Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thể thao và ảnh hưởng tích cực đến tâm lý và năng lực xã hội của trẻ

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thể thao có thể ảnh hưởng rất tích cực đến tâm lý và năng lực xã hội của trẻ. Hơn thế nữa, thể thao giúp trẻ xây dựng và phát triển những kỹ năng có giá trị trong cuộc sống khi trẻ trưởng thành.

Thể thao và ảnh hưởng tích cực đến tâm lý và năng lực xã hội của trẻ

Chúng ta đều biết đến tầm quan trọng của thể thao và hoạt động thể chất đối với trẻ em. Không thể phủ nhận lợi ích của tập luyện thể thao với sức khỏe của trẻ em nói chung và sự phát triển thể chất nói riêng. Một đứa trẻ năng động cũng có nhiều khả năng trở thành một người trưởng thành năng động. Nhưng thể thao còn mang đến nhiều ý nghĩa khác ngoài việc tăng cường sức khỏe thể chất của trẻ.

Dưới đây là những lợi ích tâm lý và xã hội hàng đầu mà thể thao mang đến cho trẻ.

1. Tình bạn

Tham gia một đội thể thao mang đến cho trẻ cảm giác thuộc về một tập thể và cơ hội xây dựng tình bạn với những người bạn mới. Nhiều khi những người bạn trong đội thể thao lại trở thành những người bạn thân thiết suốt cuộc đời của trẻ.

Tham gia một môn thể thao cũng mang lại cho các em một vòng tròn xã hội lớn hơn ngoài trường học. Với tỉ lệ khoảng 1/4 - tức là cứ 4 học sinh thì có 1 em đối mặt với nạn bắt nạt học đường, tham gia một đội thể thao lại càng trở thành một nguồn hỗ trợ xã hội cần thiết, giúp trẻ vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống.

2. Tôn trọng quy định, luật lệ

Con của bạn có cần bổ sung thêm tính kỷ luật không? Nếu có, hãy đăng ký cho con chơi một môn thể thao. Mỗi môn thể thao thường có các luật chơi khác nhau, người chơi phải chấp hành luật chơi và sẽ bị trừng phạt khi vi phạm. Trẻ em sẽ dần học được cách tôn trọng luật lệ của môn thể thao chúng tham gia, và đây chính là nền tảng cần thiết để trẻ học, tuân thủ và tôn trọng các quy định, luật lệ trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, sự tương tác thường xuyên với huấn luyện viên, trọng tài và những người cùng chơi sẽ giúp trẻ xây dựng sự tôn trọng với những người lớn tuổi hơn, những người có nhiều kinh nghiệm hơn, những người có khẳ năng tốt hơn. Đồng thời, trẻ sẽ học và rèn luyện được khả năng lắng nghe bạn bè và các thành viên khác trong đội thi đấu.

3. Kiểm soát cảm xúc

Để trẻ lớn lên tốt hơn, chúng ta thường mong muốn trẻ có thể học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực. Trong thể thao, cảm xúc có thể thay đổi đa dạng, từ vô cùng hào hứng, hạnh phúc, bùng nổ của thành công cho đến tận cùng thất bại.

Mỗi huấn luyện viên giỏi luôn hiểu rằng những căng thẳng, cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng khả năng thi đấu như thế nào. Trải nghiệm những cảm xúc khi chơi thể thao và cách kiểm soát những cảm xúc này, trẻ sẽ học được cách xử lí những cảm xúc khác của mình và sẽ có thêm rất nhiều sự tự tin, kinh nghiệm để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống sau này.

4. Xây dựng lòng tự trọng

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chơi thể thao và tham gia các hoạt động thể chất có thể giúp xây dựng và phát triển lòng tự trọng ở trẻ. Một động tác vỗ nhẹ vào lưng, đập tay với một người đồng đội hay một cái bắt tay với đối thủ vào cuối trận đấu - những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại góp phần xây dựng nhân cách và lòng tự trọng của trẻ.

Tuy nhiên, điều khó khăn là làm sao để lòng tự trọng của trẻ không phát triển dựa trên sự thắng – thua trong thể thao. Thay vào đó, nỗ lực vươn lên, niềm yêu thích với môn thể thao, sự cố gắng vượt qua cảm giác thắng - thua đơn thuần, mới thực sự giúp trẻ xây dựng nhân cách, lòng tự trọng của mình. Sự hỗ trợ của huấn luyện viên, đồng đội cộng với sự khích lệ của cha mẹ, tất cả đều ảnh hưởng tích cực đến quá trình xây dựng lòng tự trọng của trẻ.

Vì vậy, trong lần tiếp theo khi con trở về sau một trận đấu, thay vì hỏi con “Hôm nay con thắng hay thua?” hãy hỏi con "Con thích trận đấu hôm nay chứ?"

5. Kiên nhẫn

Trừ khi con bạn có một tài năng bẩm sinh, nếu không trẻ sẽ phải chăm chỉ luyện tập để cải thiện khả năng của bản thân. Trẻ sẽ học được rằng mọi thứ sẽ không trở nên tốt hơn trong sớm tối mà cần cả thời gian dài nỗ lực và kiên nhẫn.

Hãy nhớ, chúng ta không bao giờ nên áp đặt rằng, trẻ phải trở nên hoàn hảo ở bất kì môn thể thao nào chúng tham gia. Nhưng đừng nên bỏ lỡ cơ hội cho con biết rằng: "Nếu con muốn làm tốt hơn bất cứ công việc gì, con cần chăm chỉ làm việc và kiên nhẫn chờ đợi kết quả". Đó chắc chắn là một bài học giá trị mà trẻ có thể áp dụng trong cuộc sống khi trưởng thành.

6. Thành tích học tập

Tương tự như sự kiên nhẫn, thì tinh thần kỷ luật và nỗ lực dành cho một môn thể thao cũng sẽ là những bài học, trải nghiệm hữu ích mà trẻ có thể áp dụng cho các vấn đề khác trong cuộc sống, bao gồm cả học tập.

Không phải ngẫu nhiên việc chơi thể thao có liên quan đến thành tích học tập cao hơn ở trường học.

7. Làm việc nhóm

"Không có cá nhân nào lớn trong một tập thể." – “There’s no I in team”

"Tinh thần đồng đội tạo nên những thành tựu lớn lao." - “Teamwork makes the dream work.”

Đây có lẽ là điều mà bất cứ huấn luyện viên thể thao nào cũng muốn truyền đạt đến học trò của họ. Một tập thể không thể thành công lớn khi mà họ không làm việc cùng nhau cho dù mỗi cá nhân đều xuất sắc. Sự kết nối giữa các thành viên chính là chìa khóa, và học hỏi để trở thành thành viên của một tập thể cũng đồng nghĩa với việc học cách trân trọng hiệu quả làm việc của một tập thể thay vì một cá nhân.

Trở thành một thành viên hữu ích của 1 nhóm, đó là điều con bạn sẽ mang theo suốt cuộc đời sau này, nếu trẻ đã thực hành tốt điều đó trong các môn thể thao.

8. Giảm bớt ích kỷ

Điều này có liên hệ gần gũi với tinh thần làm việc nhóm, tính đồng đội trong các môn thể thao. Các môn thể thao, đặc biệt là các môn thể thao tập thể, là một nền tảng tuyệt vời để dạy trẻ nhỏ ít ích kỷ hơn.

Trong thể thao, trẻ em cần phải học cách suy nghĩ điều gì là tốt nhất cho cả đội chứ không phải tốt nhất cho bản thân. Bản ngã – cái tôi (Ego) quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần đồng đội và hiệu quả làm việc của cả tập thể. Bạn nhìn thấy điều này khá thường xuyên trong bóng đá. Một cầu thủ có cơ hội chuyền cho đồng đội đang trong tư thế thuận lợi ghi bàn, nhưng thay vì chuyền anh ta lại chọn giải pháp sút để tự mình ghi bàn thắng. Kết quả, anh ta sút ra ngoài và bỏ lỡ cơ hội dành chiến thắng cho đội bóng. 

Dạy cho trẻ em hiểu rằng chúng có thể đạt được thành tích cao hơn bằng cách ít ích kỷ hơn, đặt tiêu chí đồng đội lên cao nhất, là một trong những điều tuyệt vời nhất mà một môn thể thao tập thể mang lại.

9. Sức mạnh tinh thần

Kết quả cao – kết quả không mong muốn. Chiến thắng – thất bại. Đây chính là những cảm xúc thường gặp khi chơi thể thao.

Thể thao chính là sự kết hợp của những cung bậc cảm xúc khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy: những thanh thiếu niên tham gia tích cực vào thể thao sẽ có tính "kiên cường về tâm lý" hay sức mạnh tinh thần lớn hơn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi mà thể thao dạy trẻ em cách đứng dậy sau mỗi lần thất bại và sẵn sàng trở lại ngay ở trận đấu kế tiếp. Thể thao giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm và trở lại mạnh mẽ hơn.

Lưu ý thêm cho bạn....

Đến đây, bạn đã có thể nhận thấy rõ ràng là, những ảnh hưởng tích cực về tâm lý và kỹ năng xã hội của chơi thể thao có thể giúp trẻ trở thành một con người hoàn thiện và trưởng thành. Cho dù đó là một môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng rổ hay là một môn thể thao cá nhân như tennis,  một môn thể thao trí tuệ như cờ vua, những gì trẻ thu được còn vượt lên trên những lợi ích sức khỏe thể chất. Những bài học và kỹ năng mà trẻ nhận được lúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai khi trở thành người trưởng thành.

Nhưng cũng đừng vội lo lắng, thất vọng nếu con của bạn không chơi thể thao hoặc không có hứng thú với một môn thể thao cụ thể nào đó. Có rất nhiều hoạt động khác giúp trẻ em có thể phát triển các kỹ năng cần thiết, chẳng hạn như các hoạt động xã hội, các hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các câu lạc bộ, nhóm vận động khác nhau. Bản thân các bậc cha mẹ hãy là người tích cực hoạt động và lôi kéo trẻ từng bước tham gia. Những lợi ích sẽ đến cho cả bạn và con bạn đấy nhé.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hoạt động thể chất giúp trẻ tăng trưởng và phát triển chiều cao mỗi ngày

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt và Bs. Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

Xem thêm