Nhiều quan niệm sai lầm xung quanh trầm cảm khiến nhiều người có cái nhìn chưa đúng về căn bệnh này.
1. Trầm cảm không phải là bệnh
Một số người phủ nhận trầm cảm bằng cách cho rằng đó không phải là một tình trạng bệnh lý thực sự. Họ tin rằng đó là lựa chọn của một người hoặc là một đặc điểm tính cách. Không ít người cũng coi trầm cảm là một kiểu buồn bã hoặc tủi thân hơn là một tình trạng sức khỏe tâm thần cần chẩn đoán và điều trị.
Sự thật: Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, trầm cảm là một tình trạng bệnh liên quan đến các triệu chứng rối loạn cả về cảm xúc lẫn thể chất. Để được chẩn đoán mắc trầm cảm, một người phải đáp ứng một vài tiêu chí cụ thể, trong đó bao gồm các triệu chứng bệnh kéo dài ít nhất 2 tuần và có khả năng thay đổi đáng kể cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của một người.
Trầm cảm không tương đương với nỗi buồn hay sự tủi thân đơn thuần.
2. Dùng thuốc là cách điều trị trầm cảm tốt nhất
Thuốc chống trầm cảm có thể giúp thay đổi các chất hóa học trong não nhằm góp phần quản lý tâm trạng và giải tỏa căng thẳng. Một số người tin rằng dùng thuốc chống trầm cảm là cách hiệu quả nhất để điều trị bệnh.
Sự thật:
Thuốc chống trầm cảm không phải là thuốc chữa khỏi bệnh trầm cảm và chúng không có tác dụng với tất cả mọi người hoặc trong mọi tình huống. Trên thực tế, các bác sĩ thường kê đơn thuốc chống trầm cảm cùng với cung cấp liệu pháp tâm lý và hướng dẫn thay đổi lối sống.
Thông thường phải mất vài tuần để thuốc chống trầm cảm bắt đầu phát huy tác dụng. Điều quan trọng cần lưu ý là sẽ không an toàn nếu người đang dùng thuốc chống trầm cảm đột ngột ngừng sử dụng chúng do nguy cơ tác dụng phụ của một số loại thuốc.
3. Trầm cảm gây ra bởi tổn thương
Một số người tin rằng trầm cảm luôn là kết quả của một sự kiện đau thương.
Sự thật: Sự tổn thương tâm lý có thể là một nguy cơ gây trầm cảm. Tuy nhiên, không có một nguyên nhân duy nhất nào gây bệnh mà nó thường xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài ra, không phải ai trải qua một sự kiện đau buồn cũng sẽ bị trầm cảm. Tình trạng này cũng có thể phát triển khi mọi thứ trong cuộc sống của một người dường như đang diễn ra tốt đẹp.
4. Trầm cảm là một phần của quá trình trưởng thành
Tuổi vị thành niên có thể là khoảng thời gian thường phải đối mặt với những khó khăn về mặt cảm xúc, xã hội và tâm sinh lý. Tâm trạng khó chịu, bi quan hay lo lắng ở lứa tuổi vị thành niên có thể tương tự với một vài triệu chứng của trầm cảm. Điều này có thể khiến một số người tin rằng trầm cảm chỉ là một phần trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn trưởng thành của một người.
Sự thật: Mặc dù thanh thiếu niên có tỷ lệ trầm cảm cao, tuy nhiên điều này không có nghĩa là mọi thanh thiếu niên ủ rũ đều bị trầm cảm và không phải ai cũng phải trải qua giai đoạn trầm cảm để bước qua ngưỡng tuổi trưởng thành. Mặc dù vậy, những thanh thiếu niên có các triệu chứng như tâm trạng suy giảm liên tục, cảm nhận nỗi buồn kéo dài, có thể nên tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt bằng cách nói chuyện với người lớn hoặc bác sĩ tâm lý đáng tin cậy.
5. Trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ
Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm. Tuy nhiên, trầm cảm có thể có các triệu chứng khác nhau ở mỗi giới.
Trầm cảm ở nam giới
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới mắc chứng trầm cảm có thể biểu hiện nhiều triệu chứng như tức giận và rối loạn sử dụng chất kích thích hơn nữ giới. Họ cũng có thể ít cởi mở hơn khi nói về cảm xúc của mình và do đó ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.
Nam giới có triệu chứng trầm cảm nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Điều này rất cần thiết vì một số nghiên cứu cho thấy rằng nam giới có nhiều khả năng tử vong do tự tử hơn nữ giới trong đó trầm cảm là một yếu tố.
Trầm cảm ở phụ nữ
Mặt khác, trầm cảm phổ biến hơn ở phụ nữ. Phụ nữ cũng có thể trải qua trầm cảm sau khi sinh con. Hậu quả của tình trạng này thường bao gồm lo lắng, mệt mỏi và tâm trạng chán nản kéo dài.
Các nhà nghiên cứu tin rằng trầm cảm sau sinh phát triển vì một số lý do, bao gồm cả sự thay đổi đột ngột về mức độ nội tiết tố. Những người bị trầm cảm sau sinh có thể cảm thấy kiệt sức và buồn bã tột độ đến mức họ khó có thể chăm sóc bản thân và con mình.
6. Tiền sử gia đình đảm bảo chắc chắn một người mắc trầm cảm
Nhiều người tin rằng một người có tiền sử gia đình bị trầm cảm chắc chắn sẽ mắc bệnh này.
Di truyền chắc chắn đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy những người có người thân là cha mẹ mắc chứng trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2–3 lần. Tuy nhiên, có những người có tiền sử gia đình bị trầm cảm lại không mắc bệnh và ngược lại.
Việc một người có bị trầm cảm hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, tâm lý và sinh học khác. Do đó, chỉ vì người thân của một người đã trải qua trầm cảm không đồng nghĩa rằng họ sẽ tự phát triển căn bệnh này.
7. Trầm cảm chỉ phát triển ở một độ tuổi nhất định
Một số người cho rằng trầm cảm là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và được coi là điển hình ở người lớn tuổi.
Sự thật: Trầm cảm có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ nhỏ.
Ở người lớn tuổi, các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, bệnh tim và bệnh Parkinson có thể dẫn đến trầm cảm. Một số loại thuốc điều trị tình trạng sức khỏe nghiêm trọng - bao gồm một số bệnh dị ứng, huyết áp và thuốc giảm đau - cũng có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Tuy nhiên, trầm cảm không phải là một phần của quá trình lão hóa, mặc dù nó có thể xảy ra ở tuổi già. Mặc dù vậy, người lớn tuổi có tình trạng sức khỏe mạn tính hoặc có dấu hiệu trầm cảm nên nói chuyện với bác sĩ về cách giảm nguy cơ và điều trị trầm cảm.
8. Chia sẻ về trầm cảm khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
Có một quan niệm sai lầm rằng nói về trầm cảm có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, phần lớn là do sự kỳ thị xung quanh tình trạng sức khỏe tâm thần này. Vì lý do đó, nhiều người tránh nói về bệnh trầm cảm hoặc từ chối thừa nhận bất kỳ triệu chứng nào mà họ gặp phải.
Trên thực tế, những người bị trầm cảm nên cố gắng chia sẻ về vấn đề này, vì sự trợ giúp từ bên ngoài có thể khiến họ cảm thấy khá hơn. Những người bị trầm cảm cần cố gắng nói chuyện với người mà họ tin tưởng và không phán xét, chẳng hạn như bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc chuyên gia tâm lý.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mệt mỏi cả ngày và chứng trầm cảm.
Ngứa mắt là một triệu chứng thường gặp, gây cảm giác khó chịu và khiến bạn muốn dụi mắt liên tục. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Tình trạng trào ngược acid dạ dày buổi tối có thể gây ra các triệu chứng như ợ hơi, buồn nôn, đau họng, hơi thở có mùi… Lựa chọn các đồ uống thảo mộc giúp làm giảm tình trạng khó chịu này.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với sự gia tăng của các ca bệnh trong những năm gần đây, việc phát triển và sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết đã trở thành một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Buồn nôn là cảm giác khó chịu, gây mệt mỏi mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nó có thể xuất phát từ cảm giác hết sức tự nhiên khi bạn ăn thức ăn lạ, có mùi, có thể là do say tàu xe hoặc cảm lạnh và dưới đây là một số cách tự nhiên giúp bạn giảm cơn buồn nôn.
Nathan K. LeBrasseur, chuyên gia hàng đầu về lão hóa tại bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), khẳng định rằng lối sống lành mạnh chính là chìa khóa để ngăn ngừa nhiều bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Hành động này không chỉ giúp cho những bệnh nhân đang cần máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.
Probiotics là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, thường được tìm thấy trong các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa chua hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Trang điểm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị lực cảnh báo một số thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt.