Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Magie và sức khỏe trái tim

Chắc hẳn bạn đã biết rằng, canxi rất tốt cho xương, kali thì cần thiết cho sự phát triển cơ bắp. Nhưng bạn có biết rằng, magie rất quan trọng cho sức khỏe của trái tim?

Magie và sức khỏe trái tim

Magie là một chất khoáng rất cần thiết cho hàng trăm hoạt động sinh học diễn ra bên trong cơ thể. Nó giúp giữ xương chắc khỏe, giúp cho các dây thần kinh và cơ bắp phối hợp hiệu quả, giúp kiểm soát lượng đường huyết. Magie cũng rất cần thiết cho việc duy trì nhịp tim ổn định và duy trì huyêt áp ở mức bình thường.

Magie giữ cho nhịp tim ổn định

Magie chính là yếu tố quyết định của một nhịp tim ổn định và bình thường do khả năng vận chuyển các chất điện giải, như canxi và kali, vào trong tế bào. Việc này rất quan trọng để truyền tín hiệu thần kinh và để cơ tim co lại của một chu kỳ tim đập bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu magie hoặc lượng magie nạp vào không đủ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Nghiên cứu cũng cho thấy, lượng magie trong máu thấp có liên quan đến tình trạng rung nhĩ – một rối loạn nhịp tim thường gặp nhất.

Không đủ magie khiến trái tim phải chịu đựng nhiều hơn

Đang càng ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu với mục đích xác định lợi ích của việc tăng hấp thu magie với sức khỏe của trái tim. Một báo cáo tổng hợp 22 nghiên cứu, xuất bản trên European Journal of Clinical Nutrition năm 2012 chỉ ra rằng, uống bổ sung magie có thể làm giảm huyết áp. Một báo cáo khác vào năm 2014 đã được xuất bản trên tạp chí Journal of Clinical Hypertension cho thấy, lượng magie thấp có liên quan đến chứng tăng huyết áp. Các nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, lượng magie trong máu thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, đặc biệt là việc lên cơn đau tim. Báo cáo này đã được xuất bản tháng 6 năm 2014 trên tạp chí PLOS One.

Bao nhiêu magie là đủ?

Người trưởng thành khỏe mạnh cần khoảng 25g magie trong cơ thể. Lượng magie khuyến nghị hàng ngày sẽ khác nhau phụ thuộc vào tuổi và giới. Trung bình, lượng magie khuyến nghị một ngày là khoảng 400mg cho nam giới từ 19-30 tuổi và 310mg cho nữ giới cũng trong độ tuổi này. Với những người trên 31 tuổi, nam giới nên bổ sung 420mg/ngày và nữ giới nên bổ sung 320mg/ngày.

Nếu bạn bị nghi ngờ thiếu magie, xét nghiệm máu có thể sẽ cho biết chính xác lượng magie trong cơ thể bạn. Lượng magie trung bình trong máu sẽ rơi vào khoảng từ 1.7 đến 2.3mg/dL. Triệu chứng thiếu magie sẽ xảy ra khi lượng magie trong máu dưới 1mg/dL.

Các nguồn thực phẩm giàu magie

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng, tốt nhất, nên bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng thông qua thực phẩm. Mặc dù một số loại thực phẩm được bổ sung thêm magie, như ngũ cốc ăn sáng, nhưng nguồn cung cấp magie tuyệt vời nhất bao gồm hạnh nhân, các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ và rau có lá màu xanh, ví dụ như rau bina. 28g hạt hạnh nhân rang khô có thể cung cấp khoảng 80mg magie, và 170g rau bina luộc có thể cung cấp 78mg magie. Các nguồn cung cấp magie khác bao gồm các loại đậu tây, sữa đậu nành, đậu đen, trái bơ, hạt điều và ngũ cốc nguyên hạt. Một quả chuối có kích thước trung bình có thể cung cấp cho bạn 32mg magie.

Cơ thể sẽ điều chỉnh lượng magie

Dưới 1% lượng magie trong cơ thể tìm thấy trong máu. Đa số lượng magie của cơ thể (khoảng 60%) được tìm thấy trong xương. Lượng magie còn lại được tìm thấy trong các tế bào. Chính vì điều này nên việc chẩn đoán thiếu magie là rất kó khăn. Tuy nhiên, ở những người trưởng thành khỏe mạnh, thiếu magie không phải là hiện tượng phổ biến. Vì thận có khả năng kiểm soát lượng magie có trong cơ thể. Khi lượng magie trong cơ thể xuống thấp, thì lượng magie đào thải ra ngoài cơ thể sẽ giảm đi.

Đối tượng có nguy cơ thiếu magie?

Theo thời gian, việc tiêu thụ magie ít hoặc đào thải ra quá nhiều magie có thể dẫn đến tình trạng thiếu magie. Tuy nhiên, một số bệnh sẽ làm cạn kiệt lượng magie có trong cơ thể, bao gồm nghiện rượu, các bệnh về đường tiêu hóa và tiểu đường type 2.

Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể làm cơ thể đào thải quá nhiều magie ra ngoài. Những loại thuốc này bao gồm thuốc lợi tiểu như Lasix (furosemide), cũng như thuốc ức chế bơm proton  (PPIs) như esomeprazole và lansoprazole dùng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Vì những người cao tuổi thường sử dụng những loại thuốc này nhiều hơn nên họ cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu magie.

Theo tuổi, khả năng hấp thu magie cũng sẽ giảm đi trong khi lượng magie đào thải qua nước tiểu cũng sẽ tăng lên.

Khi nào nên sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung magie?

Những người bị chẩn đoán thiếu magie có thể sẽ cần uống bổ sung thực phẩm chức năng để tránh các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra do tình trạng thiếu magie đem lại, ví dụ như co thắt cơ bắp, nhịp tim bất thường và co giật. Nhưng trong đa số các trường hợp, thực phẩm chức năng bổ sung magie là không cần thiết. Quá nhiều magie trong thực phẩm không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng bởi thận có thể đào thải lượng magie thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, uống thực phẩm chức năng bổ sung magie liều cao có thể gây tiêu chảy, buồn nôn và co thắt bụng. Liều magie rất cao, trên 5000mg/ngày có thể gây tử vong.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 7 tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp nhất
PGs.Ts Phạm Văn Hoan - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Everyday health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm