Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Một số tiến bộ trong điều trị bệnh lý tim mạch

Bệnh tim mạch đang trở thành nhóm bệnh lý thường gặp nhất trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nặng nề, không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn là gánh nặng cho xã hội và gia đình.

Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng để chẩn đoán & điều trị các bệnh lý tim mạch, mang lại cho bệnh nhân cuộc sống với chất lượng cao hơn và tuổi thọ dài hơn, góp phần làm thay đổi quan điểm và tiên lượng trong điều trị bệnh tim mạch. Trong số đó phải kể đến vai trò nổi bật của ngành Tim mạch học can thiệp, đã giải quyết được khá nhiều bệnh lý tim mạch mà trước đây hoặc phải mổ hoặc đành bó tay.

1. Tiến bộ trong điều trị bệnh động mạch vành (ĐMV):

Can thiệp ĐMV qua da (nong và/hoặc đặt stent) hiện đã không còn là vấn đề mới nữa vì đã được thực hiện một cách thường quy và góp phần cải thiện đáng kể tiên lượng cho những bệnh nhân bị bệnh mạch vành. Kể từ khi Gruntzig (1978) lần đầu tiên nong ĐMV qua đường ống thông luồn từ động mạch đùi, cho đến nay, phương pháp này đã trở thành một trong những phương pháp hàng đầu trong điều trị bệnh ĐMV. Hiện nay đã có nhiều tiến bộ, cải tiến đáng kể về kỹ thuật can thiệp với những thiết bị ngày một hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn, ví dụ, hút huyết khối, khoan phá mảng xơ vữa (rotablator),... giúp giải quyết những trường hợp tổn thương ĐMV khó, phức tạp.

Đặc biệt, trong 1 số trường hợp còn chưa thể đánh giá được thật chính xác mức độ hẹp của ĐMV thì kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và đo lưu lượng dự trữ vành (FFR) đã thật sự giúp ích cho các thầy thuốc để xác định được đúng mức độ hẹp của ĐMV.

Lĩnh vực mổ làm cầu nối ĐMV (phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành) cũng có rất nhiều tiến bộ. Việc phát minh cách mổ với tim vẫn đập làm giảm thời gian hậu phẫu, tránh biến chứng liên quan việc chạy máy tim phổi nhân tạo và kẹp động mạch chủ. Bên cạnh đó, mổ với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (mini invasive) và mổ bằng robot là những hướng mới có nhiều hứa hẹn trong phẫu thuật ĐMV.

mot-so-tien-bo-trong-dieu-tri-benh-ly-tim-mach-1

2. Tiến bộ trong điều trị các bệnh van tim:

Những tiến bộ nổi bật nhất phải kể đến trong bệnh lý van tim là những kỹ thuật can thiệp qua da. Nong van hai lá bằng bóng Inoue qua da đã trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân bị hẹp van hai lá (HHL). Bằng quả bóng đặc biệt luồn từ tĩnh mạch đùi phải lên nhĩ phải xuyên qua vách liên nhĩ để sang nhĩ trái và đưa tới vị trí của van hai lá đã giúp nong tách rộng hai mép van bị hẹp ở bệnh nhân HHL khít do thấp. Tại Việt nam, kỹ thuật này đã được áp dụng khá rộng rãi cho hàng nghìn bệnh nhân với kết quả thu được rất tốt.

Những kỹ thuật can thiệp mới điều trị bệnh lý van tim như thay van động mạch chủ qua da (TAVR), sửa van 2 lá qua đường ống thông đã và đang mở ra những hướng điều trị mới rất khả quan cho những bệnh nhân bị bệnh van tim mà không cần phải mổ.

3. Tiến bộ trong điều trị một số bệnh tim bẩm sinh & bệnh tim cấu trúc:

Bệnh tim bẩm sinh vẫn rất thường gặp trong đời sống xã hội, tỷ lệ mắc trung bình bệnh tim bẩm sinh (theo thống kê ở nước ngoài) khoảng 0,4% số trẻ sinh ra. Bệnh thường để lại gánh nặng cả về thể chất, tinh thần cho không những bệnh nhân, gia đình và cả xã hội. Tuy vậy, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, rất nhiều bệnh tim bẩm sinh đã được phát hiện kịp thời và điều trị hiệu quả, trong nhiều trường hợp có thể khỏi hoàn toàn.

Phương pháp đóng thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch,... bằng dụng cụ qua đường ống thông đã giúp cho bệnh nhân tránh được cuộc mổ tim hở, thủ thuật tiến hành nhanh chóng, không để lại vết sẹo nào trên ngực của người bệnh.

Một số bệnh lý tim bẩm sinh khác cũng có thể được điều trị qua đường ống thông khá hiệu quả như: nong van động mạch phổi bị hẹp qua da, nong van động mạch chủ bị hẹp qua da, nong hẹp eo động mạch chủ, đóng một số lỗ dò bất thường của động mạch vành hoặc các động mạch khác...

Đối với bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, trước đây thường phải mổ cắt bỏ bớt phần vách liên thất bị phì đại với nhiều biến chứng phức tạp. Nay có thể làm mỏng vách liên thất bằng cách tiêm cồn vào nhánh động mạch vành nuôi vách liên thất một cách chọn lọc qua đường ống thông. Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với mổ và cho kết quả rất khả quan.

4. Tiến bộ trong điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp tim:

Phương pháp thăm dò điện sinh lý trong buồng tim qua đường ống thông đã cho phép xác định bản chất của các bệnh lý rối loạn nhịp tim cũng như có thể định vị được những đường dẫn truyền bất thường và những ổ ngoại vị, từ đó có thể điều trị triệt đốt bằng sóng có tần số radio (catheter ablation). Phương pháp này hiện nay đang được áp dụng khá rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý rối loạn nhịp tim như cơn tim nhanh trên thất, ngoại tâm thu thất,...

Phương pháp dựng hình điện học buồng tim ba chiều đã được triển khai giúp hướng dẫn tốt cho việc điều trị nhiều loại rối loạn nhịp tim phức tạp như: rung nhĩ, nhịp nhanh thất,...

Cấy máy phá rung tự động trong buồng tim (ICD) là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa được đột tử ở những đối tượng có nguy cơ rung thất hoặc nhịp nhanh thất ác tính.

Cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ để điều trị suy tim với điện cực tạo nhịp tại các buồng tim đã góp phần kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tim nặng cũng đã được thực hiện khá thường quy ở Việt Nam.

5. Dùng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh tim mạch:

Kỹ thuật mới này đã được tiến hành thử nghiệm và thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ trên những bệnh nhân bị suy tim sau nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim giãn, hẹp tắc động mạch chi dưới,...

Tóm lại, có thể nói rất nhiều các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch đã được triển khai rất hiệu quả tại nhiều trung tâm Tim mạch của nước ta.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Rượu bia có tác hại đối với tim mạch như thế nào?

GS.TS. Nguyễn Lân Việt (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia) - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm