Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Núm vú giả: có nên sử dụng cho trẻ?

Khi bắt đầu làm cha mẹ, mọi quyết định có vẻ khá khó khăn. Ngay cả việc có nên cho trẻ sử dụng núm vú giả hay không cũng làm bạn bối rối.

Lợi ích thật sự của núm vú giả
Theo các chuyên gia nhi khoa, sử dụng núm vú giả là điều không cần thiết cho hầu hết các em bé. Các bậc cha mẹ, nhất là những bạn mới lần đầu đảm nhiệm vai trò này, hãy cân nhắc xem có nên dùng núm vú giả cho bé nhà bạn hay không.
Tuy nhiên, núm vú giả cũng có những lợi ích nhất định như: xoa dịu rất hiệu quả khi trẻ đang quấy khóc và giúp bé ngủ ngon hơn. Núm vú giả cũng được cho là làm giảm nguy cơ gây hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ em (SIDS), theo một nghiên cứu mới trên tạp chí “Maternal and Child Health”. Những trẻ ngậm núm vú giả thường ngủ không say như những trẻ khác, và điều này giúp bố mẹ dễ đánh thức trẻ ra khỏi giấc ngủ quá sâu có thể gây ngừng thở ở trẻ.
Hơn nữa, khi ngậm núm vú giả, rất nhiều trẻ có cảm giác vô cùng thích thú, có nghĩa là nó đã làm cho trẻ cảm thấy vui vẻ và thư giãn hơn.
Ảnh minh họa.
Làm thế nào để lựa chọn núm vú giả tốt nhất cho bé?
Khi bạn đã quyết định cho bé nhà mình dùng núm vú giả, trước khi dạo quanh các cửa hàng để chọn cho trẻ một số núm vú giả, hãy tham khảo những lưu ý dưới đây:
Nếu bạn đang cho con bú, không nên vội mua núm vú giả
Theo bác sỹ Rosado, cho trẻ sử dụng núm vú giả quá sớm có thể gây ảnh hưởng đến việc trẻ ngậm và bú sữa đúng cách. Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đợi cho trẻ tập quen với việc bú sữa mẹ rồi mới cho trẻ dùng vú giả, thường là sau 3 đến 4 tuần đầu đời của bé.
Cân nhắc trong việc lựa chọn chất liệu
Một số trẻ tỏ ra khá khó tính trong việc sử dụng loại núm vú giả. Núm vú giả được làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như silicon, cao su hay hỗn hợp giữa nhựa và silicon. Núm vú bằng silicon khá bền, không để lại mùi và dễ làm sạch, trong khi núm vú bằng cao su mềm hơn nhưng kém bền khi phải cọ rửa thường xuyên.
Trước khi quan tâm trẻ có thích loại núm vú đó hay không, hãy kiểm tra kỹ nhãn hiệu và độ bền để đảm bảo núm vú có thể sử dụng an toàn trong máy rửa chén bát hay các cách rửa thông thường. Theo bác sỹ Rosado, hãy kéo thử để kiểm tra độ chắc chắn của núm vú. Tránh sử dụng những núm vú chứa gel hay dịch lỏng bởi có thể gây ngộ độc cho trẻ.
Không ép trẻ dùng núm vú giả
Nếu con bạn không hào hứng với việc sử dụng núm vú giả thì điều đó hoàn toàn bình thường. Chỉ đơn giản là trẻ không thích nên đừng cố gắng ép trẻ. Hãy để trẻ thoải mái trong việc sử dụng núm vú giả khi nào mà trẻ thích mà thôi.
 
Khi nào nên dừng việc sử dụng núm vú giả?
 
Khi trẻ bước vào thời kỳ cai sữa, hãy ngừng sử dụng núm vú giả càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi cai sữa khoảng 6 - 12 tháng, theo khuyến cáo của các chuyên gia nhi khoa, bởi lúc đó trẻ vẫn chưa bị quen sử dụng. Nhưng nếu con bạn đã quen với núm vú giả, hãy cho trẻ cai từ từ bằng cách rút ngắn dần thời gian sử dụng trong ngày, tìm các cách khác để dỗ dành trẻ như cho trẻ chơi với các đồ chơi khác.
 
Bố mẹ nên cho trẻ ngừng ngậm núm vú giả khi trẻ 2 tuổi. Kéo dài thời gian ngậm núm vú giả hay ngậm ngón tay cái sẽ gây ra các vấn đề phát triển của răng miệng như răng không thẳng hàng hoặc thay đổi hình dạng của vòm miệng. Bên cạnh đó, nếu trẻ ngậm núm vú giả trong thời gian dài sẽ dẫn đến sự mở bất thường của ống vòi nhĩ, điều này dẫn đến các dịch ở họng theo đường này rò rỉ vào tai giữa, kéo theo vi khuẩn gây viêm tai giữa ở trẻ. Khi trẻ bị viêm tai giữa kéo dài thì sẽ phải cần kháng sinh để điều trị hoặc thậm chí là phẫu thuật.

Một số lời khuyên hữu ích khi cho trẻ ngậm núm vú giả

Chỉ nên cho bé ngậm núm vú giả khi bé đi ngủ để giúp bé có giấc ngủ tốt hơn. Khi bé thức, hãy cho bé tập trung vào những chú ý khác  

Hãy lựa chọn núm vú an toàn ở phần lá chắn, núm vú giả có thể làm rách niêm mạc miệng nếu phần lá chắn của núm vú vào bên trong môi. Nên chọn loại núm vú có lỗ thông ở phần lá chắn, nơi không khí có thể lưu thông. Điều này sẽ phát huy tác dụng nếu núm vú chẳng may bị mắc kẹt trong họng của trẻ.

Để đề phòng ngạt cổ, không nên cố định núm vú bằng dây quanh cổ bé, thay vì đó hay tìm loại núm có vòng tròn hình nhẫn ở bên ngoài để giữ hiệu quả hơn. Loại núm vú bất đối xứng sẽ giúp bé giữ chặt nó khi ngậm mà không bị dễ rơi.

Bỏ núm vú đi nếu không dùng nữa, vì nó không còn đủ vệ sinh để giữ lại hay cho người khác.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chăm sóc răng miệng cho bé: không bao giờ là quá sớm để bắt đầu

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm