Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng.

Triệu chứng đau thần kinh tọa thường gặp

Đau thần kinh tọa là một tình trạng gây ra cảm giác đau dọc theo dây thần kinh tọa, bắt đầu từ vùng thắt lưng và lan xuống mông, chân, và đến các ngón chân. Đây là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50, nhất là khi có công việc đặc thù phải mang vác nặng, đứng lâu, ngồi trong thời gian dài.

Người bị đau thần kinh tọa thường gặp phải một hoặc cùng lúc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Đau thắt lưng kèm đau lan dọc xuống chi dưới theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau thường đột ngột xuất hiện sau khi gắng sức, sau các sang chấn vùng thắt lưng hoặc sau cú bước hụt (do thoát vị đĩa đệm).

  • Đau âm ỉ hoặc đau cấp tính, cơn đau tăng lên khi gắng sức, thay đổi tư thế hoặc chỉ cần ho, hắt hơi cũng gây đau. Đặc biệt, ban đêm cơn đau có xu hướng nặng hơn.

  • Triệu chứng kèm theo: cảm giác như bị kiến bò ở bên bị bệnh, hoặc thấy tê nóng, đau rát như dao đâm…

  • Khi quan sát lúc đi hoặc đứng nửa người bị hạ thấp, vẹo về bên lành. Khi đứng, chân bên đau có xu hướng hơi co lên, tay chống vào mạn sườn hoặc đầu gối bên đau.

Thói quen sinh hoạt giúp giảm đau thần kinh tọa

Người bị đau thần kinh tọa cần lưu ý những tư thế trong sinh hoạt hằng ngày như đứng, ngồi, nâng đồ nặng

Người bị đau thần kinh tọa cần lưu ý những tư thế trong sinh hoạt hằng ngày như đứng, ngồi, nâng đồ nặng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh tọa, trong đó thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất. Người bệnh thường bị đau sau các động tác gắng sức mạnh không đúng tư thế của cột sống hoặc do chấn thương kéo dài từ hoạt động thường ngày như lái xe đường dài, mang vác nặng.

Để hạn chế nguy cơ đau thần kinh tọa, cách tốt nhất là tránh các chấn thương cho cột sống và vùng lưng, khi ngã không tiếp đất bằng mông, không vận động mạnh quá mức, đeo túi nặng một bên. 

Hàng ngày, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên vừa sức để nâng cao thể lực, chú trọng các bài tập tác động đến các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng. 

Về dinh dưỡng, người có tiền sử đau thần kinh tọa nên kiêng rượu bia, bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Không nên nằm ngủ trên đệm quá dày và mềm, giường lò xo. 

Trong các đợt đau cấp, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và bất động, tránh mọi di chuyển hoặc thay đổi tư thế làm căng dây thần kinh. Lưu ý, thuốc giảm đau cần dùng đúng liều lượng, không lạm dụng quá 10 ngày và nên thận trọng khi tiêm steroid ngoài màng cứng.

Người bệnh cũng có thể áp dụng phương pháp giảm đau tạm thời bằng cách đắp túi chườm nóng hoặc lạnh lên vùng bị ảnh hưởng nhiều lần mỗi ngày, mỗi lần tối đa 15 phút.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (VIAM Clinic) trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam tư vấn, cung cấp chế độ dinh dưỡng cá thể dành cho những người đang điều trị các bệnh mạn tính, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân béo phì phụ nữ mang thai và cho con bú,... Hãy liên hệ với VIAM Clinic nếu bạn muốn có chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935.18.3939 hoặc 024.3633.5678

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm