Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguy cơ quá liều vitamin D và hướng dẫn sử dụng an toàn

Việc lạm dụng hoặc sử dụng quá liều vitamin D có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho cơ thể. Cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu về nguyên nhân gây thừa vitamin D, các dấu hiệu dư thừa, tác hại tiềm ẩn và hướng dẫn sử dụng an toàn.

Một trong những cách tốt nhất để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D của cơ thể là dùng thực phẩm bổ sung theo khuyến nghị của bác sỹ vì rất ít thực phẩm tự nhiên có chứa vitamin D. Thực phẩm bổ sung vitamin D có hai dạng: vitamin D2 (ergocanxiferol) và vitamin D3 (cholecanxiferol). 

 
Nguyên nhân gây thừa vitamin D

Vitamin D thuộc loại hòa tan trong dầu, khi hấp thu vào cơ thể được dự trữ ở gan và các mô mỡ, khi thừa không được bài tiết ra nước tiểu giống như các vitamin hòa tan trong nước, do vậy sử dụng liều cao dễ bị ngộ độc.

Một số trường hợp đặc biệt cũng có thể làm tăng nguy cơ thừa vitamin D, như bệnh nhân mắc một số bệnh lý (như sarcoidosis, bệnh ung thư...), hoặc những người sử dụng một số loại thuốc đặc biệt. Trong những trường hợp này, cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi bổ sung vitamin D.

Đa số các thực phẩm sử dụng hàng ngày có lượng vitamin D thấp và không gây ra tình trạng dư thừa. Ví dụ, một khẩu phần cá hồi (85g) chỉ cung cấp khoảng 570 IU vitamin D, thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn tối đa hàng ngày.

Đọc thêm: Giải đáp những thắc mắc về vitamin K và sức khỏe trẻ nhỏ

Các dấu hiệu của tình trạng thừa vitamin D trong cơ thể

Về xét nghiệm: Dư thừa vitamin D, còn được gọi là ngộ độc vitamin D hay tăng vitamin D máu, thường xảy ra khi nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu vượt quá 150 ng/mL (375 nmol/L) kèm theo tăng canxi huyết, tăng canxi niệu nghiêm trọng và hoạt động của hormone tuyến cận giáp (PTH) rất thấp hoặc không phát hiện được. Tăng canxi niệu và tăng canxi huyết là những biểu hiện đầu tiên có thể đo lường được của ngộ độc vitamin D.

Vitamin D3 Vector Images (over 2,000)

Các dấu hiệu và triệu chứng của thừa vitamin D có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng kéo dài. Dưới đây là một số dấu hiệu chính của dư thừa vitamin D3:

  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: nôn trớ nhiều, hay khát nước và tiểu tiện nhiều hơn. Đồng thời, trẻ còn có thể xuất hiện cảm giác chán ăn, bỏ bú, mệt mỏi, hay đau bụng, táo bón.
  • Tăng canxi máu (Hypercalcemia): đây là dấu hiệu quan trọng nhất của dư thừa vitamin D3. Khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi do tác động của vitamin D3 dư thừa, nồng độ canxi trong máu tăng cao, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, chán ăn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, suy nhược...
  • Rối loạn thần kinh: tăng canxi máu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như đau đầu, lú lẫn, trầm cảm, khó tập trung.
  • Vấn đề về thận: dư thừa vitamin D3 có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và suy giảm chức năng thận do tăng canxi niệu (bài tiết canxi qua nước tiểu). Các dấu hiệu bao gồm: đau lưng hoặc hông, tiểu nhiều, cảm giác đau khi đi tiểu…
  • Vấn đề về xương: mặc dù vitamin D3 cần thiết cho sức khỏe xương, nhưng dư thừa có thể gây ra tình trạng mất xương (osteoporosis) do tăng hấp thu canxi từ xương vào máu…
  • Rối loạn tim mạch: Tăng canxi máu có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, gây ra các triệu chứng như đánh trống ngực, nhịp tim không đều và tăng huyết áp.
  • Vấn đề về da: Trong một số trường hợp, dư thừa vitamin D3 có thể gây ra các vấn đề về da như ngứa và phát ban.
  • Rối loạn tiêu hóa: Ngoài buồn nôn và nôn, dư thừa vitamin D3 có thể gây ra đau dạ dày, ợ nóng và khó tiêu.

Điều quan trọng cần lưu ý là các dấu hiệu và triệu chứng này có thể xuất hiện từ từ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, nếu nghi ngờ dư thừa vitamin D, cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ 25-hydroxyvitamin D và canxi. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Tác hại của dư thừa vitamin D

Vitamin D quan trọng đối với cơ thể nhưng sử dụng quá nhiều vitamin D sẽ gây ra nhiều tác hại. Khi sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, làm tăng canxi huyết và dẫn đến hàng loạt các triệu chứng đã đề cập ở trên... Nhiều trường hợp còn gây tổn thương thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, trẻ bị chậm lớn, dị tật bào thai, khó thở, co giật, giảm khả năng tình dục...

Đặc biệt thừa vitamin D có thể gây ra các biến chứng ở mắt với 2 triệu chứng thường gặp sau: tại kết mạc những nốt nhỏ, màu trắng, sắp xếp thành hàng ngang hay cong rồi đổ vào rìa của lòng đen, còn tại giác mạc có hiện tượng viêm giác mạc hình dải băng, gặp chủ yếu ở trẻ em. Khi phát hiện thấy dấu hiệu ngộ độc vitamin D, cần ngừng uống vitamin D và lập tức đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

Đọc thêm: Bổ sung vitamin K2 cho trẻ NÊN hay KHÔNG?

Hướng dẫn sử dụng vitamin D an toàn cho các đối tượng

Liều khuyến nghị vitamin D cung cấp lượng cần thiết hàng ngày để duy trì sức khoẻ xương và đảm bảo quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể bình thường. Liều khuyến nghị hàng ngày của vitamin D thay đổi theo độ tuổi:

  • Trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi: 400 IU (10 mcg)
  • Trẻ em và người lớn từ 1-70 tuổi: 600 IU (15 mcg)
  • Người lớn trên 70 tuổi: 800 IU (20 mcg)
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: 600 IU (15 mcg)

Cần lưu ý rằng một số người có thể cần vitamin D liều cao hơn theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những người có nguy cơ thiếu vitamin D như người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người cao tuổi hoặc người có các vấn đề về hấp thu dinh dưỡng.

Mức tối đa có thể dung nạp (UL) của vitamin D là 4.000 IU (100 mcg)/ngày đối với người từ 9 tuổi trở lên - đây là ngưỡng cao nhất được coi là an toàn khi sử dụng lâu dài. Việc tiêu thụ vượt quá ngưỡng này trong thời gian dài có thể dẫn đến dư thừa vitamin D. Do đó, việc tuân thủ ngưỡng UL là cần thiết để đảm bảo an toàn khi bổ sung vitamin D.

Lời khuyên của chuyên gia

Vitamin D rất quan trọng cho sức khỏe, tuy nhiên cần sử dụng đúng cách để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Trước khi bổ sung, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều lượng phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể của bạn và tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng được khuyến cáo.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, chán ăn, đau đầu hay yếu cơ, hãy ngừng sử dụng ngay, cần đưa con đi khám để được xét nghiệm cụ thể và tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng cơ thể trẻ không được khỏe. Bên cạnh việc bổ sung vitamin D từ thực phẩm chức năng, bạn nên ưu tiên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý và tăng cường vitamin D từ các thực phẩm tự nhiên như cá béo, trứng và nấm.

Tài liệu tham khảo

https://nutritionsource.hsph.harvard.edu/vitamin-d/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6158375/

https://nutritionsource.hsph.harvard.edu/vitamin-d/#:~:text=UL%3A%20The%20Tolerable%20Upper%20Intake,minimum%20requirement%20for%20the%20vitamin

 

PGs. Ts. Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM -
Bình luận
Tin mới
  • 06/07/2025

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mất nước

    Mất nước là tình trạng cơ thể không có đủ chất lỏng để hoạt động bình thường. Vào mùa hè, nguy cơ mất nước thường phổ biến hơn.

  • 06/07/2025

    Giải pháp làm mát phòng hiệu quả trong mùa hè

    Mùa hè với nền nhiệt cao kéo dài và độ ẩm tăng mạnh không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Cảm giác oi bức khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn và thường xuyên bị gián đoạn trong đêm.

  • 05/07/2025

    Uống bao nhiêu cà phê là quá nhiều?

    Cà phê từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc của hàng triệu người mỗi sáng. Tuy nhiên, uống bao nhiêu là đủ để tốt cho sức khỏe và khi nào thì trở thành quá nhiều?

  • 05/07/2025

    Những câu hỏi thường gặp về nước kiềm

    Khi nước kiềm ngày càng phổ biến, các tuyên bố xung quanh lợi ích sức khỏe và khả năng cải thiện sức khỏe tổng thể của nó cũng tăng theo. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét kỹ lưỡng những khẳng định này. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu và khám phá sự thật về nước kiềm và những lợi ích thật sự của nước kiềm.

  • 05/07/2025

    Vai trò của chất béo trong chế độ ăn lành mạnh

    Chất béo thường bị mang tiếng xấu mỗi khi nói về chế độ dinh dưỡng vì cho rằng đó là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì. Quan niệm cắt bỏ hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn đã từng phổ biến trong một số khuyến nghị dinh dưỡng. Thực tế, không phải tất cả các chất béo đều có hại.

  • 04/07/2025

    Bổ sung creatine đúng cách để cải thiện sức khỏe

    Chế độ ăn uống lành mạnh không thể thiếu thực phẩm giàu creatine - hợp chất tự nhiên giúp cung cấp năng lượng cho cơ bắp, cải thiện hiệu suất tập luyện và sức khỏe não bộ.

  • 04/07/2025

    Tìm hiểu về các loại bệnh võng mạc

    Có rất nhiều loại bệnh võng mạc khác nhau. Những bệnh này có thể do gen di truyền từ cha mẹ hoặc từ tổn thương võng mạc tích lũy trong suốt cuộc đời. Một số loại bệnh võng mạc phổ biến hơn các bệnh khác.

  • 03/07/2025

    5 lợi ích tiềm năng khi ăn chuối luộc

    Chuối là một trong những loại thực phẩm có lợi ích dinh dưỡng đáng kể. Vậy khi ăn chuối luộc có tác dụng gì?

Xem thêm