Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone… có thể ảnh hưởng xấu tới thị lực của bạn. Trên thực tế, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh có thể gây mất ngủ về đêm, ức chế melatonin (dưỡng chất quan trọng giúp điều hòa giấc ngủ tự nhiên).
Dưới đây là 4 điều có thể bạn chưa biết về ánh sáng xanh, cũng như cách làm thế nào bảo vệ đôi mắt của mình khỏi những tác động tiêu cực của chúng:
Ánh sáng xanh có ở khắp mọi nơi
Ánh sáng xanh không chỉ phát ra từ các thiết bị điện tử. Nguồn ánh sáng xanh chủ yếu đến từ mặt trời (đây cũng chính là lý do tại sao bạn nhìn thấy bầu trời có màu xanh) và đó chỉ là một màu trên quang phổ của ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy.
Trên thực tế, đôi mắt đã quen với việc phải tiếp xúc với ánh sáng xanh trong tự nhiên. Tuy nhiên, đôi mắt của chúng ta lại không thể xử lý sự quá tải của ánh sáng xanh nhân tạo, điều dường như đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày.
Ánh sáng xanh có từ ánh sáng mặt trời cho tới ánh sáng phát ra từ thiết bị điện tử.
Không phải loại ánh sáng xanh nào cũng có hại
Các tế bào cảm quang trong mắt không chỉ tiếp nhận ánh sáng để giúp bạn nhìn thấy được mọi vật xung quanh. Trên thực tế, điều này còn giúp đảm bảo nhịp sinh học của cơ thể, giúp điều hòa hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Ánh sáng xanh từ mặt trời có khả năng điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của bạn. Tiếp xúc với ánh sáng xanh từ mặt trời giúp tăng cường sự tỉnh táo, giúp cải thiện tâm trạng. Đây cũng là lý do ánh sáng xanh nhân tạo được sử dụng như một phương pháp điều trị trầm cảm theo mùa.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá mức với ánh sáng xanh trong khoảng thời gian dài lại có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Theo đó, thường xuyên tiếp xúc với nguồn ánh sáng xanh nhân tạo từ màn hình các thiết bị điện tử có thể phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể.
Các tế bào sắc tố tại hoàng điểm (điểm vàng) trong mắt giúp lọc ánh sáng xanh
Cấu trúc tự nhiên của đôi mắt có thể ngăn chặn các tia UV có hại chiếu vào võng mạc, tuy nhiên, hầu hết ánh sáng xanh có thể nhìn thấy đều sẽ đi vào mắt. Các tế bào sắc tố tại hoàng điểm chính là bộ lọc ánh sáng màu xanh tự nhiên trong đôi mắt. Trên thực tế, chúng sẽ giúp hấp thụ ánh sáng xanh năng lượng cao.
Các tế bào sắc tố tại hoàng điểm bao gồm hai carotenoid chính là zeaxanthin và lutein. Bạn có thể tìm được hai dưỡng chất này trong các thực phẩm như các loại rau, cà rốt, bí ngô và lòng đỏ trứng.
Càng nhiều các tế bào sắc tố, càng nhiều ánh sáng xanh bị chặn lại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bổ sung zeaxanthin và lutein trong vòng 6 tháng có thể giúp cải thiện mật độ các tế bào sắc tố tại hoàng điểm.
Ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng khác nhau đến trẻ em và người lớn
Mắt của trẻ dưới 14 tuổi chưa phát triển đầy đủ, do đó, chúng sẽ không được bảo vệ khỏi ánh sáng năng lượng cao tốt như ở người trưởng thành.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng năng lượng cao kéo dài là một trong những nguyên nhân chính gây ra cận thị ở trẻ nhỏ. Đây cũng chính là nguyên nhân bạn cần giới hạn thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
Cách bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh:
- Hạn chế việc tiếp xúc với ánh sáng xanh: Sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh khi sử dụng smartphone, máy tính bảng, laptop… vào chiều tối. Tránh sử dụng các thiết bị này ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ.
- Cân nhắc bổ sung lutein và zeaxanthin từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
- Chuyển sang dùng bóng đèn LED với dải màu ấm hơn để giảm lượng ánh sáng xanh trong nhà vào buổi tối.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ánh sáng xanh có gây đau đầu không?