Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn

Tâm trạng và cảm xúc của bạn có thể có tác động lớn đến sức khỏe làn da. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc 5 ảnh hưởng của tâm trạng lên làn da mà bạn có thể gặp phải.

Căng thẳng gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh chàm, mụn trứng cá và các tình trạng da khác  

Khi bạn cảm thấy căng thẳng, cơ thể bạn sẽ tiết ra hormone cortisol. Cortisol không hoàn toàn xấu, nó có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong ngày, nhưng nó cũng gây ra một loạt tác dụng phụ khó chịu. 

Căng thẳng tác động tiêu cực đến làn da. Bộ não tăng cường sản xuất một loại hormone là hormone giải phóng Corticotropin (CRH). Hormone này ra lệnh cho tuyến thượng thận của chúng ta sản xuất thêm cortisol. CRH liên kết với các tuyến dầu, làm tăng sản xuất dầu và lượng dầu thừa có thể góp phần gây ra mụn trên da. 

Một nghiên cứu đã phát hiện ra mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá tăng lên có liên quan đáng kể đến mức độ căng thẳng.  

Lo lắng và căng thẳng thường gây ra các đợt bùng phát bệnh chàm. Bệnh chàm (đôi khi được gọi là viêm da dị ứng) có thể gây ra các triệu chứng như da khô, ngứa và nhạy cảm. 

Phản ứng căng thẳng sinh lý khiến cơ thể tiết các hormone adrenaline và cortisol, cuối cùng gây viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. 

Căng thẳng là một phần của cuộc sống hàng ngày và tất nhiên là không thể tránh khỏi. Vì vậy, mục tiêu không phải là loại bỏ mọi căng thẳng mà là học cách quản lý nó theo những cách hiệu quả để nó không vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Một tình trạng da phổ biến khác là bệnh rosacea, đặc trưng bởi đỏ mặt và các tổn thương viêm, bệnh này cũng có thể bùng phát do căng thẳng. Một số peptide mà hệ thần kinh giải phóng để phản ứng với căng thẳng có thể gây viêm và làm giãn mạch máu, dẫn đến đỏ mặt và đỏ bừng. Việc kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm các triệu chứng bùng phát. 

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), một số vấn đề liên quan đến da cũng có thể trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng như bệnh vẩy nến, ngứa và nổi mề đay. Vì căng thẳng có tác động lên hệ thống miễn dịch nên nó được coi là tác nhân gây ra bệnh vẩy nến, một tình trạng miễn dịch (trong đó hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khiến cơ thể tấn công nhầm vào mô của chính nó). Khi căng thẳng, histamin được giải phóng và khiến một số người bị nổi mề đay. 

Sự lo lắng có thể kích hoạt hành vi tự lột da 

Một số người gãi da để đối phó với cảm giác lo lắng. Việc lột da mạn tính là một hành vi lặp đi lặp lại liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đây là một bệnh tâm thần do di truyền, những thay đổi trong cấu trúc não liên quan đến việc hình thành thói quen cũng như căng thẳng và lo lắng. Việc điều trị sẽ bao gồm sự kết hợp của thuốc chống trầm cảm, như SSRI, và liệu pháp nhận thức hành vi.

Căng thẳng và lo lắng khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn và thật không may, đôi khi nó có thể để lại sẹo. Ngoài việc để lại sẹo, việc lột da có thể tạo ra vết thương hoặc làm nặng vết thương cũ, dẫn đến nhiễm trùng và có thể tạo ra một thói quen xấu.

Lo lắng là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, trầm trọng hơn và bắt đầu cản trở hoạt động hàng ngày thì bạn nên đi gặp bác sĩ. Những thói quen lành mạnh như tập thể dục và thiền chánh niệm có thể giúp kiểm soát sự lo lắng.

Trầm cảm có liên quan đến thói quen chăm sóc da lành mạnh

Những thói quen hàng ngày như chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ nhiều sẽ thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Nhưng những người bị trầm cảm khó có thể ăn uống lành mạnh hoặc ngủ đủ giấc, họ có thể không uống đủ nước, có thể không hít thở sâu. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sức khỏe và phản ánh trên làn da.

Những người bị trầm cảm có thể không có thói quen tự chăm sóc bản thân, như thói quen chăm sóc da.

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng trầm cảm, việc điều trị có thể giúp cải thiện tâm trạng, giúp bạn lấy lại hứng thú với các hoạt động bạn yêu thích, cải thiện giấc ngủ, năng lượng và nhận thức, cùng rất nhiều lợi ích khác. Khi những khía cạnh này của cuộc sống được cải thiện, bạn có thể cảm thấy có động lực hơn để thực hiện các thói quen chăm sóc bản thân, bao gồm tập thể dục, ăn uống lành mạnh và chăm sóc da tốt.

Cau mày tạo nếp nhăn 

Việc cau mày liên tục sẽ tạo ra những nếp nhăn khắc sâu trên trán. Sự co thắt cơ nhỏ xảy ra khi bạn cau mày hoặc nheo mắt sẽ khiến các nếp nhăn xuất hiện trên trán, giữa lông mày và quanh khóe mắt. Theo thời gian, những đường này trở nên rõ nét hơn và có thể dẫn đến nếp nhăn.

Bản thân nên tạo thói quen mỉm cười hoặc có ý thức thư giãn khuôn mặt để thúc đẩy làn da của bạn trông đẹp hơn.

Bạn nên nâng tai lên. Ngay cả khi bạn không thể mỉm cười, chuyển động đó vẫn sử dụng các cơ, và vẫn liên quan đến việc mỉm cười.

Cảm giác dễ chịu làm giảm tác động tiêu cực lên da 

Ngày càng có nhiều bác sĩ da liễu bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe làn da.

Nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng là mấu chốt quan trọng của mối liên hệ này. Và chỉ ra tại sao sức khỏe tâm thần kém có thể xuất hiện các vấn đề trên da, trạng thái tích cực sẽ ngăn chặn những tác động xấu trên da.

Có lẽ là nhờ mức độ tăng lên của một số hormone nhất định liên quan đến trạng thái tâm trạng tích cực, chẳng hạn như dopamine và serotonin. Những hormone này điều chỉnh tâm trạng giúp bạn bình tĩnh, ổn định và vui vẻ.

Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cụ thể để nói tại sao tâm trạng tích cực lại giúp tăng cường sức khỏe làn da, ngoài thực tế là căng thẳng có tác động tiêu cực đến da.

Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm