Vắc xin và tiêm chủng
1. Vai trò của vắc xin và tiêm chủng
Có thể nói việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi văc xin ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Về bản chất việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội:
- Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho nhân loại:
Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
- Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực:
Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
- Vắc xin và tiêm chủng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững:
Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình. Ngoài ra tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung v.v. Bên cạnh đó vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Những thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới:
- Bệnh Đậu mùa, đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.
- - Số ca mắc bệnh Bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.
- - 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được Uốn ván sơ sinh
- - Số trường hợp tử vong do Sởi được báo cáo giảm từ 2,6 triệu/năm xuống còn 122.000 năm 2012.
- - Số tử vong liên quan đến Ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013.
- - Số mắc Bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống còn dưới 10.000 trường hợp như hiện nay.
- - Vắc xin phòng Haemophilus influenza B (Hib) đã làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh Viêm màng não do Hib ở châu Âu trong 10 năm.
- - Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
- - Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho riêng vắc xin Sởi-quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD.
2. Chương trình TCMR ở Việt Nam và thành tựu
Có thể nói chương trình TCMR ở Việt Nam được nhà nước quan tâm và chỉ đạo thực hiện từ rất sớm đến nay đã hơn 30 năm. Sau đây là một số dấu mốc quan trọng về sự hình thành và phát triển của chương trình TCMR ở nước ta:
Giai đoạn thí điểm (1981 – 1984): TCMR bắt đầu được triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR.
Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước (1985 - 1990): năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt. Đến năm 1990, đã có 100% số huyện với trên 96,4% số xã triển khai chương trình TCMR
Giai đoạn xoá xã trắng về tiêm chủng mở rộng (1991 -1995): Mặc dù số xã trắng chưa triển khai TCMR trong năm 1990 chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số xã trong cả nước song đây lại là những xã khó khăn nhất, thực hiện gian khổ nhất là những xã ở vùng sâu, vùng xa núi nôn hiểm trở, hải đảo xa xôi, thiếu điều kiện giao thông, cơ sở y tế, lưới điện… việc xoá các xã trắng về tiêm chủng là một mục tiêu cấp bách song hết sức khó khăn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, đặc biệt là sự kết hợp của quân y bộ đội biên phòng. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, đến năm 1995 ngành y tế đã hoàn toàn xóa bỏ được các xã trắng về tiêm chủng, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác TCMR về thực hiện tiêm chủng ở 100% xã phường trên toàn quốc góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc y tế của Đảng và nhà nước ta.
Giai đoạn nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và mở rộng vắc xin mới trong TCMR:
- Năm 1997: Bốn văc xin mới tiếp tục được đưa vào triển khai miễn phí trong chương trình TCMR củaViệt Nam là văc xin viêm gan B, văc xin viêm não Nhật Bản B, văc xin thương hàn, tả. Đánh dấu 10 loại vắc xin được triển khai trong TCMR. Như vậy số lượng vắc xin mới đã từng bước mở rộng theo đúng ý nghĩa và tiêu chí của TCMR đó là mở rộng dần các vắc xin để phục vụ nhân dân. Đến năm 2003, văc xin viêm gan B được triển khai trên cả nước, năm 2014 vắc xin Viêm não Nhật bản B đã được triển khai trên 100% số huyện trong cả nước. Vắc xin tả, thương hàn được triển khai ở các vùng nguy cơ mắc bệnh cao.
- Từ tháng 6/2010, vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (QUINVAXEM) được triển khai trên toàn quốc, đây là vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.
- Được sự cho phép của Chính phủ tại văn bản số 1208/ QĐ-TTg ngày 04/09/2012 về việc đưa vắc xin Rubella vào Dự án Tiêm chủng mở rộng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên Minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức trong năm 2014-2015. Và vắc xin Rubella sẽ tiếp tục được duy trì trong tiêm chủng thường xuyên từ năm 2015. Như vậy Vắc xin phòng bệnh rubella là vắc xin thứ 12 được triển khai trong chương trình TCMR của Việt Nam.
Những thành tựu chính của chương trình TCMR ở Việt Nam:
Tại Việt Nam lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn. Chương trình TCMR đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Chính nhờ có chương trình TCMR hàng năm chúng ta cũng đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Không có một chương trình phòng bệnh nào lại hiệu quả như thế nhờ thứ vũ khí siêu hạng là vắc xin, cụ thể là:
- 11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng
- Hơn 1,5 triệu trẻ em, gần 1,6 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em
- Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979
- Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh bại liệt từ năm 2000
- Đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005
- Đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020.
* Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.
3. Phản ứng sau tiêm vắc xin và các nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng
Bản chất của vắc xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng hoặc do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Phản ứng sau tiêm chủng được quy định là “bất kỳ sự kiện sức khỏe bất thường nào xảy ra sau tiêm chủng có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không liên quan đến tiêm chủng”.
Về nguyên tắc tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% như mong muốn, bởi vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là shock và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Bảng 1: Các PƯSTC nhẹ, thông thường (Theo TCYTTG)
Bảng 2: Phản ứng sau tiêm chủng hiếm gặp (Theo TCYTTG)
Các nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng: có thể được xếp vào những nhóm nguyên nhân sau:
- Nhóm nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác:
Đây là nguyên nhân hay gặp nhất bởi vì khác với thuốc chữa bệnh dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân thì vắc xin trong TCMR được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong thì lại trùng với thời điểm tiêm các loại vắc xin. Theo Tổ chức Y tế thế giới dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và 1 ngày ước tính ở Việt Nam có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong mà không rõ nguyên nhân. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.
- Nhóm nguyên nhân do phản ứng quá mẫn cá thể đối với vắcxin:
Một số rất ít người có phản ứng quá mẫn rất mạnh với vắc xin dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng của vắc xin. Những trường hợp sốc nếu không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp thể sốc tối cấp không hồi phục thì dù được cấp cứu kịp thời vẫn tử vong.
- Nhóm nguyên nhân do chất lượng vắcxin không đạt yêu cầu:
Nếu do vắc xin không đảm bảo chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến và tử vong xảy ra hàng loạt, với các chùm ca bệnh liên quan mật thiết với cùng một loại vắc xin, cùng một lô vắc xin. Tuy nhiên nguyên nhân này là vô cùng hiếm gặp vì tất cả các lô vắc xin trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.
- Nhóm nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng:
Đây là nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng gây ra như: bảo quản vắc xin không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc. Nếu do nguyên nhân này thì tai biến thường chỉ xảy ra ở một điểm tiêm chủng và liên quan đến một số cán bộ nào đó. Hầu hết các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ nhưng khó dẫn đến tử vong trừ tiêm nhầm vắc xin với một loại thuốc khác.
- Không rõ nguyên nhân:
Rất nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân.
Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng và một số rất ít trường hợp bị tử vong do tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vắc xin đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro do tiêm chủng gây ra. Chính vì vậy mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm khôn lường cho toàn xã hội. Thực tiễn triển khai vắc xin ở Việt Nam trong 30 năm qua với khoảng 600 triệu mũi tiêm, tai biến nặng xảy ra sau tiêm vắc xin là hãn hữu đã cho thấy tính an toàn của vắc xin.
4. Nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn:
Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản v.v cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng