Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sôcôla làm giảm thiểu thiệt hại do các gốc oxy hóa

Không gì có thể tuyệt vời hơn sôcôla khi ăn mừng sau một thành công, để làm ấm cơ thể trong một buổi tối mùa đông lạnh giá hoặc để xoa dịu tâm hồn bạn sau một ngày tồi tệ. Nhưng, bạn nghĩ sao nếu các chuyên gia nói rằng, Sôcôla đen có thể làm nhiều hơn nữa, như là giảm thiểu quá trình lão hóa do chống lại sự phá hủy của các gốc tự do?

Gốc tự do và các chất chống oxy hóa

Những tổn thương do gốc tự do từ lâu đã được cho là một yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh mạn tính đi kèm với tuổi tác, bao gồm bệnh tim mạch, thoái hóa mắt, suy giảm trí nhớ, tổn thương do ánh sáng từ tia cực tím và ung thư.Vì vậy, việc hồi phục lại các tổn thương do các gốc tự do gây ra rất quan trọng, cho dù là với những người đã mắc bệnh hay vẫn còn khỏe mạnh.

Mỗi lần bạn ăn uống, hít thở hay di chuyển, cơ thể đều cần sử dụng nguồn năng lượng được tạo thành từ những loại thực phẩm bạn ăn hàng ngày.Nhưng, cũng giống như một chiếc ô tô dùng xăng để chạy thì cũng sẽ thải ra khí độc hại ra môi trường như một sản phẩm phụ của quá trình sử dụng xăng, cơ thể cũng hoạt động với cơ chế tương tự. Khi cơ thể cố gắng sử dụng nguồn năng lượng từ thực phẩm thì cũng sẽ sản sinh ra một loại sản phẩm phụ nguy hiểm: gốc tự do.

Gốc tự do là một hình thức khí oxy dễ phản ứng bởi bị mất đi một điện tử. Khi các gốc tự do tiếp xúc với một phân tử thông thường, chúng sẽ cố gắng “lấy cắp” một điện tử để bù vào phần thiếu của mình, gây ra tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh và DNA. Một số nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày, mỗi tế bào trong cơ thể phải chịu khoảng 10.000 lượt tấn công của các chất oxy hóa – gốc tự do lên hệ DNA của tế bào!

May mắn thay, các chất chống oxy hóa sẽ “tiêu diệt” rất nhiều các gốc tự do bằng cách ngừng kích hoạt các gốc tự do này, ngăn chặn từ sớm các gốc tự do làm tổn thương tế bào.

Sôcôla đen có khả năng chống oxy hóa hữu hiệu

Các nhà nghiên cứu tại Anh, Thụy Điển và Úc đã nghiên cứu tác dụng của Sôcôla đen lên các tổn thương do gốc tự do gây ra. Nếu bạn cho rằng tác dụng chống oxy hóa của Sôcôla rất mong manh thì hãy nghĩ lại đi nhé! Sôcôla có chỉ số ORAC là 13.120/100g (Chỉ số ORAC là một phương pháp đã được chấp nhận dùng để đánh giá khả năng chống oxy hóa của một loại thực phẩm), cao hơn 4 lần so với trà xanh và cao hơn 2 lần so với rượu vang đỏ - vốn đã là những chất chống oxy hóa rất mạnh và nổi tiếng.

Và trong khi flavonoid (đặc biệt là flavanol) là chất chống oxy hóa chính khiến Sôcôla đem lại rất nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể, thì Sôcôla cũng rất giàu các chất chống oxy hóa khác, bao gồm quercetin và epicatechin, cũng như các loại amino axit như phenylethylamine và tryptophan – những chất giúp cải thiện cảm xúc và tâm trạng của bạn.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Sôcôla đen chính là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa rất hiệu quả.

Giảm tình trạng oxy hóa với Sôcôla

Các nhà nghiên cứu đã làm việc với 14 nam giới khỏe mạnh, tuổi từ 21-23 và yêu cầu họ đạp xe trong 2,5 giờ với khoảng 60% sức lực. Đây là loại bài tập thường được sử dụng trong các nghiên cứu để bắt chước tình trạng stress oxy hóa. Stress oxy hóa là hậu quả của sự phá hủy của các gốc tự do, cũng như các chất độc hại từ môi trường, ví dụ như hút thuốc lá, tia phóng xạ…

14 người tham gia nghiên cứu sẽ thực hiện 3 thử nghiệm khác nhau khoảng 2 tiếng trước khi bắt đầu đạp xe. Trong thử nghiệm đầu tiên, họ nhịn ăn. Thử nghiệm thứ 2, họ ăn một loại đồ ăn nhẹ cung cấp năng lượng. Và trong thử nghiệm cuối cùng, họ ăn một thanh Sôcôla đen chứa 70% cacao. Hàm lượng calo, chất béo và carbohydrate của món đồ ăn nhẹ trong thử nghiệm thứ 2 và của thanh Sôcôla đen trong thử nghiệm thứ 3 là tương tự nhau. Mỗi thử nghiệm sẽ diễn ra cách nhau 1 tuần.

Trong mỗi cuộc thử nghiệm, mẫu máu sẽ được lấy 4 lần: trước khi ăn, ngay trước khi đạp xe (cũng là thời điểm sau khi ăn nhẹ 2 giờ), ngay sau khi đạp xe và 1 giờ sau khi việc đạp xe kết thúc.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, Sôcôla đen có thể làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa, so sánh với thử nghiệm khi nhịn ăn và khi ăn đồ ăn nhẹ. Đặc biệt, lượng F2 – isoprostane tự do sau khi đạp xetăng lên (so với trước khi đạp xe) trong thử nghiệm nhịn ăn và ăn đồ ăn nhẹ, nhưng lượng chất này không thay đổi sau khi đạp xe ở thử nghiệm ăn Sôcôla đen. Điều này có nghĩa là gì? F2 – isoprostane tự do là một gốc tự do xuất hiện trong cơ thể khi chất béo và cholesterol bị oxy hóa. Đây là một chất có hại cho cơ thể, do vậy, việc lượng chất này không thay đổi sau khi ăn Sôcôla đen là một điều rất tốt.

Một nghiên cứu độc lập khác,  cũng ủng hộ kết quả này. Một nhóm các nhà nghiên cứu khác tại Anh đã kiểm tra tác dụng của việc tiêu thụ Sôcôla lên các vận động viên nam đạp xe. Họ yêu cầu 20 nam vận động viên trẻ ăn 40g Sôcôla đen 2 lần/ngày trong vòng 2 tuần, và ăn trước khi đạp xe 2 giờ. Sau đó, 20 vận động viên này sẽ được yêu cầu đạp xe với khoảng 60% sức lực. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, Sôcôla đen có thể làm giảm đáng kể lượng F2 – isoprostane tự do và cũng làm giảm lượng cholesterol LDL đã bị oxy hóa (cholesterol xấu). Nghĩa là, thường xuyên tiêu thụ Sôcôla đen có liên quan đến việc giảm chất chỉ điểm stress oxy hóa (oxidative-stress markers).

Bao nhiêu Sôcôla đen là đủ?

Rõ ràng, các nghiên cứu này chứng minh rằng, Sôcôla đen có thể là một món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Nhưng, Sôcôla cũng như ánh nắng mặt trời và rượu vang, một lượng vừa phải sẽ tốt nhưng quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể. Sôcôla có thể sẽ gây ra tác dụng tiêu cực với cơ thể khi bạn ăn loại Sôcôla nhiều đường, hoặc nhiều chất béo.

Khi lựa chọn Sôcôla, tốt nhất, bạn nên chọn loại Sôcôla đen chứa từ 70% cacao trở lên, đắng hơn một chút và sẽ chứa nhiều cacao hơn. Bạn cũng nên lựa chọn những loại Sôcôla chứa dưới 10g đường/1 khẩu phẩn (1 khẩu phần tương đương khoảng 30g).

Cuối cùng, bạn nên ăn khoảng 60-100g mỗi ngày và cố gắng lựa chọn loại Sôcôla được làm từ hạt cacao được trồng hữu cơ.

Ts, Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

Xem thêm