Vai trò của vitamin K với cơ thể
Vitamin K rất cần thiết với con người, giúp ngăn ngừa mất máu quá nhiều khi có tổn thương ngoài hay tổn thương bộ phận bên trong cơ thể. Do vitamin K tham gia vào quá trình đông máu, do sản sinh ra một loại protein đặc hiệu để thúc đẩy quá trình này.
Ngoài ra, vitamin K cùng với calci hình thành xương vững chắc. Vitamin K cũng tham gia trong nhiều quá trình, hoạt động sống khác của cơ thể. Có 3 dạng là vitamin K1, K2 và K3. Vitamin K1 có nhiều ở các loại rau lá xanh như cải xoăn, cải bó xôi trong khi vitamin K2 có sẵn trong đường ruột của con người. Thiếu vitamin K thường xảy ra ở những người thường xuyên ăn thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn thiếu rau xanh lá, người bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sơ sinh.
Thiếu vitamin K gây nguy cơ sức khỏe gì?
Chứng máu khó đông
Vai trò chính của vitamin K là tham gia vào quá trình đông máu. Do đó, với lượng vitamin K thấp, bạn sẽ luôn có nguy cơ bị chảy máu nhiều sau khi bị thương. Phụ nữ thiếu vitamin K có thể bị chảy máu kinh nguyệt nhiều. Những chấn thương nhỏ ở nướu hoặc chảy máu mũi cũng có thể khiến bạn chảy máu quá mức.
Thai nhi kém phát triển
Phụ nhữ mang thai cần được bổ sung thêm vitamin K.
Phụ nữ mang thai có hàm lượng vitamin K thấp có thể gây hại cho thai nhi. Vitamin K không thể được hấp thụ dễ dàng qua nhau thai, do đó thai nhi có nhiều khả năng bị thiếu hụt. Vitamin K đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Sự thiếu hụt loại vitamin này có thể gây hậu quả nặng nề như các khuyết tật về xương, mũi, mặt, ngón tay, ống thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu và tư duy sau này của trẻ.
Lão hóa sớm
Vitamin K không phải là yếu tố gây ra các nếp nhăn, song việc thiếu hụt vitamin K lại dẫn đến các bệnh lý xương yếu, bệnh tim mạch... khiến bạn già trước tuổi. Như vậy, thiếu vitamin K ngăn bạn có cuộc sống linh hoạt và khỏe mạnh.
Loãng xương
Vitamin K cũng đóng một vai trò quan trọng giúp xương vững chắc, đặc biệt là ở phụ nữ đã mãn kinh. Trên thực tế, những người bị loãng xương thường được bổ sung vitamin K. Nó không chỉ cải thiện mật độ xương mà còn giúp giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.
Giãn tĩnh mạch
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu vitamin K có thể là một trong những lý do gây ra chứng giãn tĩnh mạch (các tĩnh mạch đau và sưng phồng ra, chủ yếu ở chân).
Các bệnh về tim mạch
Mức độ vitamin K thấp hơn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
Vitamin K2 liên quan trực tiếp tới sự vôi hóa động mạch, do đó thiếu hụt vitamin K2 dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Có khoảng 57% bệnh nhân tử vong do tim ngừng đập có nguyên nhân là thiếu vitamin K2. Do đó, cần tăng cường vitamin K2 cho cơ thể để chống và phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Bệnh thận
Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thiếu hụt vitamin K ở những người bị bệnh thận mạn tính cao. Vì thế, thiếu hụt vitamin K có thể là lý do gây ra các vấn đề về thận.
Bệnh Alzheimer
Vitamin K chắc chắn đóng một vai trò trong sự phát triển tổng thể của con người bao gồm cả não bộ. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra chức năng của vitamin K đối với sức khỏe tâm thần và sự thiếu hụt vitamin K có thể là cơ chế gây ra bệnh Alzheimer.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Khi nào cần bổ sung vitamin K?