Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạn cần biết gì về bệnh co giật nửa mặt?

Co giật nửa mặt là một bệnh rối loạn thần kinh, khiến các cơ ở một bên mặt bị co giật. Nguyên nhân gây co giật nửa mặt thường là do một mạch máu chèn ép vào dây thần kinh mặt. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như chấn thương dây thần kinh, hoặc có khối u… cũng có thể dẫn tới tình trạng này.

Co giật nửa mặt có thể ảnh hưởng lớn tới tâm lý, tinh thần của người bệnh.

Dưới đây là tổng quan về bệnh co giật nửa mặt - những điều bạn cần biết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị căn bệnh này:

Triệu chứng bệnh co giật nửa mặt

Các triệu chứng thường gặp của bệnh co giật nửa mặt là tình trạng giật các cơ ở mặt, thường gặp nhất ở một bên của khuôn mặt. Tình trạng co giật không gây đau đớn, nhưng người bệnh không thể kiểm soát được triệu chứng này.

Bệnh co giật nửa mặt thường bắt đầu từ mí mắt, sau đó có thể ảnh hưởng tới vùng má và miệng ở một bên gương mặt. Các cơn co giật cơ ban đầu có thể tới rồi đi, nhưng sau nhiều tháng hoặc nhiều năm, tình trạng này có thể xảy ra gần như liên tục. 

Đôi khi tình trạng co giật nửa mặt có thể ảnh hưởng tới cả 2 bên mặt, nhưng sẽ không xảy ra ở cả 2 bên cùng lúc.

Nguyên nhân gây co giật nửa mặt

Mạch máu tác động tới dây thần kinh mặt là nguyên nhân phổ biến nhất gây co giật nửa mặt. Ngoài ra, một số nguyên nhân như chấn thương dây thần kinh, có khối u, tình trạng căng thẳng quá mức, rối loạn lo âu, mệt mỏi mạn tính… cũng có thể gây co giật nửa mặt. 

Điều trị co giật nửa mặt thế nào?

Tiêm botox

Các bác sĩ có thể tiến hành tiêm botox vào vùng cơ bị ảnh hưởng để ức chế tình trạng giật cơ không tự chủ trong một khoảng thời gian.

Tiêm botox có thể kiểm soát triệu chứng ở hầu hết tất cả mọi người, nhưng việc điều trị này cần được lặp lại vài tháng một lần. 

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Một số loại thuốc (như thuốc chống co giật) có thể làm giảm triệu chứng co giật nửa mặt ở một số người.

Phẫu thuật

Phẫu thuật giải ép vi mạch có thể được thực hiện bằng cách tạo một lỗ nhỏ trên hộp sọ, sau đó mở lớp màng cứng ở màng não để làm lộ ra phần gốc dây thần kinh mặt - nơi chúng tách ra khỏi cuống não. 

Sau đó, các bác sĩ sẽ xác định mạch máu đang đè lên dây thần kinh mặt và dùng một miếng teflon chèn vào giữa để mạch máu không chèn trực tiếp vào thần kinh nữa.. Điều này giúp làm giảm áp lực lên dây thần kinh, từ đó giảm co giật nửa mặt.

Ngoài phẫu thuật giải ép vi mạch, các bác sĩ cũng có thể lựa chọn các dạng phẫu thuật khác như dùng nhiệt, sóng radio với tần số cao (phương pháp đốt sóng cao tần) để phá hủy đoạn dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất.

Vi Bùi - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm