Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chung sống với máy tạo nhịp tim

Giờ đây, khi đã được đặt máy tạo nhịp (hoặc sắp được đặt máy), bạn có thể tự hỏi tại sao mình cần đến chiếc máy này và nó hoạt động như thế nào. Những thông tin trong bài viết này giúp trả lời những câu hỏi của bạn và giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu sau khi đọc xong, bạn vẫn còn băn khoăn thắc mắc, hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn. .

Chung sống với máy tạo nhịp tim

Hãy điền vào tấm thẻ in kèm ở phần cuối bài này những thông tin cần thiết và các chỉ dẫn quan trọng của thầy thuốc. Luôn mang thẻ đó bên người để phòng các trường hợp cấp cứu đột xuất có thể xảy ra.

Chung sống cùng máy tạo nhịp

Máy tạo nhịp của bạn là một thiết bị hiện đại và tuyệt diệu, nó cải thiện tình trạng hoạt động điện của tim khi khả năng phát nhịp và/hoặc dẫn truyền trong tim không hoạt động bình thường. Nhưng trước khi tìm hiểu về thiết bị này, bạn cần biết chút ít về quả tim của mình.

Nói chung, có thể coi tim như một chiếc bơm cấu tạo bởi một khối cơ đặc biệt. Tim làm nhiệm vụ bơm máu đến mọi tế bào trong cơ thể để vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các tế bào hoạt động.

Tim co bóp (bơm máu) nhờ những tế bào đặc biệt (ở tim bình thường, những tế bào tạo nhịp này được gọi là nút xoang) phát ra các xung điện học. Các xung động này kích thích cơ tim co bóp để bơm máu vào hệ thống tuần hoàn. Để kích thích toàn bộ cơ tim co bóp nhịp nhàng và đồng bộ, xung động được lan truyền từ ổ phát nhịp theo một hệ thống dẫn truyền đặc biệt.

Khi một yếu tố nào đó tác động và làm rối loạn sự hình thành hay dẫn truyền xung động, có thể dẫn đến tim không thể hoạt động tốt như bình thường. Tim có thể đập quá chậm, quá nhanh, không đều hoặc không đồng bộ với nhau.

Máy tạo nhịp tim được đặt ở dưới da, từ đó có dây nối vào tới tim để điều khiển hoạt động của tim

Những nguyên nhân gây thay đổi nhịp tim bao gồm:

  • Rối loạn hoạt động của nút xoang (bộ phận tạo ra xung động chính)
  • Tắc nghẽn đường dẫn truyền điện học trong tim
  • Xuất hiện các ổ phát xung động bất thường và mất kiểm soát

Nếu tim bạn đập quá chậm chậm, đập không đều, hoặc có lúc đập quá nhanh lúc quá chậm, chức năng bơm máu của tim sẽ bị ảnh hưởng. Khi ấy, bác sĩ có thể chỉ định đặt máy tạo nhịp nhân tạo cho bạn (còn gọi là máy tạo nhịp tim). Máy được cài đặt để phát ra xung điện theo nhịp đều đặn (thay thế hoặc hỗ trợ bộ phận tạo nhịp của tim), phù hợp với nhịp hoạt động của ổ phát nhịp tự nhiên của tim… Nhờ đó, mọi tế bào trong cơ thể đều được cung cấp đủ ôxy và chất dinh dưỡng.

Mỗi máy tạo nhịp tim về cơ bản đều gồm hai thành phần: 

Nguồn phát nhịp (tạo nhịp): là một thiết bị điện tử được cung cấp năng lượng bằng pin nhỏ. Tại đây tạo ra các xung điện (giống như xung điện do tim tạo ra) để kích thích tim co bóp. Thiết bị này được cấy dưới da, thường ở vị trí dưới xương đòn bên trái.

Các dây dẫn: làm nhiệm vụ dẫn truyền các xung động từ thân máy tạo của máy. Mỗi máy thường có hai dây dẫn, một đầu nối với máy, một đầu cắm vào thành tim, một đầu dây ở buồng nhĩ, đầu dây còn lại ở buồng thất.

Máy tạo nhịp ngày nay có thời gian hoạt động dài hơn hẳn những máy thế hệ cũ. Như các thiết bị điện khác, máy tạo nhịp cũng đòi hỏi sự bảo dưỡng. Ví dụ: pin có thể bị “trơ” dần theo thời gian và chúng ta phải thay máy tạo nhịp khác. Thay máy tạo nhịp chỉ là một can thiệp ngoại khoa đơn giản. Bạn sẽ được bác sỹ điều trị của bạn giải thích cặn kẽ về thủ thuật này.

Khi pin bị “trơ”, máy sẽ hoạt động chậm dần, tuy nhiên chưa ngừng ngay lập tức. Với một máy tính tương thích đặc biệt, bác sĩ có thể phát hiện những dấu hiệu đầu tiên cho thấy máy sắp hết pin, thậm chí trước cả lúc bạn cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể. Nếu bạn tự phát hiện nhịp tim đột ngột chậm lại, điều đó có thể nghiêm trọng và bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.

Khi đã được đặt máy tạo nhịp, bạn cần biết một số kỹ năng thực hành đơn giản nhất định để có thể giúp theo dõi hoạt động của máy tốt hơn. Các kỹ năng này sẽ được trình bày ở phần tiếp theo.

Tự đo và ghi chép nhịp tim giúp bác sĩ

Tự đếm mạch là một cách rất tốt và đơn giản để kiểm tra trái tim của mình và máy hoạt động ổn định hay không. Mỗi lần tim co bóp, máu sẽ được bơm vào các động mạch. Bằng cách đặt các ngón tay lên mặt trong cổ tay hoặc trên động mạch ở vùng cổ, bạn sẽ sờ thấy mạch của mình đập. Số lần mạch đập trong một phút chính là tần số tim. Đếm mạch trong trọn vẹn một phút, ghi lại tần số mạch sẽ giúp bạn biết được tim mình thông thường đập với tần số bao nhiêu, cũng đồng thời là máy tạo nhịp duy trì nhịp đập của tim bạn với tần số bao nhiêu. Như vậy, bạn cũng có thể biết được khi nào tim của bạn đập chậm hơn mức cài đặt của máy tạo nhịp. Bác sỹ sẽ cho bạn biết khoảng nhịp tim dao động chấp nhận được. Nếu nhịp tim của bạn quá nhanh hay quá chậm so với mức cho phép, hãy tới gặp bác sĩ ngay.

Hầu hết các máy tạo nhịp chỉ hoạt động khi cần thiết. Máy có một bộ cảm biến giúp nhận cảm nhịp tim của người bệnh. Khi tim tự phát nhịp với một tần số cao hơn một ngưỡng nhất định được cài đặt, máy sẽ tự động dừng phát nhịp. Khi nhịp tim xuống thấp ngưỡng này, bộ cảm biến sẽ khởi động máy phát nhịp trở lại.
Dưới đây là một số hướng dẫn cho việc tự theo dõi mạch:

  • Nếu máy tạo nhịp phát nhịp đều đặn ở tần số cao hơn tần số thích hợp, sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Bạn không biết khi đó là máy tạo nhịp đang hoạt động hay là nhịp tự nhiên của tim.
  • Nếu tim bạn đập với tần số gần hoặc nằm trong khoảng cho phép, nhưng thỉnh thoảng không đều, đừng lo lắng gì cả. Ổ phát nhịp tự nhiên của bạn sẽ luôn cạnh tranh với hoạt động của máy nhân tạo. Một vài nhát bóp đến sớm mà máy tạo nhịp cảm nhận được về mặt điện học sẽ không đủ làm mạch nảy lên để bạn có thể nhận thấy được.
  • Nếu số nhịp mạch của bạn trong một phút đột ngột giảm xuống chậm hơn mức cho phép hoặc tăng cao bất thường, hãy đến khám bác sĩ ngay để được chỉ dẫn. Có thể cần cài đặt lại chương trình của máy tạo nhịp để nó tiếp tục hoạt động bình thường, hoặc có thể máy gặp phải những vấn đề khác.
  • Nếu máy tạo nhịp của bạn được cài đặt theo chế độ nhịp tim thích nghi với vận động thể lực của bạn (tăng theo nhu cầu hoạt động và giảm đi khi nghỉ ngơi nhằm mục đích tiết kiệm pin) mà mạch của bạn nhanh và không đều trên 120 lần/phút, bạn cần đi khám bác sĩ.
  • Nếu mạch của bạn đập nhanh hơn mức bạn đo được trước đó – nhưng dưới 100 lần/phút – không cần phải lo sợ. Trước khi ra viện, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về nhịp tim tối đa có thể chấp nhận được. Cũng cần biết liệu bạn có được cài đặt chương trình để nhịp tim thích nghi với những thay đổi vận động thể lực hay không. Trao đổi sớm với các bác sĩ ngay trong quá trình điều trị sẽ giúp bạn tránh được những lo lắng không đáng có.

Uống thuốc theo đơn

Tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đều theo đơn là rất quan trọng. Thuốc có tác dụng phối hợp cùng máy tạo nhịp và giúp tim bạn hoạt động ổn định. Bạn cần lưu lại đầy đủ các hồ sơ, đơn thuốc liên quan đến các thời điểm ra viện và tái khám để tiện cho việc theo dõi.

Tuân thủ các chỉ dẫn liên quan đến chế độ ăn và vận động thể chất

Chiếc máy tạo nhịp cần khoảng tám tuần lễ để đi vào hoạt động ổn định. Trong thời gian đó, tránh những vận động mạnh, đột ngột, những động tác vung tay mạnh để tránh làm ảnh hưởng đến vị trí đặt máy và hoạt động của máy.

Những lưu ý và thông tin khác

  • Tránh các áp lực đè lên vùng ngực nơi đặt máy tạo nhịp. Phụ nữ nên có một miếng lót nhỏ đệm giữa vết rạch da với dây đeo áo ngực. Tắm gội không ảnh hưởng đến máy, vì máy sẽ hoàn toàn không bị tiếp xúc với nước.
  • Tuân thủ chiến lược điều trị của bác sĩ. Đi lại bằng ôtô, tàu hoả, hay máy bay không có gì nguy hại. Những người được đặt máy tạo nhịp vẫn có thể sinh hoạt tình dục bình thường.
  • Tập thể dục mỗi ngày, bất cứ bài tập nào bạn thích. Bạn có thể đi bộ ngắn, hoặc vận động tay chân để giúp lưu thông tuần hoàn. Nếu chưa hiểu rõ về mức độ hoạt động cho phép, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động bình thường như những người cùng độ tuổi khác.
  • Đừng tập quá mức. Ngừng tập nếu cảm thấy mệt. Khối lượng vận động phù hợp sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe hơn.

Đến khám bác sĩ trong trường hợp:

  • Bạn có khó thở.
  • Bạn tăng cân và phù nề cẳng chân hoặc quanh mắt cá chân.
  • Bạn bị chóng mặt, thoáng ngất, hoặc có những cơn choáng ngắn.

Báo với các bác sĩ khác và nha sĩ rằng bạn đang đeo máy tạo nhịp

Những khi đi khám bệnh tại một cơ sở nào khác hoặc kể cả khám răng, bạn cần cho bác sĩ và nha sĩ khám bệnh được biết bạn đang đeo máy tạo nhịp.

Những máy tạo nhịp hiện đại có tích hợp tính năng bảo vệ máy khỏi tác động của các thiết bị điện khác mà bạn có thể tiếp xúc hàng ngày. Đồ điện gia dụng như lò vi sóng, tivi, đài radio, máy nghe nhạc, máy hút bụi, chổi điện, dao điện, máy sấy tóc, máy cạo râu, máy xén cỏ, máy nướng bánh mì, máy xử lý thức ăn, máy mở đồ hộp,… sẽ không ảnh hưởng tới máy tạo nhịp của bạn. Phần lớn các thiết bị văn phòng như máy vi tính, máy chữ, máy photocopy, cùng những đồ văn phòng phẩm bằng gỗ hay kim loại cũng không gây hại cho máy tạo nhịp.

Nếu bạn nghi ngờ một thiết bị điện nào đó đang gây ảnh hưởng đến máy tạo nhịp, hãy tắt thiết bị đó hoặc đứng ra chỗ khác. Máy tạo nhịp sẽ hoạt động bình thường trở lại. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những hoàn cảnh đặc biệt của bạn (ví dụ như làm việc với những thiết bị điện công nghiệp có cường độ cao hay những nguồn từ trường mạnh). Các thủ thuật ngoại khoa cũng được coi là hoàn cảnh đặc biệt cần lưu ý. Một số thiết bị y tế, như máy chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp nên bác sỹ khám bệnh cho bạn cần biết để có thể tìm biện pháp thăm dò thay thế thích hợp.

Luôn mang theo tấm thẻ cá nhân bên người

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tấm thẻ cá nhân sẽ cho mọi người biết bạn đang đeo máy tạo nhịp. Khi bạn đi máy bay, giữ thẻ trong hành lý xách tay. Thiết bị dò kim loại ở sân bay có thể phát hiện ra máy tạo nhịp của bạn, dù nó không làm hỏng máy. Xuất trình thẻ sẽ giúp bạn tránh được những điều phiền phức.

Khám bệnh định kỳ theo hẹn

Để giúp máy tạo nhịp vận hành ổn định, cần kiểm tra máy định kỳ để đánh giá hệ thống dây dẫn cũng như pin máy. Ngày nay, hàng nghìn người được đặt máy tạo nhịp vẫn có một cuộc sống khoẻ mạnh. Nói chung, thiết bị này an toàn và đáng tin cậy. Không cần phải kiểm tra máy quá thường xuyên. Cách đơn giản nhất để kiểm tra máy là tự bắt mạch. Cũng cần uống thuốc đều theo đơn và đi khám định kì. Bác sĩ sẽ giải thích những vấn đề bạn chưa hiểu rõ.

Bạn sẽ tìm thấy tấm thẻ cá nhân ở cuối bài viết này. Mặt sau tấm thẻ là những chỉ dẫn đặc biệt. Hãy nhờ bác sĩ điều trị điền giúp các thông tin cần thiết mà bạn không rõ và luôn mang tấm thẻ này bên người.

THẺ CÁ NHÂN DÀNH CHO NGƯỜI MANG MÁY TẠO NHỊP

Họ tên: ....................................................................................
Địa chỉ: ....................................................................................
Điện thoại: ...............................................................................
Nhóm máu:

Tôi đang đeo máy tạo nhịp. Trong trường hợp cấp cứu, hãy liên hệ với:
Bác sĩ: ..........................................................................................................
Điện thoại: ....................................................................................................
Địa chỉ: .........................................................................................................

Loại máy tạo nhịp: Loại dây dẫn:
Model: Số đăng kí:
Nhà sản xuất: Ngày cấy máy tạo nhịp:
Tần số của máy tạo nhịp

Hãy luôn mang tấm thẻ này bên mình. Nó sẽ giúp bạn trong trường hợp cấp cứu.

BẢNG THEO DÕI TẠI NHÀ

Họ tên bác sĩ: ...................................................................
Điện thoại: ........................................................................

Tần số tim được cài đặt
Khoảng dao động cho phép: từ đến ..… nhịp/phút.

 

Những thức ăn cần tránh: ..................................................................................
.........................................................................................................................

 

Vận động thể chất: ...........................................................................................
........................................................................................................................

 

Ngày khám kế tiếp: .........................................................................................

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các nguyên nhân khiến trái tim loạn nhịp

Theo Chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm