Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

4 hợp chất kháng histamine tự nhiên

Nếu bạn dễ mắc dị ứng theo mùa, chắc hẳn sẽ hiểu sự phiền toái và khó chịu mỗi khi phát bệnh: hắt hơi, ngứa mắt, sổ mũi và viêm xoang…khiến bạn gần như không thể chịu nổi nhưng bạn lại không muốn phải uống quá nhiều thuốc. Đừng quá lo lắng bởi có những bằng chứng cho thấy một số liệu pháp điều trị từ thiên nhiên cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng rất hiệu quả và lại ít gây ra tác dụng phụ.

Cơ chế hoạt động của các kháng histamine

Căn bệnh dị ứng là kết quả đáp ứng miễn dịch của cơ thể với một tác nhân dị ứng ngoài môi trường như bụi, phấn hoa… Những tác nhân này tiếp xúc với những tế bào trên bề mặt niêm mạc mũi, miệng, họng, phổi, dạ dày và ruột và giải phóng ra histamine.

Histamine là một chất trung gian hóa học có vai trò quan trọng trong các phản ứng viêm và dị ứng. Do vậy, các kháng histamine có tác dụng ức chế hoạt động của histamine và ngăn chặn hiện tượng dị ứng.

Hiện tại trên thị trường sẵn có rất nhiều loại thuốc kháng histamine được bán rộng rãi tại các nhà thuốc, tuy nhiên một số loại thực phẩm và chiết xuất từ thảo dược cũng đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự sản xuất histamine theo cơ chế tương tự các thuốc tổng hợp.

1. Chiết xuất cây tầm ma

Tầm ma là một loài thảo dược được sử dụng khá phổ biến trong dân gian và cũng được coi là có đặc tính kháng histamine tự nhiên. Trong một nghiên cứu, khoảng 58% những đối tượng tham gia nhận thấy các triệu chứng của họ giảm sau khi sử dụng chiết xuất tầm ma đông khô, và 69% đánh giá loại thảo mộc này hiệu quả hơn giả dược. Liều lượng mà họ sử dụng trong nghiên cứu là 300 mg/ngày.

2. Quercetin

Quercetin là một chất chống oxy hóa có trong một số loại thực vật như hành tây, táo… Một số nghiên cứu đã chứng minh quercetin đồng thời cũng có hoạt tính kháng histamine. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng quercetin thậm chí còn giúp giảm các triệu chứng trên đường hô hấp của dị ứng trên mô hình chuột bằng cách làm giảm đáp ứng viêm trên ống dẫn khí. Bạn có thể mua quercetin dưới dạng thực phẩm chức năng hay đơn giản là tăng cường ăn những thực phẩm giàu quercetin.

3. Bromelanin

Bromelanin là một hợp chất được tìm thấy chủ yếu trong quả dứa, tuy nhiên hiện trên thị trường đã có dạng thực phẩm chức năng chứa bromelanin. Đây là một hợp chất có hiệu quả trong điều trị các bệnh đường hô hấp và tình trạng viêm liên quan đến dị ứng. Một nghiên cứu khuyến cáo nên sử dụng bromelanin với liều từ 400-500 mg x 3 lần/ngày.

4. Vitamin C

Vitamin C cũng là một chất với hoạt tính kháng histamine khá phổ biến trên thị trường. Nó có mặt trong rất nhiều loại trái cây và rau quả và đồng thời cũng tồn tại dưới dạng thực phẩm chức năng. Do ít tác dụng phụ và không độc nên vitamin C là một giải pháp an toàn và hiệu quả trong hỗ trợ điều trị các triệu chứng sổ mũi hay dị ứng theo mùa. Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng ít nhất 2 g/ngày để thu được hiệu quả kháng histamine tốt nhất.

Bằng cách kết hợp các liệu pháp điều trị từ thiên nhiên với chăm sóc tại nhà và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, bạn sẽ không còn cảm thấy phiền toái với chứng bệnh dị ứng theo mùa. Ngoài ra, nên nhớ rằng các hợp chất kháng histamine có nguồn gốc thực phẩm khá tự nhiên và an toàn nhưng thực phẩm chức năng thì cần thận trọng khi sử dụng và cần thiết phải hỏi ý kiến bác sỹ.

Ths.Hồng Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm