Caffeine là một chất tự nhiên được tìm thấy trong lá, hạt và trái của hơn 63 loài thực vật trên toàn thế giới. Các sản phẩm phổ biến chứa caffeine như trà, cà phê, ca cao một số loại nước ngọt được mọi người thưởng thức thường xuyên. Caffeine hoạt động như một chất kích thích để tạm thời trì hoãn mệt mỏi, cũng có thể gây mất ngủ ở một số người. Dưới đây là 6 lầm tưởng phổ biến về caffeine đối với sức khỏe của chúng ta và những sự thật mà bạn nên biết:
Lầm tưởng: Caffeine gây nghiện
Sự thật: Chắc hẳn bạn thường nghe mọi người nói rằng họ nghiện caffeine. Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương và việc nạp caffeine thường xuyên gây ra tình trạng lệ thuộc nhẹ về thể chất. Khi ngừng nạp caffeine đột ngột, một số người có thể bị đau đầu, mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ thường kéo dài tối đa trong vài ngày và có thể được kiểm soát dễ dàng bằng cách giảm dần lượng caffeine.
Lầm tưởng: Caffeine làm tăng nguy cơ suy tim
Caffeine không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Sự thật: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh caffeine không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến cholesterol, nhịp tim. Huyết áp tăng nhẹ có liên quan đến việc tiêu thụ caffeine ở những người nhạy cảm với nó. Tuy nhiên, sự thay đổi này tương tự các hoạt động bình thường, như leo cầu thang. Mặc dù vậy, Đối với những người có tiền sử mắc bệnh tim hoặc có các vấn đề về tim mạch như nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim, suy mạch vành hoặc ngoại tâm thu nên hạn chế hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về lượng caffeine có thể nạp hàng ngày.
Lầm tưởng: Caffeine có thể gây ung thư
Sự thật: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, caffeine không làm tăng nguy cơ ung thư. Hai nghiên cứu quy mô lớn ở Na Uy và Hawaii liên quan đến 20.000 người cho thấy không có mối quan hệ nào giữa ung thư và caffeine. Trên thực tế, caffeine thậm chí có thể có tác dụng chống lại một số bệnh ung thư.
Lầm tưởng: Caffeine có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
Caffeine không làm tăng nguy cơ loãng xương.
Sự thật: Những nghiên cứu đã cho thấy rằng, caffeine có thể làm tăng nguy cơ mất calci trong nước tiểu. Tuy nhiên, việc nạp lượng caffeine trong giới hạn cho phép không ảnh hưởng đến sự cân bằng calci và mật độ xương. Các nghiên cứu gần đây cho thấy caffeine không làm tăng nguy cơ loãng xương. Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác động của caffein đối với quá trình chuyển hóa calci, vì vậy họ nên giới hạn lượng caffein hàng ngày của mình ở mức 300mg hoặc ít hơn.
Lầm tưởng: Phụ nữ chẩn bị mang thai và phụ nữ mang thai không nên nạp caffeine
Sự thật: Các nghiên cứu cho thấy rằng nạp caffeine vừa phải là an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Không có mối liên quan nào giữa lượng caffeine vừa phải và khả năng thụ thai, dị tật bẩm sinh, sinh non. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai và những người đang chuẩn bị mang thai chỉ nên nạp caffeine ở mức độ vừa phải (300mg hoặc ít hơn mỗi ngày) tương đương với 1 tách cà phê nhỏ.
Lầm tưởng: Caffeine có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em
Sự thật: Cơ thể trẻ em có khả năng xử lý caffeine tương tự như người lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine khi được tiêu thụ ở mức độ vừa phải sẽ không có ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Mặc dù ở trẻ em nhạy cảm, nạp caffeine với lượng cao có thể gây ra các tác dụng tạm thời như tăng sự lo lắng, khó chịu, dễ bị kích động.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Nạp caffeine đúng cách để học tập hiệu quả.