Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng chống bệnh thủy đậu - Phần 1

Thủy đậu là một bệnh lây truyền gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh có thể chủ động phòng tránh được bằng tiêm vaccine.

Mặc dù thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có tính chất lây lan cao và được đặc trưng bởi dấu hiệu sốt và các mụn nước nhỏ trong hoặc màu trắng đỏ trên mặt và cơ thể.

Bệnh tiến triển nặng hơn ở người lớn, có thể gây những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với phụ nữ có thai, làm thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ. Bệnh thủy đậu có thể phòng tránh được bằng việc tiêm phòng vaccine.

Ảnh minh họa.

Bệnh thủy đậu khá phổ biến và hầu hết không quá nghiêm trọng, tuy nhiên bệnh có thể nguy hiểm ở những người có hệ miễn dịch suy yếu (ví dụ như trẻ sơ sinh, bệnh nhân xạ trị ung thư, bệnh nhân AIDS hay bệnh nhân dùng các loại thuốc như cortisone hay prednisolone). Bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do một loại virus herpes có tên là Varicella Zoster gây nên. Bệnh thủy đậu lây lan từ người sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp, hay do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh qua ho và hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với những vật có chứa dịch tiết của người bệnh hoặc từ những vết mụn nước. Mụn nước đã đóng vảy khô không được coi là yếu tố lây truyền bệnh.

Trong vòng từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, bạn có thể bị mắc thủy đậu. Một người đã bị nhiễm bệnh có thể lây bệnh trong khoảng thời gian bắt đầu từ 1 đến 2 ngày trước khi xuất hiện những nốt mụn nước, cho tới khoảng 1 tuần sau khi các nốt mụn nước ngừng xuất hiện và khô đi.

Khi đã mắc thủy đậu thì bạn sẽ có miễn dịch với căn bệnh này và rất hiếm khi mắc lại. Các virus vẫn tồn tại dưới dạng không hoạt động trong hệ thần kinh và có thể gây bệnh zona trong các điều kiện thuận lợi sau này.

Triệu chứng

Người bị thủy đậu thường có triệu chứng sốt cùng với xuất hiện các mụn nước trong hoặc màu trắng hoặc màu đỏ trên mặt và cơ thể. Những mụn nước này xuất hiện trong khoảng vài ngày sau đó có thể bị vỡ ra, khô lại và đóng thành vảy trước khi lành. Tại những vị trí mụn nước mọc thường ngứa và có thể để lại sẹo nếu không được chăm sóc tốt. 

Biến chứng

  • Nhiễm trùng da làm các vết mụn bị ửng đỏ, sưng phồng, có mủ hoặc máu.
  • Mất nước do nôn mửa hay không muốn uống nước. Tiểu ít, cảm giác buồn ngủ, môi miệng khô và rất khát nước.
  • Tổn thương về não do bị viêm não, triệu chứng biểu hiện là đau đầu, cứng cổ và lưng, hay nhầm lẫn, cảm giác khó chịu hay buồn ngủ.
  • Viêm phổi đặc trưng bởi các triệu chứng ho, thở khò khè, khó thở và đau tức ngực.
  • Viêm khớp với các dấu hiệu đau khớp, sưng và cứng khớp.

Điều trị

Ảnh minh họa.

Bệnh thường diến tiến nhẹ đối với trẻ em có sức khỏe tốt. Sử dụng thuốc kháng virus có thể làm giảm các triệu chứng đau ngứa, đặc biệt là trong vòng 24 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Thuốc này có tác dụng làm giảm mức độ và thời gian nhiễm bệnh và tất nhiên làm giảm cả các biến chứng. Trẻ em không cần thiết phải sử dụng thuốc kháng virus. Người lớn nếu sử dụng thuốc ở giai đoạn sớm thì có thể mang lại hiệu quả tốt, đặc biệt là những đối tượng bị suy giảm miễn dịch.

Trẻ em bị mắc bệnh thủy đậu không được cho uống aspirin bởi có thể gây nên hội chứng Reye.

Mời đón đọc tiếp phần 2 tại website của Viện Y học ứng dụng Việt Nam: vienyhocungdung.vn

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những điều cần biết về vaccine thủy đậu cho trẻ em

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm