Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tokophobia – hội chứng tâm lý sợ sinh con

Tokophobia là hội chứng tâm lý sợ sinh con. Giống như chứng sợ độ cao hoặc sợ nhện đến mức tê liệt, tokophobia được gọi là chứng ám ảnh cụ thể, có nghĩa là nó đủ nghiêm trọng để cản trở chất lượng cuộc sống.

Trong một số trường hợp, tokophobia cũng có thể dẫn đến  việc sợ mang thai hoặc khiến người mắc muốn tránh mang thai ngay cả khi họ muốn có con. Một báo cáo về trường hợp tokophobia năm 2012 được công bố trên Tạp chí Tâm thần ước tính rằng có tới 13% phụ nữ không mang thai cho biết họ có nỗi sợ sinh con đủ mạnh để khiến họ muốn tránh mang thai.

Phân loại

Có hai loại tokophobia khác nhau là nguyên phát và thứ phát

  • Tokophobia nguyên phát: Xảy ra ở những người chưa từng sinh con nhưng mắc chứng sợ sợ sinh con.
  • Tokophobia thứ phát: Xảy ra khi nỗi sợ hãi bắt nguồn từ trải nghiệm sinh nở trước đó.

Ngoài ra, một số người có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) sau một ca sinh nở khó khăn. Điều này có thể liên quan đến tokophobia nhưng hai hội chứng này không hoàn toàn giống nhau.

Triệu chứng

Tâm lý sợ hãi sinh con là đặc điểm lớn nhất của chứng tokophobia, nhưng nó không phải là đặc điểm duy nhất. Tolophobia cũng có những triệu chứng của rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu. Điều này có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh của cuộc sống, từ giấc ngủ đến chế độ ăn uống cho đến tâm trạng.

Các triệu chứng phổ biến của tokophobia bao gồm:

  • Tránh giao hợp
  • Trì hoãn hoặc tránh mang thai mặc dù bạn muốn có con
  • Cố gắng hết sức để tránh mang thai
  • Mất ngủ hoặc gặp ác mộng
  • Tâm trạng lâng lâng
  • Các cơn hoảng loạn hoặc gia tăng các triệu chứng lo âu như mệt mỏi, lo lắng vô cớ hoặc đau đầu
  • Yêu cầu sinh mổ mà không có lý do y tế
  • Các triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, giảm cảm giác thèm ăn hoặc ham muốn tình dục hoặc mất hứng thú với các hoạt động yêu thích

Chẩn đoán

Giống như các chứng bệnh tâm lý khác, tokophobia được chẩn đoán bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ, chẳng hạn như nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần. Trong một số trường hợp, bác sĩ sản phụ khoa có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa tokophobia, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và trầm cảm sau sinh. Tất cả những điều này có thể có các triệu chứng giống nhau khó phân biệt, nhưng lại cần các phương pháp điều trị khác nhau.

Đọc thêm thông tin tại: Bí quyết hút sữa cho mẹ sau sinh

Nguyên nhân

Không phải lúc nào cũng có lý do rõ ràng giải thích cho việc tại sao một người nào đó bị chứng tokophobia. ĐIều này có thể là kết quả của sự tích lũy lâu dài những suy nghĩ, nỗi sợ hãi, kinh nghiệm và định kiến ​​về việc sinh con trong suốt cuộc đời của một người. Tuy nhiên, có một số yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng tokophobia.

Nỗi sợ y tế

Những người mắc chứng tokophobia có thể có những nỗi sợ hãi y tế nói chung như nỗi sợ bác sĩ, bệnh viện, sợ đau… Họ cũng có thể là nạn nhân của sơ suất y tế hoặc  từng bị đối xử không tốt khi vào viện và thiếu tin tưởng vào năng lực của các chuyên gia y tế. Họ cũng có thể  quá lo lắng khi nhận thức được những rủi ro và biến chứng có thể xảy ra khi sinh nở.

Trải nghiệm không tốt về tình dục trước đó

Nỗi sợ hãi xung quanh việc sinh con có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm tình dục tồi tệ trong quá khứ, cho dù chúng xảy ra trong thời thơ ấu hay khi trưởng thành.

Trải nghiệm sinh trước đó

Ở những người mắc chứng tokophobia thứ phát (những người đã từng sinh con), nỗi sợ hãi có thể tương tự như rối loạn căng thẳng sau sang chấn nếu trải nghiệm sinh nở của bạn đặc biệt đau đớn, khó khăn hoặc phức tạp. Điều này cũng có thể xảy ra nếu bạn bị sảy thai, thai chết lưu hoặc phá thai. Tuy nhiên, tokophobia thứ phát cũng có thể phát sinh sau những lần sinh “bình thường” hoặc khỏe mạnh trước đó.

Tiền sử lo âu và trầm cảm

Những người có vấn đề tâm lý lo lắng và trầm cảm, có thể sẽ phát triển chứng tokophobia. Có một số bằng chứng cho thấy rằng trầm cảm trước khi sinh có thể làm tăng khả năng mắc chứng tokophobia, mặc dù nó không quá phổ biến.

Điều trị

Hội chứng sợ sinh con tokophobia cũng có thể được điều trị. Hai con đường chính để điều trị chứng tokophobia là trị liệu và dùng thuốc.

Trị liệu

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý và liệu pháp tiếp xúc đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị chứng ám ảnh sợ hãi và các rối loạn liên quan đến lo âu khác. Bạn cần tìm một nhà tâm lý trị liệu có kinh nghiệm chuyên môn để chăm sóc sức khỏe tâm thần trước khi sinh cho mình.

Thuốc

Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs), thuốc benzodiazepine và thuốc chẹn beta có thể là những loại thuốc được bác sĩ cân nhắc trong phác đồ điều trị. Bạn sẽ cần đến bác sĩ tâm thần để được tư vấn. Bác sĩ có thể giúp xác định loại thuốc nào an toàn trong thời kỳ mang thai cho bạn.

Đọc thêm thông tin tại: Mẹ sau sinh nên kiêng gì để không mất sữa?

Cách để đối phó với chứng tokophobia

Một trong những cách tốt nhất để đối phó với chứng tokophobia là chia sẻ những lo lắng vấn đề của bạn với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Trong khi hầu hết những người mang thai không có nỗi ám ảnh về việc sinh nở thì nhiều người lại lo lắng và quan ngại về quá trình sinh nở. Bác sĩ sản phụ khoa nên có một số kinh nghiệm trong việc nói chuyện với bệnh nhân về thực tế cả những điều tích cực và tiêu cực của việc sinh nở an toàn, cũng như các lựa chọn giảm đau trong khi sinh  để các thai phụ có thể yên tâm hơn. Điều này có thể hữu ích với những người có chứng tokophobia do sợ đau khi sinh.

Nếu nỗi sợ sinh con có liên quan đến các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chấn thương tình dục trong quá khứ, không tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ hoặc một lần sinh nở đau thương trước đó, chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề còn tồn tại đó, giảm bớt hoặc loại bỏ nỗi ám ảnh của bạn.

Nếu bạn mang thai, hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức dinh dưỡng khoa học và phù hợp với thể trạng để giúp mẹ khỏe, bé phát triển tốt suốt 9 tháng thai kỳ. Nếu muốn được tư vấn bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, hãy tới Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Liên hệ đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc tại Hotline: 0935183939 hoặc 02436335678

BS Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywellfamily
Bình luận
Tin mới
Xem thêm