Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Củng cố hệ miễn dịch của trẻ với vitamin D3

Vitamin D3 từ lâu đã được biết đến với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bộ xương chắc khỏe và phát triển chiều cao tối ưu. Không chỉ như vậy, những khám phá khoa học trong nhiều năm trở lại đây ngày càng làm sáng tỏ vai trò lớn hơn của Vitamin D3, đặc biệt là trong việc củng cố hệ thống miễn dịch.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Việc đảm bảo đủ lượng vitamin D3 có thể đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của trẻ chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

Vitamin D3 - Không chỉ là một loại vitamin

Mặc dù được gọi là vitamin, nhưng vitamin D3 hoạt động giống như một loại hormone trong cơ thể, tác động đến nhiều hệ thống cơ quan, bao gồm cả hệ thống miễn dịch.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng vitamin D3 có thể ảnh hưởng đến cả hai nhánh của hệ thống miễn dịch: miễn dịch tự nhiên, là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại các mầm bệnh xâm nhập, và miễn dịch đặc hiệu, là phản ứng miễn dịch phát triển theo thời gian, hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh khác nhau.

Vitamin D3 và hệ miễn dịch tự nhiên

Miễn dịch tự nhiên đóng vai trò như tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Vitamin D3 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên theo một số cách khác nhau. Đầu tiên, vitamin D3 kích thích sản xuất các peptide kháng khuẩn, là các protein nhỏ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus trực tiếp. Ngoài ra, vitamin D3 còn tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch như đại thực bào, giúp chúng nhận diện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn.

Vitamin D3 và hệ miễn dịch đặc hiệu

Hệ miễn dịch đặc hiệu chịu trách nhiệm cho các phản ứng miễn dịch nhắm vào một mục tiêu cụ thể - tác nhân gây bệnh, cho phép cơ thể ghi nhớ và phản ứng hiệu quả hơn với các tác nhân gây bệnh mà cơ thể đã gặp trước đó.

Vitamin D3 giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch đặc hiệu bằng cách cân bằng các phản ứng miễn dịch TH1 và TH2. Sự cân bằng này rất quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh dị ứng và tự miễn. Hơn nữa, vitamin D3 còn thúc đẩy sự phát triển của các tế bào T điều hòa, giúp kiểm soát phản ứng miễn dịch và ngăn ngừa các phản ứng quá mức có thể gây hại cho các mô của chính cơ thể.

Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch và những thông tin cần biết - Nhà thuốc  FPT Long Châu

Nguyên nhân thiếu Vitamin D3 ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị thiếu hụt vitamin D3, đặc biệt là những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Nguyên nhân là do nguồn vitamin D3 chính của trẻ trong những tháng đầu đời là từ mẹ, thông qua nhau thai trong thời kỳ mang thai và sau đó là qua sữa mẹ. Nếu người mẹ bị thiếu vitamin D3 trong thai kỳ, trẻ cũng có nguy cơ bị thiếu hụt D3, có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả hệ miễn dịch suy yếu.

Ảnh hưởng của thiếu hụt Vitamin D3 đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Thiếu hụt vitamin D3 có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng và gặp phải các vấn đề sức khỏe khác.

Vitamin D3 đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cả phản ứng miễn dịch tự nhiên lẫn đặc hiệu. Do đó, tình trạng thiếu hụt vitamin D3 trong thời kỳ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng và tình trạng dị ứng hơn.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng và dị ứng: Trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin D3 có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D3 kích thích sản xuất các peptide kháng khuẩn, chẳng hạn như cathelicidin và defensin, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp chống lại các tác nhân gây bệnh. Thiếu hụt vitamin D3 trong giai đoạn đầu đời cũng liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh dị ứng như bệnh chàm, hen suyễn và dị ứng thực phẩm.
  • Suy giảm phát triển hệ miễn dịch: Vitamin D3 rất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Vitamin này thúc đấy quá trình tăng sinh và hoạt động của tế bào T, điều hòa các con đường truyền tín hiệu miễn dịch và sản xuất các cytokine gây viêm. Thiếu hụt vitamin D3 có thể làm suy yếu các chức năng miễn dịch này, dẫn đến khả năng chống lại nhiễm trùng bị suy yếu và dễ mắc các bệnh tự miễn hơn.

Ngoài ra, vitamin D3 làm giảm biểu hiện của các thụ thể Receptor - TLR trong các tế bào miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các tác nhân gây bệnh và khởi phát phản ứng miễn dịch của cơ thể. Sự suy giảm khả năng điều hòa miễn dịch này do thiếu hụt vitamin D3 dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bổ sung Vitamin D3 cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để đảm bảo trẻ sơ sinh nhận đủ lượng vitamin D3, đặc biệt là trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ thường được khuyến nghị bổ sung đủ vitamin D3. Liều lượng khuyến nghị có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng và các yếu tố khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể theo tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ, không tự ý cho trẻ bổ sung vitamin D3.

Các cách bổ sung vitamin D3 thường sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin D3 dạng nhỏ giọt.
  • Uống sữa công thức bổ sung vitamin D3.
  • Tắm nắng/tiếp xúc với ánh nắng mặt trời an toàn, có thể lựa chọn buổi sáng sớm hoặc chiều muộn khi cường độ tia UV yếu hơn.

Bác sỹ dinh dưỡng khuyến cáo

Vitamin D3 đóng một vai trò quan trọng trong hình thành và điều chỉnh hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên của trẻ chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Đảm bảo đủ lượng vitamin D3 thông qua việc bổ sung hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách an toàn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, bao gồm giảm nguy cơ nhiễm trùng, bảo vệ chống lại bệnh dị ứng và hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh.

El-Fakhri N, McDevitt H, Shaikh MG, Halsey C, Ahmed SF. Vitamin D and its effects on glucose homeostasis, cardiovascular function and immune function. Horm Res Paediatr. 2014;81(6):363-378. doi:10.1159/000357731

Barragan M, Good M, Kolls JK. Regulation of Dendritic Cell Function by Vitamin D. Nutrients. 2015;7(9):8127-8151. Published 2015 Sep 21. doi:10.3390/nu7095383

Anderson CM, Gillespie SL, Thiele DK, Ralph JL, Ohm JE. Effects of Maternal Vitamin D Supplementation on the Maternal and Infant Epigenome. Breastfeed Med. 2018;13(5):371-380. doi:10.1089/bfm.2017.0231

Zacharioudaki M, Messaritakis I, Galanakis E. Vitamin D receptor, vitamin D binding protein and CYP27B1 single nucleotide polymorphisms and susceptibility to viral infections in infants. Sci Rep. 2021;11(1):13835. Published 2021 Jul 5. doi:10.1038/s41598-021-93243-3

Hornsby E, Pfeffer PE, Laranjo N, et al. Vitamin D supplementation during pregnancy: Effect on the neonatal immune system in a randomized controlled trial. J Allergy Clin Immunol. 2018;141(1):269-278.e1. doi:10.1016/j.jaci.2017.02.039

PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm