Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những bất lợi khi nuôi trẻ bằng sản phẩm thay thế sữa mẹ, cho trẻ bú bình

Thức ăn thay thế sữa mẹ mặc dù đã được điều chỉnh, chế biến song không thể hoàn hảo như sữa mẹ. Nuôi trẻ bằng sản phẩm thay thế sữa mẹ, cho trẻ bú bình và vú ngậm nhân tạo sẽ có nhiều bất lợi.

Những bất lợi khi nuôi trẻ bằng sản phẩm thay thế sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên mà không một loại dinh dưỡng nào có được. Vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Những bất lợi khi nuôi trẻ bằng sản phẩm thay thế sữa mẹ, cho trẻ bú bình - Ảnh 2.

Trẻ được bú mẹ trực tiếp luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để phát triển toàn diện.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây suy dinh dưỡng trẻ em không phải do thiếu thức ăn mà do thiếu kiến thức về thực hành cho trẻ bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý.

Kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ của người dân bị ảnh hưởng bởi niềm tin, thói quen của cộng đồng và lời khuyên của cán bộ y tế; một số thông tin quảng cáo của các công ty sản xuất thức ăn nhân tạo cho trẻ nhỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thực hành dinh dưỡng của người dân và cán bộ y tế.

Theo Tài liệu nuôi dưỡng trẻ nhỏ do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế ban hành, việc nuôi con bằng các sản phẩm thay thế sữa mẹ có nhiều bất lợi.

Hạn chế gắn bó mẹ và con, giảm mối quan hệ gần gũi yêu thương giữa mẹ và con; Trẻ dễ bị tiêu chảy và tiêu chảy kéo dài, do đặc điểm protein trong sữa động vật không phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ; Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn hô hấp, vì thức ăn nhân tạo không có yếu tố kháng khuẩn; Trẻ dễ bị dị ứng như chàm, hen suyễn và không dung nạp sữa;

Trẻ dễ bi suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu vitamin đặc biệt là vitamin A, do trẻ ăn quá ít hoặc sữa quá loãng; Trẻ ăn quá nhiều sữa nhân tạo sẽ gây thừa cân, béo phì; Trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành (tiểu đường, tim mạch...); Chỉ số thông minh của trẻ thường thấp hơn so với trẻ nuôi bằng sữa mẹ;

Bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ dễ có thai sớm; dễ có nguy cơ bị thiếu máu sau sinh và tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng sau này.

Những bất lợi khi cho trẻ bú bình và vú ngậm nhân tạo

Bình bú và vú ngậm nhân tạo dễ bị nhiễm khuẩn vì khó vệ sinh làm cho trẻ có nhiều nguy cơ mắc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Trẻ quen với núm vú cao su và vú ngậm nhân tạo nên sẽ từ chối vú mẹ khi cho trẻ bú mẹ. Vì vậy trẻ sẽ bú ít đi, làm giảm khả năng tạo sữa, dẫn đến bà mẹ sẽ không đủ sữa nuôi trẻ.

Việc cho bé bú bình có thể tốn kém. Nếu mẹ chọn cho con mình bú bình và sữa công thức, mẹ sẽ cần mua bình bú, bàn chải làm sạch và cả máy tiệt trùng.

Mẹ cũng sẽ phải đầu tư vào một máy hút sữa chất lượng tốt hoặc sữa bột công thức. Tất cả điều này có thể là một khoản chi phí bổ sung vào ngân sách hàng tháng.

Khi cho con bú bình, mẹ sẽ phải mang theo bình sữa sạch, sữa công thức, núm vú cho trẻ sơ sinh và các vật dụng cần thiết khác khi đi du lịch hoặc di chuyển.

Việc quản lý mọi thứ cũng như em bé cùng một lúc có thể rất phiền phức. Việc bú bình cũng không thuận tiện nếu bé đòi bú lúc nửa đêm vì mẹ phải dậy và chuẩn bị sữa mỗi lần.

Một số nguy cơ khi trẻ bú bình như dễ bị sặc do bé không thể kiểm soát dòng chảy của sữa và bình sữa sẽ tiếp tục chảy ngay cả khi bé chưa sẵn sàng nuốt.

Trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ bị sặc hơn khi được cho bú nằm ngửa (thay vì thẳng đứng). Việc ngậm bình sữa có thể dẫn đến sâu răng vì sữa có thể ở trong miệng trẻ và kết hợp với nước bọt trong miệng trẻ để tạo ra axit làm hỏng răng của trẻ.

Nếu trẻ không thể đẩy bình sữa ra khỏi miệng thì trẻ phải bú hết sữa ngay cả khi trẻ không muốn. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ béo phì và có thể khiến trẻ bị nôn và/hoặc bị sặc khi nôn.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đưa ra các khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ gồm: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh; Không cho trẻ uống các loại nước uống trước bữa bú đầu tiên như cam thảo, mật ong, nước đường hoặc sữa công thức để tránh ảnh hưởng đến việc tạo sữa sau này của bà mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước trắng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc.

Sữa mẹ chứa 88% nước nên bà mẹ không cần cho trẻ uống thêm nước khi trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Bà mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên hơn nếu trẻ có dấu hiệu khát. Cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Từ 6 tháng đến 24 tháng, sữa mẹ vẫn là nguồn quan trọng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên theo sự phát triển của trẻ, vì vậy cần cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn cùng với chế độ ăn bổ sung hợp lý.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những cách giúp tăng tiết sữa mẹ.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm