Tăng đường huyết ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Glucose, hay còn gọi là đường, chính là nguồn năng lượng cho tất cả các tế bào trong cơ thể hoạt động. Lượng đường trong máu sẽ thay đổi một cách tự nhiên, phụ thuộc vào loại thực phẩm và lượng thực phẩm mà bạn ăn, cũng như thời điểm bạn ăn. Nhưng khi cơ thể gặp vấn đề, và các tế bào không hấp thu được lượng glucose trong máu và sẽ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết. Tăng đường huyết có thể làm tổn thương các dây thần kinh, các mạch máu, các cơ quan trong cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Lượng đường huyết bình thường sẽ rơi vào khoảng từ 60 mg/dl đến 140 mg/dl. Xét nghiệm HbA1c (một loại xét nghiệm máu) sẽ có khả năng đo được lượng đường trung bình trong máu trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại. Với người không bị tiểu đường, số liệu bình thường sẽ rơi vào khoảng dưới 5.7%. Thừa đường hay còn gọi là tăng đường huyết là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Người bị bệnh tiểu đường typ 1 thường sẽ không sản xuất ra được insulin – loại hormone cần để vận chuyển đường từ trong máu và các tế bào. Người bị tiểu đường typ 2 là những người mà cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc sản xuất ra quá ít insulin. Trong cả 2 trường hợp, nếu không được điều trị kịp thời, lượng đường trong máu có thể sẽ tăng lên quá cao, đến mức gây độc cho cơ thể và gây ảnh hưởng đến cơ thể từ đầu đến chân.
Đó là lý do tại sao việc kiểm tra đường huyết lại trở nên vô cùng quan trọng. Nếu lượng đường huyết của bạn ở gần mức bình thường, nguy cơ bị tiểu đường của bạn sẽ ít hơn. Dưới đây là các biến chứng và triệu chứng chính của tình trạng tăng đường huyết.
Thông thường, tình trạng tăng đường huyết lúc đầu sẽ không gây ra triệu chứng gì rõ ràng. Tại Mỹ có khoảng 29 triệu người bị tiểu đường nhưng 25% trong số đó là không có nguyên nhân rõ ràng. Có khoảng 86 triệu người Mỹ có lượng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Đó là lý do vì sao bạn nên kiểm tra lượng đường huyết định kỳ nếu bạn có nguy cơ bị tiểu đường. Những đối tượng nên kiểm tra đường huyết bao gồm người béo phì, ít vận động, bị tăng huyết áp hoặc có tiền sử gia đình bị tiểu đường. Xét nghiệm máu đơn thuần không đủ để chẩn đoán bệnh tiểu đường bởi đường huyết có thể tăng cao nếu bạn đang ốm hoặc căng thẳng. Nhưng nếu lần nào xét nghiệm kết cả cũng cao, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, tin tốt là nếu được phát hiện sớm, trước khi bạn xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau, thì tình trạng này có thể điều trị được và có thể tránh được những biến chứng sau này.
Bạn đi tiểu rất nhiều và uống rất nhiều nước
Khi có quá nhiều đường lưu thông trong hệ thống mạch máu, cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa này. Lượng đường thừa sẽ được đưa vào nước tiểu, làm nước tiểu sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể nhiều hơn, với số lượng lớn – nguyên nhân khiến bạn thường xuyên đi tiểu. Việc này sẽ khiến bạn rất khát nước vì bạn bị mất nước. Nhiều người còn cảm thấy rất đói và bị sụt cân bất ngờ, không rõ nguyên nhân vì các tế bào trong cơ thể không được bổ sung lượng đường mà chúng cần để hoạt động. Với một số người, họ thậm chí còn không biết mình mắc bệnh cho đến khi được xét nghiệm. Nhưng với một số người khác, các triệu chứng lại tương đối rõ ràng.
Lúc nào bạn cũng mệt mỏi
Nếu các tế bào trong cơ thể không được nạp đủ glucose, chúng sẽ rơi vào tình trạng đói năng lượng. Điều này sẽ làm bạn cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi. Khi máu của bạn đặc hơn do tăng đường huyết, trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, trong khi máu sẽ lưu thông chậm hơn trong cơ thể. Ngoài ra, khi cơ thể loại bỏ lượng đường thừa thông qua việc đi tiểu, cũng có nghĩa là bạn đang loại bỏ năng lượng ra khỏi cơ thể. Một nguyên nhân khác khiến bạn mệt mỏi là bạn thường xuyên khát nước, thường xuyên đi tiểu đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Máu của bạn sẽ đặc hơn (như siro)
Máu có quá nhiều đường sẽ đặc và dính hơn. Bạn có thể tưởng tượng máu của người bị tăng đường huyết sẽ đặc giống như siro, và lượng máu này vẫn sẽ phải đi đến những mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể, ví dụ như các mạch máu ở mắt, tai, thận và tim. Đó là lý do vì sao những biến chứng sẽ bắt đầu xuất hiện từ những khu vực có những mạch máu rất nhỏ như vậy. Kể cả ở những người không bị tiểu đường, cũng có mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng cô đặc của máu và lượng đường huyết, theo một nghiên cứu tại Italia.
Thị lực của bạn sẽ bị ảnh hưởng
Tăng đường huyết có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị lực của bạn theo thời gian. Vùng các mạch máu nhỏ dễ bị tổn thương nhất là võng mạc – phần rất nhạy cảm với ánh sáng nằm ở phía sau của mắt. Trong thời gian ngắn, đường huyết tăng cao có thể gây ra tình trạng nhìn mờ tạm thời. Khi đường huyết trở về mức bình thường, thị lực sẽ được cải thiện. Nhưng trong những giai đoạn muộn hơn, các bất thường về mạch máu sẽ bắt đầu xuất hiện, gây ra bất thường ở thị lực vùng trung tâm và thị lực ngoại vi. Điểm vàng nằm ở vùng trung tâm của mắt, chịu trách nhiệm nhìn chi tiết cũng có thể bị sưng gây giảm thị lực.
Tê bì ở đầu ngón chân và ngứa râm ran ở đầu ngón tay là những triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi, và cũng có thể là dấu hiệu của việc đường huyết của bạn đang tăng quá cao, trong thời gian quá dài. Đầu cuối của những dây thần kinh dài nhất trong cơ thể thường là những vùng bị ảnh hưởng đầu tiên bởi tình trạng tăng đường huyết. Đó là lý do vì sao bàn chân, chân, bàn tay và cánh tay là những vùng dễ bị tổn thương nhất. Tổn thương thần kinh tại các chi có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng như nóng rát, có cảm giác kim châm hoặc đau nhói. Kiểm soát được lượng đường huyết sẽ giúp ngăn chăn được những tổn thương nặng hơn. Tuy nhiên, do đường huyết phải tăng trong một thời gian rất dài trước đó mới dẫn đến các tổn thương thần kinh, nên việc đưa đường huyết trở về mức bình thường trong trường hợp này sẽ không thể diễn ra nhanh được.
Nhiễm trùng ở chân
Những người bị tăng đường huyết có thể sẽ bị mất cảm giác tại chân, từ đầu ngón chân cho tới bàn chân. Vì vậy, các chấn thương tại chân, ví dụ như móng chân mọc ngược, nốt phồng rộp hay nứt gót nhân có thể sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm. Đường thừa sẽ làm cho những vết thương này phát triển nặng hơn. Để đảm bảo không bị nhiễm trùng, những người này cần kiểm tra đường huyết định kỳ và kiểm tra chân hàng ngày. Cho đến ngày nay, tiểu đường vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp phải cắt cụt chi, mặc dù tỷ lệ số ca phải cắt cụt chi đã giảm khoảng 40% so với thời điểm 30 năm trước.
Ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Giảm ham muốn hoặc khó cương dương, khó đạt cực khoái là những dấu hiệu cho thấy lượng đường huyết của bạn đang không được kiểm soát. Thừa đường trong máu sẽ gây tổn thương các dây thần kinh và mạch máu quan trọng trong quá trình quan hệ tình dục. Nam giới có thể sẽ bị rối loạn cương dương do tổn thương mạch máu và một số người có thể sẽ bị xuất tinh ngược (là tình trạng tinh dịch di chuyển ngược lên bàng quang thay vì ra ngoài đầu dương vật). Nữ giới có thể sẽ bị khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục hoặc giảm cảm giác ở vùng sinh dục.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Các dây thần kinh kiểm soát các chức năng bên trong của cơ thể, ví dụ như chức năng tiêu hóa, cũng rất nhạy cảm với tình trạng tăng đường huyết. Những người này có thể sẽ bị táo bón nặng, thường xuyên tiêu chảy hoặc mắc cả 2 tình trạng trên. Đường huyết không được kiểm soát có thể dẫn đến liệt dạ dày (tình trạng thức ăn trong dạ dày di chuyển rất chậm xuống ruột non hoặc thậm chí là không thể di chuyển được). Tình trạng này có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, đau bụng. Những triệu chứng này sẽ làm người bệnh càng khó kiểm soát đường huyết hơn.
Tổn thương thận
Thận là nơi chứa rất nhiều mạch máu nhỏ, chịu trách nhiệm lọc bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi lượng đường huyêt thường xuyên tăng cao, hệ thống lọc của thận sẽ phải làm việc vất vả hơn để lọc bỏ lượng đường thừa ra khỏi máu. Sau nhiều năm, hệ thống lọc này sẽ hình thành sẹo và thận sẽ không thực hiện được chức năng như bình thường nữa. Tăng protein niệu là một trong số những dấu hiệu của tình trạng tăng đường huyết. Khi đường huyết và huyết áp được kiểm soát thì có thể bảo toàn được chức năng thận. Tuy nhiên, nếu đường huyết đã tăng trong một thời gian dài thì việc hình thành sẹo tại thận sẽ không thể hồi phục được, và do vậy, chức năng thận sẽ bắt đầu giảm đi. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, thận có thể sẽ dừng hoạt động hoàn toàn khiến người bệnh phải lọc máu hoặc cấy thận mới.
Những người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao hơn. Kể cả khi người bệnh tiểu đường có chỉ số huyết áp, cholesterol và các yếu tố nguy cơ khác tương tự như người không bị bệnh, thì nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim của họ vẫn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trong các thử nghiệm lâm sàng, việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường huyết có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong ở người bệnh tiểu đường. Kết quả nghiên cứu này cũng gợi ý rằng phải mất rất nhiều năm thì tình trạng tăng đường huyết mới có thể làm tổn thương đến các mạch máu lớn tại tim và não.
Ảnh hưởng đến trí nhớ
Tổn thương mạch máu cũng có thể dẫn đến tổn thương não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị bệnh tiểu đường có thể có nguy cơ cao hơn mắc phải các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ, thậm chí là có nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao hơn. Một nghiên cứu tại Đức khám phá ra rằng, lượng đường huyết cao hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và ghi nhớ kể cả ở người không bị tiểu đường. Trong nghiên cứu này, những người già có kết quả xét nghiệm HbA1c cao hơn sẽ có khả năng ghi nhớ ít từ hơn. Hình ảnh chụp não cũng cho thấy những người có lượng đường huyết cao sẽ có hồi hải mã nhỏ hơn (hồi hải mã là vùng não chịu trách nhiệm ghi nhớ). Theo thời gian, nếu lượng đường huyết của bạn vẫn tăng cao, thì tuần hoàn của bạn sẽ kém hơn và có thể dẫn đến các vấn đề như đột quỵ, teo não và ghi nhớ kém.
Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Đường huyết không được kiểm soát là kẻ thù của sức khỏe răng miệng. Đường trong nước bọt sẽ nuôi dưỡng vi khuẩn trong miệng, dẫn đến việc hình thành các mảng bám dính vào răng. Một số loại mảng bám có thể dẫn đến sâu răng trong khi một số loại mảng bám khác sẽ dẫn đến tình trạng hôi miệng. Theo thời gian, đường huyết tăng cao không được kiểm soát có thể dẫn đến đau và chảy máu lợi, khiến bạn gặp khó khăn khi nhai, ảnh hương rđến xương và mô quanh răng. Tăng đường huyết cũng có thể dẫn đến khô miệng và nứt môi. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nấm miệng – một loại nhiễm nấm có thể gây ra những mảng trắng hoặc đỏ tại lợi, lưỡi, má hoặc vòm miệng.
Các vấn đề về bàng quang
Những người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu cao hơn. Không chỉ có thế, khi bị nhiễm trùng thì tình trạng nhiễm trùng cũng thường sẽ nặng hơn. Tiểu đường cũng sẽ gây tổn thương các dây thần kinh kiểm soát chức năng bàng quang. Hậu quả là bàng quang có thể sẽ bị tăng hoạt, khó kiểm soát cơ thắt bàng quang, khó làm rỗng bàng quang. Những người mắc phải các vấn đề về bàng quang thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ảnh hưởng đến da
Các vấn đề về đường huyết có thể sẽ thể hiện ở làn da của bạn. Khi lượng đường huyết tăng lên trong thời gian dài, cơ thể sẽ bị thiếu nước (do tiểu nhiều), dẫn đến khô da, nứt da và ngứa da. Nặng hơn, các vấn đề về nhiễm nấm sẽ bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là tại vùng dưới ngực và nách của phụ nữ, gây sưng đỏ, đau, ngứa và kích ứng.
Thông tin thêm trong bài viết: 8 thói quen xấu góp phần làm tăng đường huyết
Mái tóc khỏe đẹp, mượt mà phản ánh tình trạng sức khỏe. Khi cơ thể thiếu một số chất sẽ khiến mái tóc yếu rụng... Dưới đây là một số nhóm thực phẩm giúp mái tóc mượt.
Hội chứng Apert là một rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra sự phát triển bất thường của sọ. Trẻ em mắc hội chứng Apert được sinh ra với hình dáng sọ và khuôn mặt biến dạng, đi cùng nhiều khuyết tật khác. Phẫu thuật tạo hình có thể giúp sửa một số bất thường xương mặt.
Bạn có biết Vitamin D rất quan trọng với sức khoẻ nhưng nhiều người lại thiếu hụt? Hãy cùng tìm hiểu những loại thực phẩm chứa hàm lượng vitamin D cao nhất, giúp bạn dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
Viêm loét đại tràng là một căn bệnh mạn tính, nhưng bạn có thể kiểm soát được và chung sống với căn bệnh này. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để tìm ra phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa chúng tái phát.
Vitamin K rất cần thiết cho trẻ sơ sinh, và tình trạng thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vậy trong giai đoạn này, nên bổ sung vitamin K dưới dạng K1 hay K2 cho trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Việc ngâm mình trong một vùng nước tự nhiên ấm áp, với tiếng chim hót xung quanh và không khí trong lành bên ngoài có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn. Đôi khi một số người còn tin rằng tắm khoáng nóng giúp giảm cân. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu câu trả lời và khám phá các lợi ích sức khỏe có thể có khi tắm khoáng nóng cùng Bác sĩ Dinh dưỡng VIAM nhé.
Vitamin D có những vai trò rất quan trọng trọng việc hấp thu canxi, tham gia vào nhiều chức năng khác như tạo xương, miễn dịch, tăng trưởng. Việc thiếu hay thừa vitamin D đều để lại những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bổ sung vitamin D là điều được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ - trong đó vitamin D3 là dạng bổ sung được khuyến nghị tốt nhất.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.