Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giải đáp những thắc mắc về vitamin K và sức khỏe trẻ nhỏ

Khi một em bé chào đời, bạn chắc hẳn có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm: cho bé ăn như thế nào, tắm cho bé ra sao, thay bỉm cho bé bao nhiêu lần…v…v. Một trong số nhiều vấn đề mà các bậc phụ huynh quan tâm đó là việc bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiét cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Trong số các vitamin quan trọng cho trẻ sơ sinh, Vitamin K đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ bé khỏi các nguy cơ xuất huyết và duy trì sức khỏe xương của trẻ.

Trong bài viết này, hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu về một số câu hỏi thường gặp về việc bổ sung vitamin K nói chung và vitamin K2 nói riêng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

#1: Trẻ sơ sinh không cần bổ sung vitamin K?

RẤT CẦN THIẾT. Vitamin K1 đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa các vết thương chảy máu không kiểm soát. Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ bú mẹ hoàn toàn, có nguy cơ thiếu hụt Vitamin K vì không thể nạp được đủ lượng Vitamin K từ sữa mẹ. Hơn nữa, cơ thể trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ hệ vi khuẩn đường ruột cần thiết để sản xuất Vitamin K, điều này càng làm tăng nguy cơ thiếu hụt.

Bổ sung Vitamin K1 qua tiêm bắp ngay sau khi sinh là phương pháp được chứng minh là an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng xuất huyết. Một số phụ huynh có thể lo lắng về tác dụng phụ của việc tiêm Vitamin K1, tuy nhiên, các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng tỷ lệ xảy ra phản ứng phụ là rất thấp​. Hiện nay, các nước trên Thế giới, trong đó có Việt Nam đã tiêm 1 mũi Vitamin K1 cho trẻ ngay sau khi sinh.

#2: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhận đủ vitamin K thông qua sữa mẹ hay không?

KHÔNG. Sữa mẹ có hàm lượng vitamin K rất thấp (bao gồm cả vitamin K1 và K2). Ngay cả sữa mẹ của những bà mẹ bổ sung vitamin K cũng có hàm lượng vitamin K thấp. Điều này khiến cho trẻ bú mẹ có nguy cơ thiếu hụt Vitamin K nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng Vitamin K trong huyết thanh của những trẻ bú mẹ thường thấp hơn ngưỡng bình thường trong giai đoạn từ 6 tuần đến 6 tháng sau khi sinh.

​Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị, tất cả trẻ sơ sinh, dù bú mẹ hay bú sữa công thức, nên nhận một mũi tiêm bắp vitamin K1 duy nhất trong vòng 6 giờ sau khi sinh với liều lượng 0,5-1mg vitamin K1. Với trẻ sinh non dưới 1500g, khuyến nghị tiêm vitamin K1 với liều 0,3-0,5mg/kg, tiêm bắp.

Việc tiêm Vitamin K1 là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sự gắn kết giữa mẹ và bé sau khi sinh, việc tiêm Vitamin K1 có thể được hoãn lại cho đến sau lần bú đầu tiên, nhưng không quá 6 giờ sau sinh.

#3: Bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp và không nghiêm trọng?

Thiếu hụt Vitamin K, đặc biệt là K1, có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Có ba loại xuất huyết chính liên quan đến tình trạng này:

  • Xuất huyết sớm: Xảy ra trong vòng 24 giờ sau sinh, thường do người mẹ sử dụng loại thuốc có thể ức chế hoạt động của vitamin K trong khi mang thai. Các thuốc này có thể qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ Vitamin K của thai nhi.
  • Xuất huyết cơ bản: Xảy ra trong tuần đầu sau sinh, từ ngày 1 đến ngày 7. Nguyên nhân là do lượng Vitamin K trong sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ, đặc biệt với những trẻ bú mẹ hoàn toàn.
  • Xuất huyết muộn: Xảy ra khi trẻ được từ 2 đến 12 tuần tuổi, thường liên quan đến các vấn đề về gan hoặc do chế độ ăn không đủ Vitamin K. Xuất huyết muộn rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong do chảy máu bên trong cơ thể, đặc biệt là ở não và các cơ quan nội tạng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ xuất huyết nhiều hơn trẻ dùng sữa công thức. Nguyên nhân là vì sữa công thức thường được bổ sung nhiều vitamin K hơn lượng vitamin K có trong sữa mẹ.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Trẻ sinh trước 37 tuần tuổi;
  • Trẻ sinh sử dụng forcep, mổ lấy thai;
  • Bị bầm tím trong quá trình sinh;
  • Bị khó thở khi sinh ra;
  • Gặp các vấn đề về gan hoặc chức năng gan kém sau khi sinh;
  • Trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng thuốc động kinh, thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều trị lao trong quá trình mang thai.

#4: Bổ sung vitamin K đường uống hiệu quả tương đương tiêm vitamin K?

Một số quốc gia có chính sách bổ sung vitamin K đường uống cho trẻ sơ sinh. Theo chính sách này, trẻ sơ sinh trong giai đoạn từ 4-12 tuần sẽ phải bổ sung vitamin K đường uống để dự phòng tình trạng xuất huyết do thiếu vitamin K. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi xoay quanh việc bổ sung Vitamin K đường uống so với tiêm bắp.

Ở Australia, phụ huynh được phép lựa chọn giữa tiêm Vitamin K hoặc cho trẻ uống. Trong trường hợp lựa chọn uống, trẻ sẽ cần uống hai liều: lần đầu ngay sau khi sinh và lần hai trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần bổ sung thêm một liều Vitamin K vào tuần thứ 4 sau sinh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, khi phụ huynh chọn phương pháp uống, số ca trẻ bị xuất huyết do thiếu Vitamin K muộn đã tăng lên. Điều này chứng minh rằng tiêm Vitamin K cho trẻ ngay sau khi sinh có hiệu quả phòng ngừa cao hơn so với việc bổ sung qua đường uống.

#5: Vitamin K2 không quan trọng với trẻ sơ sinh?

Trong khi Vitamin K1 thường được sử dụng để ngăn ngừa xuất huyết ở trẻ sơ sinh, Vitamin K2 lại có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của xương và hệ tim mạch. Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng Vitamin K2 giúp điều chỉnh sự vận chuyển canxi trong cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ canxi trong động mạch, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi hệ xương và hệ tim mạch đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ​.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu canxi cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng xương nhỏ, còi xương, biến dạng, hạn chế về chiều cao, chậm lớn, răng yếu, răng mọc không đều và dễ bị sâu răng. Không chỉ vậy, sự thiếu hụt canxi khiến hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ảnh hưởng. Do đó, trẻ thường quấy khóc về đêm, hay giật mình trong lúc ngủ và thậm chí là xuất hiện tình trạng rối loạn chức năng vận động.

Bổ sung canxi thông qua sữa công thức/chế độ ăn của mẹ (đối với trẻ sơ sinh và trẻ bú sữa) và thông qua việc sử dụng thực phẩm bổ sung (đối với trẻ lớn) đôi khi là chưa đủ bởi lượng canxi đưa vào cơ thể không được hấp thu tối đa và sử dụng đúng mục đích (lắng đọng vào xương và răng). Vitamin K2 cùng với vitamin D3 là bộ đôi không thể thiếu cùng với bổ sung canxi. D3 giúp tăng khả năng hấp thu canxi, trong khi đó K2 giúp gắn canxi vào cấu trúc xương, từ đó hỗ trợ sức khỏe xương của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Hiện nay, khuyến nghị bổ sung can xi cùng với Vitamin K2 và Vitamin D3 được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cho lứa tuổi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp phòng chống còi xương trong lứa tuổi này.

Cách bổ sung vitamin K2 tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Do vitamin K2 rất quan trọng đối với sức khỏe xương của trẻ, nên nhiều bậc phụ huynh mong muốn bổ sung đầy đủ vitamin K2 cho trẻ, ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm sữa công thức có chứa hàm lượng vitamin K2 nhất định, thì các thực phẩm giàu vitamin K2 đều là các thực phẩm mà trẻ nhỏ chưa thể tiêu hóa/hấp thu được (VD: đậu nành lên men, dưa cải muối…v…v). Do vậy, việc bổ sung vitamin K2 thông qua các loại thực phẩm bổ sung dạng nhỏ giọt hoặc dạng xịt là lựa chọn được nhiều phụ huynh cũng như nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị để đảm bảo an toàn, tiện lợi và cung cấp đủ lượng vitamin K2 cần thiết.

Nên uống Vitamin D3 hay Vitamin D3K2 cho trẻ sơ sinh - Momcares

Khuyến cáo của Bác sỹ dinh dưỡng

Vitamin K1 là một yếu tố thiết yếu đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, hạn chế nguy cơ xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không cung cấp đủ nhu cầu Vitamin K của trẻ, vì vậy việc bổ sung Vitamin K sau sinh là cần thiết, đặc biệt là ở những trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng Vitamin K2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương và tim mạch của trẻ, khuyến khích việc bổ sung đầy đủ Vitamin K2 từ cả chế độ ăn uống và các phương pháp bổ sung thích hợp.

Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sỹ/ chuyên gia dinh dưỡng để được thông tin đầy đủ về tầm quan trọng của Vitamin K nói chung, vitamin K2 nói riêng và các phương pháp bổ sung để đưa ra quyết định đúng đắn cho sức khỏe của bé yêu.​

 

Ths. Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm