Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dự phòng dị tật bẩm sinh trước và trong khi mang thai

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 33 trẻ em sinh ra thì sẽ có 1 trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Đa số các dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mặc dù có một số ít những dị tật khác có thể sẽ xuất hiện muộn hơn.

Cho đến nay nguyên nhân chính xác của các dị tật bẩm sinh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố đã được chứng minh là có liên quan đến nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh. Tất cả các bà mẹ đều muốn cho con mình sự khởi đầu tốt nhất, và dưới đây là một số cách giúp các mẹ thực hiện được điều này.

Sử dụng vitamin tổng hợp có chứa acid folic

Các chuyên gia dinh dưỡng và sản khoa khuyến cáo rằng, nếu đang cố gắng thụ thai, thì bạn nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày, trong đó có chứa ít nhất là 400 microgam acid folic. Acid folic là một loại vitamin nhóm B quan trọng đã được chứng minh là có thể làm giảm dị tật bẩm sinh, chủ yếu là các dị tật về nứt đốt sống và thiếu não.

Bổ sung đủ lượng acid folic trong cơ thể trước khi thụ thai sẽ giúp bạn thu được đầy đủ nhất các lợi ích của loại vitamin này. Bổ sung acid folic càng sớm càng tốt sau khi biết mình mang thai cũng là điều vô cùng quan trọng. Đó là lý do vì sao mà tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dự định mang thai nên bổ sung acid folic.

Chế độ dinh dưỡng cân đối và lành mạnh

Dinh dưỡng đầy đủ là cách tốt nhất để đảm bảo rằng con bạn sinh ra sẽ khỏe mạnh nhất. Hãy bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là giàu acid folic đi kèm với vitamin C. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn bổ sung đủ lượng vitamin mà cơ thể cần thông qua việc ăn uống, chứ không phải là uống vitamin. Do vậy, bạn cần ăn nhiều trái cây và rau củ cũng như ăn nhiều thịt nạc, các loại cá trong suốt thai kỳ.

Tất nhiên, thai kỳ không phải là lúc để bạn thử nghiệm các chế độ ăn mới, trừ khi đó là khuyến nghị của bác sỹ. Tóm lại, bạn cần ăn uống tự nhiên, giàu dinh dưỡng, tránh nạp vào cơ thể lượng calo rỗng và bạn sẽ giúp con mình có được sự khởi đầu tốt và khỏe mạnh nhất ngay từ khi còn là bào thai.

Ngừng hút thuốc lá, uống rượu và các chất gây nghiện khi mang thai

Rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện có thể gây ra tình trạng sinh non, cân nặng sơ sinh thấp, thai chết lưu và xảy thai. Các chuyên gia khuyến cáo mạnh mẽ rằng, bạn nên cai thuốc lá từ trước khi có ý định mang thai, và cai thuốc lá càng sớm càng tốt ngay sau khi biết mình có thai vẫn có thể bảo vệ được em bé.

Và kể cả việc thỉnh thoảng uống vài ly bạn cũng nên tránh. Trong suốt quá trình mang thai, tốt nhất, bạn không nên uống một giọt rượu cả. Không có giới hạn nào là an toàn về việc uống rượu trong khi mang thai, cũng không có loại rượu nào an toàn đối với em bé cả. Tất cả các loại rượu, cho dù chỉ uống với lượng rất nhỏ, cũng có thể đem lại những nguy cơ về sức khỏe nhất định cho em bé, ví dụ như sảy thai hoặc các khiếm khuyết bất thường.

Tránh sử dụng các loại thuốc khi không cần thiết

Một số loại thuốc là cần thiết và bắt buộc phải sử dụng trong quá trình mang thai, ví dụ như những loại thuốc dùng để kiểm soát các bệnh mãn tính như bệnh cường giáp. Các loại thuốc còn lại là những thuốc khuyến cáo không nên sử dụng trong quá trình mang thai vì chúng có thể đi qua rau thai và có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Hầu như chưa có đủ dữ liệu về các loại thuốc được phép sử dụng trong thai kỳ vì chỉ có rất ít nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng là phụ nữ mang thai.

Một số loại thuốc chắc chắn sẽ gây ra dị tật bẩm sinh bao gồm thalidomide (Thalomid) và isotretinoin (Accutane) và tuyệt đối không nên sử dụng khi đang mang thai.

Các loại thảo mộc tự nhiên cần được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng và nếu được thì cũng nên tránh sử dụng bởi một số loại thảo mộc có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên thai nhi hoặc gây hại cho quá trình mang thai.

Do vậy, quy tắc chung là chỉ sử dụng các loại thuốc nếu thấy thật sự cần thiết, và nên trao đổi với bác sỹ trước khi sử dụng các loại thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng trong thai kỳ.

Cân nhắc đến tiền sử gia đình

Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 7.000 trường hợp dị tật bẩm sinh có nguyên nhân là do di truyền. Một gia đình có tiền sử dị tật bẩm sinh nên cân nhắc xem liệu yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ dị tật bẩm sinh của em bé hay không. Một chuyên gia về di truyền học có thể tư vấn và giúp các cặp đôi đánh giá được nguy cơ của em bé sau này. Các rối loạn về tim mạch, bệnh hồng cầu hình liềm và hội chứng Down là một số dị tật bẩm sinh phổ biến thường có nguyên nhân là do di truyền.

Duy trì cân nặng hợp lý

Bình thường, việc duy trì cân nặng hợp lý vốn đã rất quan trọng thì trong thai kỳ, việc này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phụ nữ thừa cân, béo phì trước và trong suốt quá trình mang thai sẽ dễ sinh ra con mắc dị tật bẩm sinh hơn, bao gồm cả các dị tật bẩm sinh về não và cột sống.

Mặc dù sự khác nhau về nguy cơ giữa phụ nữ có cân nặng bình thường và phụ nữ béo phì là rất nhỏ (3/100 trường hợp sẽ bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bình thường so với 4/100 trường hợp ở phụ nữ béo phì), nhưng nguy cơ sinh ra con bị nứt đốt sống sẽ cao gấp đôi ở phụ nữ béo phì. Tật nứt đốt sống có thể dự phòng được bằng việc bổ sung 400 microgam acid folic/ngày từ trước và trong suốt quá trình mang thai. Phụ nữ muốn giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh của con có liên quan đến cân nặng nên trao đổi về sự thay đổi lối sống và chế độ ăn uống với bác sỹ trước khi thụ thai.

Cân nhắc đến yếu tố tuổi

Mặc dù tuổi đôi khi chỉ là con số, nhưng trong một số trường hợp, thì bạn nên chú ý đến tuổi khi mang thai. Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ sinh ra trẻ  mắc các dị tật bẩm sinh chủ yếu liên quan đến các đột biến di truyền, ví dụ như một đoạn gen bị tổn thương hoặc thừa ra, phổ biến nhất là hội chứng Down. Do vậy, phụ nữ mang thai ở độ tuổi này nên tiến hành thêm một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh như chọc dò dịch ối và sinh thiết nhau thai.

Tham khảo thêm thông tin chi tiết về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại đây

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt nam - Theo Reader's Digest
Bình luận
Tin mới
  • 03/04/2025

    Đẻ mắc vai hay dấu hiệu “con rùa” trong sản khoa

    Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!

  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

Xem thêm