Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tiểu đường có di truyền không?

Đọc bài viết sau để biết bệnh tiểu đường có mấy loại, chúng có di truyền hay không và cách để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường là một tình trạng phức tạp với nhiều loại mà không có nguyên nhân rõ ràng. Nếu trong gia đình của bạn có tiền sử mắc bệnh tiểu đường loại nào đó, bạn có thể có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Yếu tố di truyền có thể khiến một số người dễ mắc một số loại bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc bệnh của mình cho dù bạn có yếu tố di truyền bằng cách thay đổi lối sống chung của cả gia đình. Ngoài ra, hiểu biết về tiền sử gia đình có thể giúp chẩn đoán sớm. Việc này có thể giúp bạn ngăn ngừa một số biến chứng.

Vai trò của các yếu tố di truyền là khác nhau giữa các loại bệnh tiểu đường. Ví dụ, ở type 2, các yếu tố lối sống dường như có ảnh hưởng nhiều hơn di truyền. Biết cách mà gen, lối sống và môi trường ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng của bệnh.

Bệnh tiểu đường type 1 có di truyền không?

Bệnh tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn dịch. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh. Loại này thường xuất hiện trong thời niên thiếu, nhưng bạn vẫn có thể mắc nó ở mọi lứa tuổi.

Trước đây, các bác sĩ tin rằng bệnh tiểu đường type 1 hoàn toàn là do di truyền. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người mắc bệnh tiểu đường type 1 đều có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Một số đặc điểm di truyền có thể làm cho bệnh tiểu đường type 1 dễ phát triển hơn trong một số trường hợp nhất định. Ở những người mắc bệnh tiểu đường loại này, các nhà khoa học đã tìm thấy những thay đổi trong gen tạo ra một số protein nhất định. Những protein này đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch.

Những đặc điểm di truyền này khiến một người dễ mắc bệnh tiểu đường type 1 và một số yếu tố có thể gây ra bệnh lý này. Khi một người mắc bệnh tiểu đường type 1, họ sẽ mắc bệnh này suốt đời.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra bao gồm:

  • Thời tiết lạnh: Bệnh tiểu đường type 1 dễ xuất hiện vào mùa đông hơn là mùa hè. Nó cũng phổ biến hơn ở vùng khí hậu mát mẻ.
  • Virus: Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số loại virus có thể kích hoạt bệnh tiểu đường loại 1 ở những người dễ mắc bệnh. Trong số các loại virus này có sởi, quai bị, Coxsackie B và virus rota.
  • Chế độ ăn uống sớm: Được bú sữa mẹ khi còn nhỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 sau này trong đời.

Đọc thêm bài viết: Kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 không dùng insulin

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể có kháng thể tự miễn dịch trong máu trong nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng. Bệnh lý này có thể phát triển theo thời gian hoặc có thể phải có yếu tố kích hoạt các kháng thể tự miễn dịch trước khi các triệu chứng xuất hiện. Sau khi kích hoạt, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện nhanh chóng, trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Bệnh tiểu đường type 2 có di truyền không?

Bệnh tiểu đường type 2 là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 90-95% tất cả các trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Cũng như bệnh tiểu đường type 1, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường có người thân trong gia đình mắc bệnh này. Mặc dù, các yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nào đó nhưng các chuyên gia tin rằng các yếu tố về lối sống, bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục, có tác động đáng kể nhất.

Ngoài tiền sử gia đình, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, bao gồm:

  • Độ tuổi từ 45 tuổi trở lên
  • Thừa cân, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hoặc béo phì
  • Một lối sống ít vận động 
  • Tăng cholesterol máu
  • Huyết áp cao
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Trầm cảm

Một số nhóm người cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn. Những người này bao gồm người Mỹ gốc Phi, người bản địa Alaska, người Mỹ da đỏ, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Hawaii bản địa và người đảo Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, chủng tộc, sắc tộc cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số BMI, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Đối với người Mỹ da trắng, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi, nguy cơ gia tăng bắt đầu với chỉ số BMI là 25. Đối với người Mỹ gốc Á, chỉ số này liên quan đến chỉ số BMI là 23. Đối với người dân đảo Thái Bình Dương, nguy cơ bắt đầu với chỉ số BMI là 26. Những người có từ hai yếu tố nguy cơ trở lên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn.

Tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra với 14% tổng số ca mang thai ở Hoa Kỳ. Thường tiểu đường thai kỳ không có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi sinh và các vấn đề khác. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường khỏi sau khi sinh, nhưng bệnh tiểu đường type 2 sau đó có thể phát triển, đôi khi ngay sau khi thai kỳ kết thúc hoặc vài năm sau đó.

Các bác sĩ không chắc tại sao bệnh tiểu đường thai kỳ lại xảy ra và không có kiểu di truyền rõ ràng. Tuy nhiên, một phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thường có một thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường, thường là type 2.

Đái tháo nhạt

Bệnh đái tháo nhạt là một bệnh lý hoàn toàn khác với bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Đây là cả hai loại đái tháo đường có ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone insulin trong tuyến tụy hoặc khả năng sử dụng insulin đó của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh đái tháo nhạt không ảnh hưởng đến insulin hoặc cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu. Thay vào đó, nó là kết quả của sự cố trong tuyến yên và ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone vasopressin. Điều này làm thay đổi sự cân bằng nước trong cơ thể.

Có hai loại bệnh đái tháo nhạt:

  • Bệnh đái tháo nhạt do thận, một tình trạng di truyền phát triển sau khi cha hoặc mẹ bị đột biến gen.
  • Bệnh đái tháo nhạt do thần kinh, một phần là do di truyền, nhưng nó cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác, chẳng hạn như chấn thương hoặc khối u.

Một người mắc bệnh đái tháo nhạt có thể rất dễ bị mất nước. Họ sẽ cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên. Ở người mắc bệnh này, mất nước có thể dẫn đến lú lẫn, huyết áp thấp, co giật và hôn mê.

Đọc thêm bài viết: Căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Giảm nguy cơ di truyền bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá ra tất cả các yếu tố nguy cơ di truyền đối với bệnh tiểu đường và con người vẫn chưa thể làm xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ của họ. Tuy nhiên, những người biết rằng họ có nhiều khả năng mắc bệnh này thường có thể thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro.

Xét nghiệm di truyền có thể dự đoán bệnh tiểu đường type 1 và phân biệt giữa type 1 và 2 ở một số người. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu các xét nghiệm di truyền có thể dự đoán bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Bạn có thể hỏi bác sĩ về các xét nghiệm này.

Bệnh tiểu đường type 1

Không thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1, nhưng những điều sau đây có thể giúp giảm nguy cơ:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi
  • Giảm thiểu tiếp xúc với các bệnh nhiễm trùng trong thời thơ ấu bằng cách tiêm vaccine đúng thời hạn và thực hành vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay

Bệnh tiểu đường type 2

Hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Các bác sĩ tin rằng, nhiều trường hợp có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống nhất định. Bạn nên bắt đầu kiểm tra định kỳ từ 45 tuổi. Tuy nhiên, những người có các yếu tố rủi ro ngoài tuổi tác, chẳng hạn như béo phì có thể cần bắt đầu sàng lọc sớm hơn. Bác sĩ có thể giúp tư vấn về chiến lược phòng ngừa tốt nhất cho mỗi người.

Đôi khi sàng lọc cho thấy một người bị tiền tiểu đường. Điều này có nghĩa là lượng đường trong máu cao, nhưng không đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2. Ở giai đoạn này, thường có thể ngăn chặn sự khởi phát của tình trạng này bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và mức độ hoạt động.

Nhiều điều chỉnh lối sống giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường cũng có thể:

  • Giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2
  • Giảm khả năng biến chứng bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 trở nên tồi tệ hơn

Những chiến lược này bao gồm:

  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Những người thừa cân hoặc béo phì có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách giảm 5-7% trọng lượng ban đầu.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Đối với người lớn, các hướng dẫn hiện tại khuyên bạn nên tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc 75 phút tập thể dục mạnh mỗi tuần.
  • Ăn các bữa ăn lành mạnh, cân bằng: Một chế độ ăn tập trung vào trái cây và rau quả tươi, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.

Kết luận

Bất cứ ai có tiền sử gia đình mắc bất kỳ loại bệnh tiểu đường nào cũng nên biết các triệu chứng của bệnh này bao gồm: mệt mỏi, kiệt sức, khát nước và đi tiểu nhiều. Nếu các triệu chứng xuất hiện đột ngột, chúng có thể chỉ ra bệnh tiểu đường type 1. Các triệu chứng của type 2 có thể mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện và các biến chứng như bệnh tim mạch có thể đã xuất hiện.

Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có các yếu tố nguy cơ như béo phì nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng hợp lý. Người có yếu tố nguy cơ cũng nên tập thể dục đều đặn và hỏi ý kiến bác sĩ về việc sàng lọc.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Theo Medicalnewstoday
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

Xem thêm