Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

6 mẹo giúp phục hồi nhanh sau khi sinh mổ

Sau sinh mổ, bạn thường lo lắng về những thay đổi của cơ thể cũng như cách để hồi phục cơ thể nhanh hơn, dưới đây là 6 mẹo giúp bạn chữa lành nhanh hơn sau sinh. Cùng tìm hiểu nhé.

Dưới đây là sáu gợi ý giúp bạn tăng tốc độ hồi phục cơ thể và từ đó bạn sẽ có ít thời gian đau đớn và mệt mỏi hơn, bên cạnh đó bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để gắn bó với em bé mới chào đời.

1. Nghỉ ngơi nhiều

Sinh mổ (mổ lấy thai) là một cuộc phẫu thuật lớn. Cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, việc mổ lấy thai khiến cho cơ thể bạn cần nhiều thời gian để phục hồi sau đó.

Thời gian nằm viện sau cuộc phẫu thuật sẽ là từ 2 đến 4 ngày. Nếu có biến chứng, thời gian nằm viện của bạn sẽ lâu hơn. Hãy kiên nhẫn và cho cơ thể của bạn từ 6 đến 8 tuần để có thể hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên thì điều này lại nói dễ hơn là làm, thật khó để nghỉ ngơi hàng giờ trên giường khi mà bạn có một đứa trẻ luôn đòi hỏi sự chú ý.

Có thể bạn đã nghe lời khuyên này từ những người bạn và người thân đã từng có con rằng: “Hãy ngủ bất cứ khi nào con bạn ngủ”. Họ nói đúng. Bạn hãy cố gắng ngủ bất cứ khi nào trẻ ngủ nhé.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhờ bạn bè và người thân giúp thay tã và làm việc nhà để bạn có thể nằm xuống nghỉ ngơi khi có thể. Ngay cả một vài phút nghỉ ngơi ở bất cứ chỗ nào trong nhà và trong suốt cả ngày cũng có thể giúp ích cho bạn.

2. Cẩn thận với cơ thể bạn

Cẩn thận hơn trong việc đi lại trong khi bạn đang cần phục hồi vết mổ. Hãy làm theo các mẹo sau:

Tránh đi lên và xuống cầu thang nhiều nhất có thể. Giữ mọi thứ bạn cần như thức ăn và đồ dùng để thay tã ở gần bạn nhất để bạn không phải đứng dậy quá thường xuyên.

Không nâng bất cứ vật gì nặng. Nếu thật sự cần thiết, hãy nhờ người thân, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình giúp đỡ nhé.

Bất cứ khi nào bạn buộc phải hắt hơi hoặc ho, hãy hóp bụng vào để bảo vệ vết mổ.

Có thể mất đến 8 tuần để bạn trở lại với thói quen sinh hoạt bình thường của mình. Hỏi ý kiến ​​bác sĩ để biết khi nào bạn có thể tập thể dục hay quay lại làm việc và lái xe. Việc quan hệ tình dục hoặc sử dụng băng vệ sinh cũng nên đợi cho đến khi bác sĩ đồng ý rằng đó là thời điểm thích hợp.

Bạn nên tránh tập thể dục gắng sức, nhưng hãy đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên. Việc vận động sẽ giúp cơ thể bạn mau lành hơn và cũng giúp ngăn ngừa táo bón hoặc hình thành máu đông. Ngoài ra, đi bộ cũng là một cách tuyệt vời để cho trẻ làm quen với thế giới.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần sau sinh

Hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần của bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của bạn. Việc sinh con có thể mang lại những cảm xúc mà bạn không bao giờ ngờ tới.

Nếu bạn cảm thấy buồn, thất vọng, lo lắng hoặc kiệt sức, đừng bỏ qua nó. Hãy nói về cảm xúc của bạn với một người bạn thân, người bạn đời của bạn, bác sĩ của bạn hay tìm đến một người cố vấn tâm lý để giải tỏa cảm xúc nhé.

3. Giảm đau cho bạn

Hỏi bác sĩ về những loại thuốc giảm đau mà bạn có thể dùng, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.

Tùy thuộc vào mức độ đau đớn của bạn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau hoặc khuyên bạn dùng thuốc không kê đơn chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol).

Ngoài thuốc giảm đau, bạn cũng có thể sử dụng miếng chườm nóng để giảm cảm giác khó chịu tại vết mổ nếu có thể nhé.

4. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt

Chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai là vô cùng quan trọng. Điều này cũng quan trọng không kém trong những tháng sau khi bạn sinh nở.

Nếu bạn đang cho trẻ bú sữa mẹ thì bạn vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ. Một chế độ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và cũng giúp bạn cứng cáp hơn.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng ăn trái cây và rau trong khi cho trẻ bú sẽ truyền lại hương vị trong sữa mẹ, giúp trẻ tăng hứng thú và ăn nhiều những thực phẩm đó khi chúng lớn lên.

Ngoài ra, hãy uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước. Bạn cần bổ sung thêm chất lỏng để tăng cường nguồn sữa và tránh táo bón.

5. Kiểm soát các thay đổi sau sinh

Cơ thể bạn sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi về thể chất ngay cả khi bạn đã sinh xong. Những thay đổi bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Đau do co tử cung, một loại đau quặn bụng xảy ra khi tử cung của bạn trở lại kích thước trước khi mang thai
  • Căng sữa hoặc sưng vú
  • Sản dịch sau sinh, một loại dịch tiết âm đạo chủ yếu là máu
  • Khô âm đạo
  • Phân tách cơ thẳng bụng
  • Rụng tóc
  • Thay đổi về làn da, như da trở nên chảy xệ hơn hoặc xuất hiện mụn trứng cá
  • Ra mồ hôi trộm ban đêm
  • Đau đầu

Một số triệu chứng trong số này như đau do co cơ tử cung và sản dịch cuối cùng sẽ tự biến mất. Bên cạnh đó, vẫn có các phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà có sẵn cho một số triệu chứng khác.

Hãy thử những cách sau:

  • Sử dụng chất bôi trơn hoặc kem bôi âm đạo làm từ estrogen để chữa khô âm đạo
  • Tập một số bài tập dành cho phân tách cơ ngang bụng
  • Dùng chất bổ sung và điều trị tại chỗ cho chứng rụng tóc.
  • Với điều trị tại chỗ, bạn có thể uống isotretinoin (Absorbica, Amnesteen, Claravis) hoặc uống thuốc tránh thai cho vấn đề mụn trứng cá
  • Thay đồ ngủ mỏng nhẹ để giảm đổ mồ hôi ban đêm
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn cho chứng đau đầu

Có nhiều giải pháp khác nhau để giúp bạn kiểm soát tình trạng căng sữa, như:

  • Dùng một miếng gạc lạnh hoặc một túi đá lạnh để chườm
  • Cho con bú để giảm bớt lượng sữa
  • Xoa bóp vú trong thời gian cho con bú
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

6. Đi khám sau sinh

12 tuần sau khi trẻ được sinh ra đôi khi được gọi là ba tháng thứ 4. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi khám bác sĩ nhiều lần trong giai đoạn này.

Việc kiểm tra sức khỏe đầu tiên không nên muộn hơn 3 tuần sau khi sinh và lần khám tổng thể cuối cùng sẽ diễn ra không muộn hơn 12 tuần sau khi sinh.

Trong những lần kiểm tra này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các vấn đề sau:

  • Phục hồi thể chất của bạn
  • Sức khỏe tinh thần của bạn
  • Mức năng lượng hiện tại của bạn và cách bạn đang ngủ
  • Tình trạng của trẻ như thế nào và lịch ăn của trẻ
  • Kiểm soát việc sinh sản và liệu bạn có đang cân nhắc sinh thêm con hay không
  • Kiểm soát các bệnh mãn tính
  • Cách bạn kiểm soát mọi biến chứng liên quan đến thai nghén, chẳng hạn như tình trạng tăng huyết áp.

Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi đau ở vết mổ, bạn cũng có thể bị chảy máu hoặc tiết dịch trong tối đa 6 tuần sau khi sinh mổ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng sau đây sẽ yêu cầu bạn phải tới gặp bác sĩ vì chúng có thể báo hiệu nhiễm trùng:

  • Vết mổ đỏ, sưng hoặc chảy mủ
  • Đau xung quanh vết mổ
  • Sốt hơn 38 độ C
  • Tiết dịch có mùi hôi từ âm đạo
  • Chảy máu âm đạo nhiều
  • Đỏ hoặc sưng ở chân của bạn
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Đau ở vú của bạn

Bạn cũng nên tới gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn và tâm trạng của bạn dường như không bao giờ được cải thiện, đặc biệt là khi bạn có ý nghĩ làm tổn thương em bé hoặc bản thân.

Cuối cùng, nếu bạn có một người bạn hoặc người thân đã trải qua quá trình sinh mổ, hãy cố gắng không so sánh bạn với họ. Trải nghiệm của mỗi người với việc sinh mổ này là khác nhau.

Hãy chỉ tập trung vào việc chữa bệnh của chính bạn ngay bây giờ và cho cơ thể bạn thời gian cần thiết để trở lại trạng thái bình thường nhé, đừng nóng vội.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mang thai ảnh hưởng đến tóc như thế nào?

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
  • 03/12/2024

    Mối lo ngại khi trẻ thường xuyên nóng giận mất kiểm soát

    Theo một nghiên cứu mới đây, trẻ mẫu giáo dễ nổi nóng, khó bảo có thể được xem là một dấu hiệu cảnh báo trước nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) ở giai đoạn sau.

  • 03/12/2024

    Nhóm máu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

    Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều mối liên hệ đáng chú ý giữa nhóm máu và nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau.

  • 03/12/2024

    Bất dung nạp lactose hoàn toàn khác dị ứng đạm sữa bò

    Không ít phụ huynh đang nhầm lẫn dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp lactose ở trẻ đều là cùng một bệnh lý. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Cả hai tình trạng đều khác nhau về nguyên nhân, biểu hiện. Để có thể phân biệt rõ hơn, mời cha mẹ cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây!

  • 02/12/2024

    6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản

    Giãn phế quản là tình trạng các phế quản bị giãn ra và khó hồi phục được, dễ gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị và quản lý bệnh tốt.

  • 02/12/2024

    Tập thể dục mùa lạnh: Lợi ích và những lưu ý quan trọng

    Mùa đông thường mang đến cảm giác uể oải khiến nhiều người muốn cuộn tròn trong chăn ấm áp hơn là ra ngoài vận động. Tuy nhiên, duy trì thói quen tập thể dục trong mùa lạnh lại mang đến nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Trong bài viết dưới đây, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ phân tích những lợi ích và cung cấp những lưu ý quan trọng để bạn tập luyện an toàn và hiệu quả trong những ngày giá rét.

  • 02/12/2024

    Yếu tố Rh và tầm quan trọng của xét nghiệm Rh trong thai kỳ

    Các biến chứng cho thai nhi có thể xảy ra trong thai kỳ nếu bạn là Rh âm tính và thai nhi là Rh dương tính. Vậy yếu tố Rh là gì và các biến chứng mà thai nhi có thể gặp phải nếu bị bất tương thích Rh là gì? Cùng Viện Y học ứng dụng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

  • 01/12/2024

    Mẹo giúp trẻ ngủ ngon hơn trong những ngày se lạnh

    Giấc ngủ của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ, trẻ có thể dễ trở mình, ngủ không sâu giấc khi thời tiết chuyển lạnh dần. Vậy làm thế nào để đảm bảo con bạn có một giấc ngủ ngon và sâu trong những ngày đông giá rét? Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khám phá những mẹo hữu ích dưới đây.

  • 30/11/2024

    Những điều nên và không nên làm đối với da nhạy cảm

    Da nhạy cảm là làn da dễ phản ứng với các tác nhân kích thích như thời tiết, dị ứng hoặc một số mỹ phẩm hóa chất nhất định. Da của bạn có thể chuyển sang màu đỏ, khô, châm chích, ngứa, căng, có thể nổi cục, vảy hoặc nổi mề đay khi gặp phải các tác nhân kích thích. Các tình trạng như bệnh chàm, viêm da tiếp xúc, bệnh trứng cá đỏ, v.v. thường là nguyên nhân khiến da trở nên nhạy cảm hơn.

Xem thêm