Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD và suy tim xung huyết CHF

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và suy tim xung huyết (CHF) đều có thể khiến bạn cảm thấy khó thở. Hai bệnh lý nghiêm trọng này đều có những triệu chứng và yếu tố nguy cơ giống nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân và phương pháp điều trị 2 căn bệnh này lại khác nhau rõ rệt.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD và suy tim xung huyết CHF

COPD là thuật ngữ dùng để chỉ nhiều vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp, làm tắc nghẽn đường dẫn khí tới phổi. Hai tình trạng COPD phổ biến nhất là viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Với viêm phế quản, đường thở từ khí quản vào phổi sẽ bị kích thích. Khí phế thũng xảy ra khi những tổn thương nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến các túi khí trong phổi, nơi khí oxy và khí CO2 trao đổi với nhau. Hai tình trạng này khiến phổi không thể hoạt động hiệu quả được, và gây ra tình trạng khó thở.

CHF xảy ra khi tim quá yếu và không thể bơm máu đi khắp cơ thể được. Khi máu không được bơm ra khỏi tim hiệu quả, lượng dịch sẽ hình thành hoặc trở nên tắc nghẽn. Khi máu tràn ngược vào tim hoặc bị ứ trong tim, tim sẽ đập nhanh hơn và sẽ phì đại để giải quyết lượng lớn máu trong tim. Tình trạng này sẽ làm bệnh suy tim diễn biến xấu hơn

Những triệu chứng giống nhau

Khó thở và khò khè là những triệu chứng phổ biến của cả COPD và CHF. Khó thở thường xảy ra sau khi hoạt động thể chất và sẽ phát triển một cách từ từ. Đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy hụt hơi sau những hoạt động thể chất bình thường như leo cầu thang. Khi tình trạng COPD và CHF tệ hơn, khó thở hoặc khò khè có thể xảy ra khi bạn hoạt động thể chất rất ít.

Ho mãn tính là một trong số những triệu chứng chính của COPD. Cơn ho đôi khi có thể có dịch nhầy hoặc ho khan. Những người bị suy tim xung huyết thường sẽ ho khan và có đờm. Đờm là chất nhầy có thể bao gồm máu, mủ hoặc vi khuẩn.

COPD cũng có thể gây căng tức ngực. CHF không dẫn đến căng tức ngực nhưng bạn có thể nhận thấy tim mình đập bất thường hoặc đập nhanh hơn ở trong lồng ngực.

Nguyên nhân khác nhau

Trong khi có một vài triệu chứng chung thì COPD và CHF lại có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Nguyên nhân đơn thuần và phổ biến nhất của COPD là hút thuốc. Có tiền sử đã từng hút thuốc không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị COPD nhưng sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp. Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch và suy tim xung huyết.

Một số trường hợp COPD còn có nguyên nhân là do hít phải khói thuốc lá thụ động hoặc hít phải chất hóa học ở nơi làm việc. Tiền sử gia đình có người bị COPD cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.

Suy tim có thể có nguyên nhân là do bệnh mạch vành (CAD). Bệnh xảy ra khi mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến việc lên cơn đau tim. Các nguyên nhân khác gây suy tim bao gồm các bệnh về van tim, tăng huyết áp hoặc các bệnh về cơ tim.

Điều trị và lối sống

Chưa có cách nào chữa khỏi cả bệnh COPD và CHF, vì vậy, điều trị chủ yếu nhằm mục đích làm chậm quá trình diễn biến bệnh và kiểm soát các triệu chứng.

Vì hút thuốc lá có thể dẫn đến cả bệnh COPD và CHF nên cai thuốc là sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung của bạn, cho dù bạn đang mắc bệnh gì.

Thường xuyên luyện tập thể thao cũng rất quan trọng để tăng cường sức mạnh cho tim và phổi, nhưng với bệnh COPD và CHF thì bạn sẽ phải hạn chế luyện tập một số dạng bài tập nhất định. Trao đổi với bác sỹ về loại bài tập nào là an toàn với bạn và bạn nên lưu ý những gì trước, trong khi luyện tập.

COPD

Người bệnh COPD và người bệnh CHF sẽ được kê các loại thuốc khác nhau. Một loại thuốc điều trị COPD phổ bién là thuốc giãn phế quản. Loại thuốc này sẽ làm giãn cơ quanh đường dẫn khí, làm việc thở trở nên dễ dàng hơn. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có thể kéo dài trong khoảng 6 tiếng và thường được khuyên sử dụng khi bạn cần hoạt động thể chất nhiều. Thuốc giãn phế quản tác dụng chậm có thể có tác dụng kéo dài trong 12 giờ và được sử dụng hàng ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ quyết định loại thuốc nào là thích hợp với bạn nhất.

Nếu bạn bị COPD nặng, bạn có thể cần phải sử dụng glucocorticosteroid dạng hít. Đây là loại steroid làm hạn chế tình trạng viêm ở đường thở.

CHF

Người bệnh CHF có thể sẽ phải sử dụng rất nhiều loại thuốc. Các thuốc giãn mạch sẽ làm giãn các mạch máu và giảm huyết áp. Do đó, sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho tim. Một loại thuốc khác cũng rất quan trọng với người bệnh CHF là thuốc lợi tiểu, làm giảm lượng dịch và muối trong cơ thể, từ đó làm giảm huyết áp. Một loại thuốc được gọi là digoxin có thể làm khỏe các cơn co của cơ tim và là một phần rất quan trọng của kế hoạch điều trị suy tim xung huyết.

Các loại thuốc chống đông cũng có thể được sử dụng để điều trị CHF. Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong những trường hợp COPD và CHF nghiêm trọng, trị liệu bằng khí oxy sẽ được áp dụng. Loại trị liệu này sẽ vận chuyển khí oxy đến phổi thông qua một ống thông ở mũi.

Dự phòng

Biện pháp dự phòng COPD chính là không hút thuốc hoặc cai hút thuốc lá. Rất nhiều sản phẩm và phương pháp trị liệu có thể giúp bạn cai thuốc lá. Hỏi ý kiến bác sỹ về việc sử dụng các biện pháp này và tìm kiếm các chương trình cai thuốc lá tại cộng đồng.

Không hút thuốc cũng có thể giúp dự phòng các bệnh tim mạch. Các biện pháp khác giúp bạn làm giảm nguy cơ CHF bao gồm:
  • Kiểm soát huyết áp và mỡ máu, kể cả bằng việc dùng thuốc hay thay đổi lối sống.
  • Luyện tập thể thao
  • Ăn chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít đường và muối
  • Ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên cám

Thường xuyên đi khám và tuân theo đúng chỉ định của bác sỹ để dự phòng COPD, CHF và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Kết luận

COPD và CHF là những bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến việc thở và các hoạt động thường ngày của bạn. Mặc dù có chung triệu chứng và một số yếu tố nguy cơ, nhưng COPD ảnh hưởng đến phổi và CHF ảnh hưởng đến tim. Các loại thuốc khác nhau sẽ được dùng để điều trị từng bệnh. Tuy nhiên, ăn uống khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập và cai thuốc lá là những phương pháp điều trị tốt nhất cho cả 2 bệnh.

 Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trào ngược dạ dày thực quản và bệnh COPD

Bình luận
Tin mới
  • 18/04/2024

    Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý

    Đau thần kinh toạ là một loại đau thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thuộc khớp hông, một bó dây thần kinh lớn bắt nguồn từ dưới sống thắt lưng, qua mông và xuống phía sau mỗi chân.

  • 17/04/2024

    5 lí do khiến da bạn chuyển sang màu cam

    Khi làn da của bạn bỗng chuyển sang màu cam, đừng lo lắng, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 lí do khiến da bạn chuyển sang màu cam.

  • 17/04/2024

    Các sản phẩm từ sữa tốt cho sức khỏe tim mạch

    Việc bổ sung các chế phẩm từ sữa phù hợp có thể mang lại nhiều loại ích với sức khỏe tim mạch. Vậy bạn nên ăn và tránh những sản phẩm từ sữa nào?

  • 17/04/2024

    Vì sao phụ nữ độ tuổi 30 cần tăng cường ăn thực phẩm giàu kẽm?

    Độ tuổi 30 trở đi là giai đoạn cơ thể của người phụ nữ bắt đầu bước vào quá trình lão hóa, vì thế cần bổ sung những loại vitamin, khoáng chất. Kẽm ít được nhắc đến hơn nhưng lại là dưỡng chất có vai trò thiết yếu đối với sức khoẻ phụ nữ.

  • 17/04/2024

    Tiểu không tự chủ - những điều cần biết

    Tiểu không tự chủ là một tình trạng rất phổ biến mà không ai muốn nói đến. Vì sự kỳ thị xung quanh nó, nhiều người quá xấu hổ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng hầu hết các bệnh lý gây ra tiểu không tự chủ đều có thể được khắc phục bằng các biện pháp can thiệp y tế.

  • 17/04/2024

    Chỉ số huyết áp cho biết những gì về sức khỏe của bạn?

    Bạn có thắc mắc tại sao mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ, các bác sĩ đều tiến hành đo huyết áp cho bạn? Có lẽ ai cũng biết mình nên giữ huyết áp trong ngưỡng ổn định, nhưng bạn có biết chỉ số này nói lên điều gì về sức khỏe tổng thể của mình?

  • 17/04/2024

    Tác động tiêu cực của quần áo chật đối với phụ nữ mang thai

    Mang thai có thể khiến cơ thể thay đổi hình dáng và cân nặng rất nhiều. Đôi khi quần áo chật đến mức khó chịu và hằn lên các phần cơ thể.

  • 16/04/2024

    Chứng thấp lùn

    Chứng thấp lùn là tình trạng bệnh đặc trưng bởi vóc dáng nhỏ bé do nhiều yếu tố như di truyền hoặc bệnh lý gây ra. Với các triệu chứng đặc trưng rất dễ nhận biết, tình trạng này gây ra rất nhiều khó khăn trong suốt toàn bộ quá trình phát triển.

Xem thêm