Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Teo âm đạo sau mãn kinh

Teo âm đạo sau mãn kinh, hoặc gọi chung là teo âm đạo là sự mỏng đi của lớp thành âm đạo gây ra do suy giảm hormone estrogen. Đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.

Teo âm đạo sau mãn kinh

Mãn kinh là giai đoạn mà bất cứ phụ nữ nào cũng phải trải qua, thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55, khi buồng trứng của người phụ nữ không giải phóng trứng được nữa. Khi đó, người phụ nữ cũng sẽ không còn có chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh là khi phụ nữ không có chu kỳ kinh nguyệt từ 12 tháng trở lên.

Phụ nữ bị teo âm đạo sẽ có nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm âm đạo mạn tính và rối loạn chức năng tiết niệu cao hơn. Teo âm đạo cũng có thể khiến người phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục.

Theo Hiệp hội bác sỹ gia đình tại Mỹ, có khoảng 40% số phụ nữ sau tuổi mãn kinh sẽ bị teo âm đạo.

Triệu chứng của teo âm đạo

Trong khi bệnh teo âm đạo vô cùng phổ biến thì chỉ có khoảng 20-25% số phụ nữ đi khám vì vấn đề này.

Ở một số phụ nữ, triệu chứng có thể xảy ra trong suốt thời kì tiền mãn kinh. Ở những phụ nữ khác, các triệu chứng có thể sẽ không xuất hiện cho đến những năm sau mãn kinh. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Thành âm đạo mỏng
  • Ống âm đạo rút ngắn và thắt chặt hơn
  • Khô âm đạo
  • Nóng rát âm đạo (do viêm)
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tiểu rắt (đái rắt)

Nguyên nhân gây teo âm đạo

Nguyên nhân của việc teo âm đạo là do sự suy giảm hormone estrogen. Nếu không có estrogen, các mô âm đạo sẽ trở nên mỏng hơn và bong ra. Âm đạo sẽ trở nên kém đàn hồi, mỏng hơn và dễ bị tổn thương hơn.

Suy giảm estrogen cũng có thể xảy ra trong các giai đoạn khác của cuộc đời, ngoài thời kì mãn kinh, bao gồm:

  • Trong giai đoạn cho con bú
  • Sau khi phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
  • Sau điều trị xạ trị do ung thư
  • Sau khi xạ trị vùng chậu trong điều trị ung thư
  • Sau khi điều trị hormone trong điều trị ung thư

Thường xuyên quan hệ sẽ giúp các mô âm đạo khỏe mạnh hơn. Đời sống tình dục lành mạch cũng có lợi cho hệ tuần hoàn và cải thiện sức khỏe cho trái tim.

Nguy cơ của teo âm đạo

Một số phụ nữ sẽ có nguy cơ teo âm đạo cao hơn. Những phụ nữ chưa bao giờ sinh con qua đường âm đạo (sinh thường) sẽ dễ bị teo âm đạo hơn những phụ nữ đã từng sinh thường.

Hút thuốc ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm các mô âm đạo và mô ở các cơ quan khác thiếu oxy. Sự mỏng mô sẽ xảy ra khi lượng máu nuôi dưỡng mô bị suy giảm hoặc bị hạn chế. Những người hút thuốc cũng sẽ ít đáp ứng với phương pháp điều trị estrogen dưới dạng viên uống hơn.

Biến chứng

Teo âm đạo làm gia tăng nguy cơ mắc các nhiễm trùng âm đạo ở người phụ nữ. Teo âm đạo cũng làm thay đổi môi trường axit của âm đạo, làm cho các vi khuẩn, nấm và vi sinh vật dễ tồn tại và phát triển ở âm đạo hơn.

Teo âm đạo cũng làm tăng nguy cơ bị teo hệ thống tiết niệu. Triệu chứng đi kèm với các vấn đề về teo hệ tiết niệu bao gồm tiểu nhiều lần hơn hoặc có cảm giác buốt khi đi tiểu.

Một số phụ nữ cũng sẽ có dấu hiệu tiểu tiện không tự chủ và sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn.

Chẩn đoán teo âm đạo

Đến gặp bác sỹ ngay nếu bạn thấy đau khi quan hệ tình dục, kể cả khi đã sử dụng các chất bôi trơn. Bạn cũng có thể đến gặp bác sỹ nếu bạn thấy âm đạo chảy máu bất thường, chảy dịch, nóng rát hoặc sưng ở âm đạo.

Bác sỹ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về tiền sử bệnh tật. Bác sỹ cũng sẽ muốn biết bạn đã không có kinh được bao lâu rồi, và liệu bạn đã bao giờ bị ung thư chưa. Bác sỹ cũng có thể sẽ hỏi về các loại thuốc hoặc mỹ phẩm bạn sử dụng, như nước hoa, sữa tắm, thuốc xịt khử mùi, chất bôi trơn và thuốc diệt tinh trùng. Vì những loại hóa mỹ phẩm này có thể làm tăng sự nhạy cảm của cơ quan sinh dục.

Bác sỹ cũng có thể kiểm tra vùng chậu của bạn. Bác sỹ cũng sẽ kiểm tra cơ quan sinh dục bên ngoài của bạn xem có các dấu hiệu teo hay không, ví dụ như:

  • Niêm mạc âm đạo tái nhợt, mịn, sáng bóng
  • Âm đạo mất tính đàn hồi
  • Lông mu thưa thớt
  • Cơ quan sinh dục ngoài mịn, mỏng
  • Sa các tạng trong vùng chậu (niêm mạc âm đạo phình ra)
  • Các mô hỗ trợ tử cung bị kéo giãn.

Bác sỹ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm sau

  • Xét nghiệm phết tế bào âm đạo: các mô âm đạo sẽ được lấy ra từ niêm mạc âm đạo, sau đó sẽ được xét nghiệm dưới kính hiển vi để tìm ra một số loại tế bào hoặc vi khuẩn nhất định (những tế bào hoặc vi khuẩn thường gặp khi bị teo âm đạo)
  • Kiểm tra độ axit âm đạo: để kiểm tra độ axit, một miếng giấy quỳ sẽ được đưa vào bên trong âm đạo. Bác sỹ cũng có thể lấy dịch âm đạo để xét nghiệm.
  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu: để kiểm tra được lượng estrogen của bạn.

Điều trị teo âm đạo

Điều trị có thể sẽ cải thiện được tình trạng của âm đạo và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Điều trị sẽ tập trung làm giảm triệu chứng hoặc tác động vào các nguyên nhân tiềm ẩn.

Các loại thuốc giữ ẩm hoặc dung dịch bôi trơn không cần kê đơn có thể giúp điều trị tình trạng khô âm đạo.

Nếu triệu chứng nặng, bác sỹ có thể khuyên bạn nên điều trị thay thế hormone estrogen. Estrogen sẽ cải thiện sự đàn hồi của âm đạo và làm ẩm âm đạo một cách tự nhiên. Liệu pháp này sẽ có tác dụng trong vài tuần. Estrogen có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc dưới dạng kem bôi.

Estrogen dạng bôi

Bôi estrogen ngoài da sẽ hạn chế được lượng estrogen đi vào dòng máu. Estrogen dạng bôi không điều trị được bất cứ triệu chứng hệ thống của tình trạng mãn kinh (ví dụ như bốc hỏa). Điều trị estrogen dạng này chưa được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, bạn nên gọi cho bác sỹ ngay nếu bạn dùng estrogen dạng bôi và bị chảy máu âm đạo một cách bất thường.

Estrogen dạng bôi có thể có rất nhiều dạng khác nhau:

  • Dạng vòng âm đạo có estrogen: là một vòng có chứa estrogen và có tính đàn hồi, mỏng, được đưa vào phần trên của âm đạo. Vòng âm đạo sẽ giải phóng một lượng nhất định estrogen và cần được thay thế 3 tháng một lần. Vòng estrogen là việc sư dụng estrogen liều cao và có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Bạn nên trao đổi với bác sỹ về nguy cơ và sự cần thiết của progestine nữa.
  • Kem bôi âm đạo có estrogen: Loại thuốc này sẽ được đưa vào âm đạo bằng cách thoa trước giờ đi ngủ. Bạn sẽ được kê dùng thuốc hàng ngày, kéo dài trong vài tuần, sau đó, giảm xuống còn 2-3 lần/tuần.
  • Viên đặt âm đạo có estrogen: Viên đặt âm đạo sẽ được sử dụng hàng ngày trong tuần, sau đó giảm xuống còn 2-3 lần/tuần.

Estrogen đường uống

Trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh, estrogen đường uống thường được dùng để điều trị chứng bốc hỏa và khô âm đạo. Nhưng sử dụng estrogen đường uống kéo dài với liều cao có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định. Nếu bạn đã từng mắc ung thư, estrogen đường uống thường sẽ không được kê đơn cho bạn.

Nếu bạn chưa bao giờ bị ung thư, progesteron (hormone progesteron tổng hợp) có thể sẽ được kê cùng với estroggen dưới dạng viên uống hoặc miếng dán. Bác sỹ sẽ cùng trao đổi với bạn để quyết định xem phương pháp nào thích hợp với bạn.

Phụ nữ sử dụng progestin và estrogen có thể sẽ bị chảy máu sau khi mãn kinh. Mặc dù nguy cơ ung thư ở phụ nữ sử dụng cả progestin và estrogen là rất nhỏ, nhưng bạn cũng nên đi khám bác sỹ để lượng giá tình trạng chảy máu sau mãn kinh. Chảy máu sau mãn kinh có thể là dấu hiệu sớm của ung thư nội mạc tử cung.

Dự phòng và lối sống

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống cũng có thể khiến bạn sống tốt hơn.Mặc quần lót bằng cotton và mặc đồ lót vừa vặn với cơ thể có thể cải thiện các triệu chứng của bạn. Đồ lót bằng cotton giúp không khi có thể lưu thông ở bộ phận sinh dục và do đó, vi khuẩn sẽ ít phát triển hơn.

Phụ nữ bị teo âm đao có thể sẽ bị đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà kiêng cữ. Giữ một đời sống tình dục lành mạnh có thể tăng cường lưu lượng máu đến âm đạo và kích thích độ ẩm tự nhiên của âm đạo. Các hoạt động tình dục không có ảnh hưởng gì lên lượng estrogen. Nhưng do nó tăng cường lượng máu đến âm đạo nên có thể giúp cơ quan sinh dục của bạn khỏe mạnh hơn. Dành thời gian để “khởi động” có thể sẽ làm việc quan hệ trở nên thoải mái hơn.

Dầu vitamin E cũng có thể dùng như một chất bôi trơn. Cũng có một số bằng chứng cho thấy vitamin D có thể làm tăng độ ẩm ở âm đạo. Vitamin D cũng giúp cơ thể hấp thu canxi. Việc này sẽ giúp làm chập hoặc ngăn chặn quá trình loãng xương sau mãn kinh, đặc biệt là khi được phối hợp với luyện tập thường xuyên.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sức khỏe âm đạo ở mọi độ tuổi - Phần 1Sức khỏe âm đạo ở mọi độ tuổi - Phần 2

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 06/10/2024

    Quản lý bệnh viêm loét đại tràng

    Viêm loét đại tràng là một căn bệnh mạn tính, nhưng bạn có thể kiểm soát được và chung sống với căn bệnh này. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để tìm ra phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa chúng tái phát.

  • 05/10/2024

    Vitamin K1 và K2: trẻ sơ sinh nên bổ sung loại nào?

    Vitamin K rất cần thiết cho trẻ sơ sinh, và tình trạng thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vậy trong giai đoạn này, nên bổ sung vitamin K dưới dạng K1 hay K2 cho trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 04/10/2024

    Tắm khoáng nóng có giúp giảm cân không?

    Việc ngâm mình trong một vùng nước tự nhiên ấm áp, với tiếng chim hót xung quanh và không khí trong lành bên ngoài có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn. Đôi khi một số người còn tin rằng tắm khoáng nóng giúp giảm cân. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu câu trả lời và khám phá các lợi ích sức khỏe có thể có khi tắm khoáng nóng cùng Bác sĩ Dinh dưỡng VIAM nhé.

  • 03/10/2024

    Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin D3?

    Vitamin D có những vai trò rất quan trọng trọng việc hấp thu canxi, tham gia vào nhiều chức năng khác như tạo xương, miễn dịch, tăng trưởng. Việc thiếu hay thừa vitamin D đều để lại những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bổ sung vitamin D là điều được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ - trong đó vitamin D3 là dạng bổ sung được khuyến nghị tốt nhất.

  • 02/10/2024

    Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

    Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

  • 02/10/2024

    Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết?

    Vaccine Qdenga đang được khuyến nghị tiêm cho trẻ em trên 4 tuổi và người lớn để phòng chống sốt xuất huyết, cùng tìm hiểu về loại vaccine này qua bài viết sau đây.

  • 01/10/2024

    Tác động của Vitamin D với sức khỏe

    Vitamin D (còn được gọi là calciferol) là một loại vitamin tan trong dầu, có mặt trong một số thực phẩm tự nhiên. Vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da và kích thích quá trình tổng hợp vitamin D.

  • 30/09/2024

    Thừa cân béo phì ở trẻ em

    Về định nghĩa, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích lũy mỡ ở mức vượt quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Xem thêm