặc đứng nhiều nhưng khi ngủ dậy buổi sáng thì triệu chứng phù sẽ giảm hoặc không còn (phù ít, nhẹ). Bệnh nhân thường có triệu chứng tiểu đêm lúc này.

Khi suy tim càng nặng, phù sẽ tăng dần từ hai chân lên đến bụng, biểu hiện bằng báng bụng (bụng có nước), phù phổi, tràn dịch ở tất cả các khoang của cơ thể (như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim), phù bìu, phù mặt, phù toàn thân.

Phù do bệnh lý tim mạch thường đi kèm với triệu chứng khó thở khi nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ nổi, mệt mỏi thường xuyên, ho khan...

3. Cơ chế xảy ra hiện tượng phù là như thế nào?

Nhìn chung, có 2 cơ chế chính gây phù do suy tim:

  • Cơ chế thứ 1 - ứ trệ tuần hoàn ngoại biên do tim

Suy tim là tình trạng cơ tim giảm hoặc mất khả năng co bóp để tống máu đi các cơ quan khác, đồng thời khả năng kéo máu về tim cũng giảm theo. Khi đó tuần hoàn sẽ bị ứ trệ lại ở hệ tĩnh mạch ngoại biên, lâu dần dịch sẽ thoát ra các mô xung quanh gây phù.

  • Cơ chế thứ 2 - tăng giữ muối nước do thận

Khi dịch thoát ra ngoài nhiều sẽ làm giảm thể tích máu lưu hành, lượng máu đến thận giảm làm cho thận tăng tái hấp thu muối và nước, gây ứ nước và góp phần gây phù. Lâu ngày thận sẽ bị tổn thương thứ phát (tổn thương không bắt nguồn từ thận), gây suy chức năng thận, giảm khả năng đào thải dịch và các chất độc ra ngoài.

Trong suy tim còn có sự hoạt hóa hệ giao cảm và hormone trong cơ thể (Vasopressin, renin, angiotensin...), góp phần gây tăng tái hấp thu muối và nước, tăng áp lực tĩnh mạch và phù.

4. Ngoài bệnh tim, những bệnh gì có thể gây ra hiện tượng phù?

Ngoài bệnh tim thì còn rất nhiều những nguyên nhân có thể gây phù, tạm thời có thể phân thành những nhóm thường gặp sau:

  • Phù toàn thân gặp trong các bệnh: bệnh thận (viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, suy thận cấp, suy thận mạn); bệnh tê phù thể ướt (do thiếu vitamin B1); suy dinh dưỡng; nhiễm độc thai nghén, giai đoạn nặng của suy tim, xơ gan.

  • Phù khu trú: phù ở ngực và hai tay (phù áo khoác) gặp trong hội chứng trung thất do tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép; phù hai chi dưới do suy tim phải hay suy tim toàn bộ; phù do xơ gan; phù trong 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén do tĩnh mạch chủ dưới bị thai chèn ép.

  • Phù một chi: thường phù một chi dưới do viêm tắc tĩnh mạch sâu, viêm mạch bạch huyết.

5. Cách phân biệt triệu chứng phù của bệnh tim?

Cách phân biệt triệu chứng phù do bệnh tim là:

  • Đặc điểm phù do suy tim là phù mềm, trắng, ấn lõm và không đau, đối xứng hai bên.

  • Khởi đầu bệnh phù thường là phù ở 2 chi dưới, phù không rõ ràng, hay gặp ở mắt cá chân 2 bên. Đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy phù khi mang giày, dép do chật hơn bình thường.

  • Triệu chứng phù do suy tim hay xuất hiện về chiều, khi người bệnh đứng lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy.

  • Khi suy tim nặng hơn, phù sẽ rõ ràng hơn, phù nhiều hơn, đôi khi phù toàn thân và xuất hiện suốt cả ngày, không giảm nếu không được điều trị.

  • Bên cạnh đó, người bệnh suy tim ngoài triệu chứng phù còn gặp các triệu chứng điển hình khác của suy tim như khó thở khi nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ nổi, mệt mỏi thường xuyên, ho khan...

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Dấu hiệu thể chất của bệnh tim mạch.

Theo alobacsi.com
Bình luận
Tin mới
  • 07/09/2024

    Chuyên gia chia sẻ cách “sử dụng” thời gian hàng ngày để kéo dài tuổi thọ

    Nathan K. LeBrasseur, chuyên gia hàng đầu về lão hóa tại bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), khẳng định rằng lối sống lành mạnh chính là chìa khóa để ngăn ngừa nhiều bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

  • 07/09/2024

    Lý do bạn nên hiến máu thường xuyên

    Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Hành động này không chỉ giúp cho những bệnh nhân đang cần máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.

  • 07/09/2024

    Vũ khí bí mật chống lại viêm nhiễm phụ khoa

    Probiotics là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, thường được tìm thấy trong các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa chua hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung.

  • 07/09/2024

    Những thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt

    Trang điểm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị lực cảnh báo một số thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt.

  • 06/09/2024

    Đôi môi nói lên điều gì về sức khỏe?

    Đôi môi căng mọng, mềm mại giúp gương mặt tràn đầy sức sống. Trái lại, một vài dấu hiệu sau cho thấy đôi môi đang “lên tiếng” cảnh báo bạn cần quan tâm đến một số vấn đề sức khỏe.

  • 06/09/2024

    Béo phì ảnh hưởng đến làn da thế nào?

    Tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe làn da. Một vài vấn đề da liễu có liên hệ mật thiết với cân nặng của bạn.

  • 06/09/2024

    Những điều cần biết khi bạn dị ứng penicillin

    Dị ứng penicillin là phản ứng của hệ thống miễn dịch của bạn với thuốc kháng sinh penicillin. Kể từ những năm 1940, penicillin đã trở thành loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Nhưng một số người gặp phản ứng xấu khi sử dụng loại kháng sinh này.

  • 06/09/2024

    Nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp

    Các nghiên cứu cho thấy nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp tự nhiên và bảo vệ tim mạch.

Xem thêm