Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm phổi do virus ở trẻ em: Triệu chứng, điều trị và cách chăm sóc, phòng ngừa

Viêm phổi do nhiều loại virus hô hấp gây ra, nhưng hay gặp là virus cúm và virus hợp bào hô hấp. Ở trẻ nhỏ xảy ra với tần suất cao 60 - 70% trong các trường hợp viêm phổi, nhất là ở lứa tuổi từ 2 - 3 tuổi.

1. Tổng quan viêm phổi do virus ở trẻ em

Viêm phổi do virus ở trẻ em gặp nhiều nhất là do virus RSV, Adenovirus, Rhinovirus. Mùa hay gặp nhất là mùa đông (lạnh và ẩm), ở những cộng đồng dân cư đông. Hình ‎thái và mức độ nặng của viêm phổi do virus thay đổi theo một số yếu tố như ‎tuổi, mùa, trạng thái miễn dịch của bệnh nhân, môi trường. Bệnh khó phòng ‎tránh, dễ lây nhiễm và tái phát. Viêm phổi do virus có thể dẫn đến các biến chứng như: Suy hô hấptràn dịch màng phổi, bội nhiễm vi khuẩn...

2. Triệu chứng của viêm phổi do virus ở trẻ em

Triệu chứng lâm sàng trùng lặp giữa các loại virus và các loại viêm phổi khác, không thể xác định căn nguyên bằng lâm sàng. Tuy nhiên, có những giai đoạn sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: Dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loại virus.

- Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng viêm long đường hô hấp trên trong vài ngày với các biểu hiện như: Đau họng, chảy mũi, hắt hơi, ho… có thể kèm theo sốt nhẹ.

Viêm phổi do virus ở trẻ em gặp nhiều nhất là do virus RSV.

‎- Giai đoạn toàn phát: Trẻ sốt vừa hoặc sốt cao. Thở nhanh kèm theo rút lõm lồng ngực. Các trường hợp nặng có thể có tím, thở rên và mệt lả, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khám phổi có ran rít, ngáy hoặc ít ran ẩm. Triệu chứng thực thể nghèo nàn và không đặc hiệu. Trên lâm sàng rất khó phân biệt giữa viêm phổi virus với ‎viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng ngoài phổi có thể gặp: Nôn trớ, tiêu chảy, phát ban, viêm kết mạc, gan lách to...

3. Chẩn đoán xác định viêm phổi do virus ở trẻ em

Chẩn đoán xác định viêm phổi do virus ở trẻ em:

-Test nhanh phát hiện kháng nguyên virus cho kết quả nhanh trong vòng 15 phút. Hiện đang được áp dụng với cúm A, B, RSV.

- Real-time PCR phát hiện chuỗi RNA đặc hiệu của virus từ dịch tiết ‎đường hô hấp, có độ nhậy và độ đặc hiệu cao.

- Chẩn đoán huyết thanh cũng có thể sử dụng với hai mẫu huyết thanh, 1 ở giai đoạn cấp và 1 ở giai đoạn lui bệnh để xác định sự tăng hiệu giá kháng thể đối với một loại virus (gấp 4 lần). Loại test này ít được dùng trên lâm sàng vì kết quả muộn.

- Số lượng bạch cầu bình thường hay tăng nhẹ tỷ lệ Lymphocyte chiếm ưu thế. CRP bình thường.

- Xquang phổi: Tổn thương đa dạng và không điển hình, hay gặp hình ảnh ‎thâm nhiễm khoảng kẽ lan toả hình lưới hay hình liễu rủ.

4. Điều trị viêm phổi do virus ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị viêm phổi do virus ở trẻ em là chống suy hô hấp, chống nhiễm khuẩn, chống mất nước, rối loạn điện giải, đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo thân nhiệt.

‎4.1. Đối với chống suy hô hấp cần lưu ý

Đặt trẻ nằm nơi thoáng khí, yên tĩnh, nới rộng quần áo, tã lót. Hỗ trợ kịp thời tùy theo mức độ suy hô hấp:

+ Giảm tắc nghẽn đường hô hấp.

‎+ Đặt trẻ ở tư thế thích hợp: Trẻ dưới 1 tuổi nằm tư thế thẳng (tư thế trung ‎gian), trẻ trên 1 tuổi tư thế cổ hơi ngửa ra phía sau.

+ Thông thoáng mũi: Nhỏ nước muối sinh lý trước khi ăn, bú và ngủ.

+ Vỗ rung kèm dẫn lưu tư thế, hút thông đường hô hấp khi có nhiều đờm.

+ Cho trẻ thở oxy mask, oxy gọng khi có khó thở, tím tái, cho thở liên tục ‎đến khi hết tím tái và phải thường xuyên theo dõi nhịp thở, SpO2, mạch, huyết áp, nhiệt độ… để kịp thời xử trí.

Trường hợp tím tái nặng, ngừng thở có thể đặt ống thông nội khí quản để dễ dàng hút thông đường thở, thở oxy, bóp bóng hô hấp hỗ trợ.

+ Kiểm tra khí máu để đánh giá và điều chỉnh thăng bằng kiềm toan.

4.2. Đối với chống nhiễm khuẩn

- Sử dụng kháng sinh cho trẻ khi có bội nhiễm

- Vệ sinh sạch sẽ: Hàng ngày vệ sinh răng miệng và da

- Chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

4.3. Đảm bảo thân nhiệt

- Nới rộng quần áo, tã lót duy trì thân nhiệt ổn định.

‎- Theo dõi nhiệt độ nếu trẻ sốt cao:

  • Dùng khăn mềm thấm nước ấm để lau cho trẻ hoặc đắp chườm tại các vị trí trán, nách, bẹn. Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). 

  • Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ có sốt từ 38,5 độ C trở lên. Không nên cho trẻ dùng Aspirin.

- Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú tăng cường ở trẻ bú mẹ.

- Theo dõi sát thân nhiệt, đề phòng biến chứng sốt cao co giật.

- Trẻ sơ sinh đẻ non, suy dinh dưỡng cần phải ủ ấm và theo dõi sát nhiệt độ đề phòng hạ thân nhiệt ở trẻ.

 

Khi trẻ bị viêm phổi cần theo dõi sát thân nhiệt để đề phòng biến chứng sốt cao co giật.

4.4. Đảm bảo dinh dưỡng

-Trẻ được cung cấp đủ năng lượng theo cân nặng, lứa tuổi.

- Nếu trẻ bú kém cần cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo số lượng.

- Trẻ ăn dặm hoặc trẻ lớn cần cung cấp thức ăn dễ tiêu và đảm bảo lượng calo cần thiết.

‎- Trẻ không tự ăn được cần phải tiến hành cho ăn qua ống thông hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch khi trẻ không bú được, nôn trớ hoặc tiêu chảy.

‎- Cân trẻ 1 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của trẻ.

‎4.5. Chống mất nước, rối loạn điện giải

‎- Theo dõi và đánh giá tình trạng mất nước (thóp, môi, mắt, nếp véo da, khát nước, tinh thần, nước tiểu…). Đảm bảo nước và dinh dưỡng đủ.

‎- Truyền dịch cho trẻ khi có chỉ định.

- Theo dõi tình trạng điện giải để kịp thời điều chỉnh cho bệnh nhân.

‎4.6.Tiên lượng viêm phổi do virus ở trẻ em

Đối với viêm phổi do virus ở trẻ em đa số các trường hợp viêm phổi do virus đều tự khỏi. Tuy nhiên, một vài trường hợp viêm phổi do RSV có thể nặng ở những trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi. Một số bệnh nhân có thể ho dai dẳng sau khi đã lui bệnh, 1 số bội nhiễm vi khuẩn cần điều trị như viêm phổi vi khuẩn.

5. Một số cách chăm sóc hiệu quả giúp trẻ bị viêm phổi nhanh khỏi bệnh

Cha mẹ có thể giúp trẻ nhanh khỏi bệnh bằng cách chăm sóc trẻ như sau:

Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho con tại nhà. Việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ bị viêm phổi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và do bác sĩ quyết định. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do virus. Ho là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

5.1. Áp dụng phương pháp vỗ lưng và giúp trẻ long đờm hiệu quả.

Đối với trẻ ho có đờm việc áp dụng phương pháp vỗ lưng cho trẻ sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng.

Nên thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.

Bước 1: Gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. 

Bước 2: Vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.

Tư thế bàn tay đúng khi vỗ lưng khi trẻ bị viêm phổi.

5.2. Hướng dẫn trẻ ho

Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Thực hiện các bước sau:

Bước 1: Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước.

Bước 2: Hít vào. Mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng. Hít vào lần nữa.

Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài. Riêng đối với trẻ nhỏ chưa biết cách tự khạc đờm, người chăm sóc, cha mẹ có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng cho trẻ.

Chú ý vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể trẻ. Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Đối với viêm phổi do virus ở trẻ em đa số các trường hợp viêm phổi do virus đều tự khỏi.

Tóm lại:

Để phòng bệnh viêm phổi do virus ở trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

Cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin như bạch hầu - ho gà - uốn ván, Hemophilus Influenzae typ B (Hib), phế cầu, cúm…

Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: Ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân… để chăm sóc và điều trị kịp thời.

Khi trẻ ho, sổ mũi có kèm theo thở mệt, cánh mũi phập phồng, tím tái; Thở khò khè hay thở rít khi nằm yên; Không uống được, co giật hoặc li bì khó đánh thức… phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.  

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Cảnh giác với bệnh viêm phổi do virus khi trời chuyển lạnh.

ThS. BS Nguyễn Thị Thu - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm