Tại sao người bệnh đái tháo đường thường khó giảm cân?
Nhiều người được chẩn đoán mắc đái tháo đường có xu hướng bị thừa cân, béo phì vì béo phì có thể làm tăng kháng insulin. Thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, hoặc khiến những người đã mắc đái tháo đường khó có thể kiểm soát bệnh tốt.
Đặc biệt, tình trạng insulin trong cơ thể tăng cao (có thể tiến triển từ trước khi được chẩn đoán bệnh) thường là nguyên nhân chính khiến bạn bị tăng cân khó kiểm soát.
Theo các bác sỹ từ Bệnh viện Aster CMI (Ấn Độ), người bệnh đái tháo đường thường khó giảm cân có thể do một số nguyên nhân như tình trạng kháng insulin, bạn luôn cảm thấy đói, do một số loại thuốc kiểm soát đường huyết có thể gây tăng cân… Do đó, nếu muốn giảm cân hiệu quả, người bệnh đái tháo đường cần chú ý kết hợp rất nhiều yếu tố, từ lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp, tới trao đổi với bác sỹ về việc dùng thuốc điều trị sao cho phù hợp.
Kháng insulin là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh đái tháo đường khó giảm cân.
Một vài lời khuyên giúp người bệnh đái tháo đường giảm và duy trì cân nặng ổn định
Glucose trong thực phẩm là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Tuy nhiên, do cơ thể người bệnh đái tháo đường xử lý glucose khác với người bình thường, chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh cũng cần có những thay đổi nhất định, đặc biệt nếu bạn đang nhắm tới mục tiêu giảm cân.
Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate
Thay vì ăn nhiều các thực phẩm giàu carbohydrate (như gạo trắng, bánh mì trắng, bún, miến, phở…) người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều các loại rau củ, trái cây tươi, thịt nạc, thực phẩm giàu chất béo lành mạnh…
Bạn vẫn cần bổ sung carbohydrate cho cơ thể, nhưng người bệnh đái tháo đường nên chú ý chọn các thực phẩm chứa carbohydrate phức tạp (như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt…) thay vì các loại thực phẩm đã qua chế biến.
Nên ăn các thực phẩm giàu protein
Protein rất quan trọng với những người bệnh đái tháo đường đang cố gắng giảm cân. Theo đó, người bệnh nên chọn ăn các loại thịt nạc, tốt nhất là thịt gia cầm (đã bỏ da) và các loại cá béo, hạn chế các loại thịt đỏ, thịt mỡ.
Nên thực hiện chế độ ăn ít béo
Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng dầu mỡ khi chế biến thức ăn. Bạn cũng nên chế biến món ăn bằng các phương pháp như hấp, luộc, nướng thay vì chiên, rán nhiều dầu mỡ. Người bệnh đái tháo đường cũng nên chọn các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như cá béo, các loại hạt và quả hạch, dầu olive, sản phẩm từ sữa không đường… để cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân hiệu quả hơn.
Nên ăn nhiều chất xơ
Các thực phẩm nhiều chất xơ (thường là các loại rau củ, trái cây tươi) có thể giúp người bệnh đái tháo đường thấy no lâu, giúp bạn tránh được thói quen ăn vặt và gây tăng cân mất kiểm soát.
Tập thể dục đều đặn
Người bệnh đái tháo đường nên dành ra khoảng 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày để tập thể dục, có thể là tập yoga, đi bộ, bơi lội… Thói quen tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm kháng insulin, từ đó giúp người bệnh đái tháo đường giảm cân hiệu quả hơn.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Người bệnh đái tháo đường cần cẩn thận với các thực phẩm giàu protein.