Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh cúm mùa và sự quan trọng của tiêm vaccine phòng ngừa cúm

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Cúm mùa phổ biến ở tất cả các nơi trên thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam. Bệnh có thể gây dịch theo mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả các nhóm lứa tuổi với mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong. Việc dự phòng cúm được coi phương pháp hữu hiệu nhất để hạn chế những ảnh hưởng của cúm, đặc biệt là tiêm vaccine cúm.

Hiện tại đang là thời điểm các bệnh về cúm đang vào giai đoạn dễ lây lan nhanh. Theo ghi nhận, thời gian gần đây trên thế giới bệnh, các bệnh về đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng trở lại tại nhiều quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia khu vực ASEAN. Nhiều lo ngại về sự lây lan của nhiều loại virus, vì sự kết hợp của COVID-19, cúm mùa và các mầm bệnh đường hô hấp khác có thể gây ra các đợt bùng phát rộng hơn.

Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Trong những ngày gần đây, miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em. Bộ Y tế đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa đông - xuân này, cùng với đó là sẵn sàng các giải pháp chủ động ứng phó nếu COVID-19 quay trở lại.

Theo VTV

Bệnh cúm mùa

Mỗi năm, có khoảng một tỷ trường hợp mắc cúm mùa trên toàn cầu, trong đó có từ 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng. Cúm mùa gây ra 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó 99% các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới có liên quan đến cúm mùa xảy ra ở các nước đang phát triển.

Có 4 loại virus cúm bao gồm: chủng A, B, C và D. Virus cúm A và B hiện lưu hành và là nguyên nhân gây dịch bệnh theo mùa.

  • Virus cúm A: được phân loại thành các phân nhóm theo sự kết hợp của các protein trên bề mặt virus. Hiện đang lưu hành ở người là virus cúm loại A (H1N1) và A (H3N2). Virus cúm A-H1N1 – còn được viết là A (H1N1) pdm09 – là nguyên nhân gây ra đại dịch vào năm 2009. Chỉ có virus cúm A được biết là đã gây ra đại dịch.
  • Virus cúm B: dù không được phân loại thành các phân nhóm nhưng virus cúm B có thể được chia thành các dòng: dòng B/Yamagata hoặc B/Victoria.
  • Virus cúm C: được phát hiện ít thường xuyên hơn và thường gây nhiễm trùng nhẹ, do đó không nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
  • Virus cúm D: chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, gia súc... và không được biết là lây nhiễm hoặc gây bệnh ở người.

Dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm cúm mùa

Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường xuất hiện sau khoảng 2 ngày tính từ ngày bị nhiễm, có thể từ các nguồn lây khác nhau bao gồm cả từ người sang người.Các triệu chứng bao gồm:

  • Sốt khởi phát đột ngột
  • Ho, thường là ho khan không có đờm. Đối với tình trạng ho, có thể tiến triển nặng và kéo dài 2 tuần hoặc dài hơn.
  • Đau nhức đầu
  • Đau cơ và các khớp
  • Cảm giác khó chịu, mệt mỏi
  • Đau họng
  • Ngạt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi

Thông thường, đa phần các trường hợp mắc bệnh sẽ hồi phục sau khoảng 1 tuần, và các triệu chứng sẽ biến mất trong khoảng thời gian này mà không cần những sự chăm sóc về y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nặng có thể gây nguy hiểm, thậm chí là tử vong  ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Khảo sát cho thấy, ở các nước phát triển, hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến cúm xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên. Đối với các nước đang phát triển, ảnh hưởng của các đợt dịch cúm mùa vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng nghiên cứu ước tính rằng 99% trường hợp tử vong là ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới có liên quan đến cúm.

Nhóm đối tượng nguy cơ cao

Đối với cúm mùa, tất cả các nhóm lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, tuy nhiên có những nhóm có nguy cơ cao hơn so với những nhóm khác. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:

  • Nhóm những người có nguy cơ mắc cúm mức độ nặng hoặc có nguy cơ gặp phải biến chứng khi nhiễm bệnh: nhóm phụ nữ mang thai, nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, nhóm người cao tuổi, nhóm người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạch, bệnh phổi, bệnh thận, các rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý thần kinh, bệnh gan hoặc bệnh lý huyết học) và nhóm những người đang sử dụng các hình thức ức chế miễn dịch (như điều trị HIV, điều trị hóa trị hoặc sử dụng steroid, hoặc bệnh lý ác tính).
  • Nhóm những người có nguy cơ mắc cao: nhóm nhân viên y tế (do tiếp xúc nhiều với người bệnh và lây lan mầm bệnh sang người khác).

Sự lây truyền của bệnh cúm mùa

Cúm mùa rất dễ lây lan, và có thể lây truyền nhanh chóng ở những khu vực đông người như trường học, viện dưỡng lão... Tại các môi trường đông người nhưng không thông thoáng, khi một người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn có chứa virus được phát tán vào trong không khí và có thể lây nhiễm cho những người ở gần đó nếu hít phải. Virus cũng có thể lây lan qua bề mặt tiếp xúc, khi các giọt bắn lưu lại trên bề mặt và bàn tay chạm vào các vùng bề mặt đó rồi tiếp xúc với miệng, mũi.

Ở các vùng khí hậu ôn đới, dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào mùa đông. Ở các vùng khí hậu nhiệt đới, dịch cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, và đây là lý do khiến dịch bùng phát bất thường hơn ở các nước nhiệt đới nếu so với các nước ôn đới.

Điều trị cúm mùa như thế nào?

Đa phần các trường hợp mắc cúm mùa sẽ tự khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng đặc biệt có thể có các triệu chứng nghiêm trọng, do vậy vẫn luôn cần cẩn trọng khi mắc cúm.

Đối với nhóm những người có triệu chứng nhẹ, lời khuyên từ các chuyên gia y tế bao gồm:

  • Ở nhà để tránh lây nhiễm cho người xung quanh
  • Nghỉ ngơi hợp lý
  • Uống nhiều nước
  • Điều trị các triệu chứng như sốt...
  • Đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn

Đối với nhóm những người có nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, nên được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Lời khuyên từ các chuyên gia bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
  • Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
  • Người có các bệnh lý mạn tính khác
  • Người đang điều trị hóa trị (ung thư, v.v...)
  • Người có hệ miễn dịch bị suy yếu ()do nhiễm HIV hoặc các tình trạng bệnh lý miễn dịch khác...)

Phòng ngừa nhiễm cúm mùa

Tiêm phòng vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm mùa. Vaccine cúm mùa được chứng minh tính an toàn và hiệu quả, đã được sử dụng từ lâu trên toàn cầu. Tất nhiên, miễn dịch từ tiêm vaccine sẽ suy giảm theo thời gian, vì vậy việc tiêm nhắc lại hàng năm là hoàn toàn cần thiết.

Đối với vaccine cúm, hiệu quả của vaccine có thể kém hơn ở người cao tuổi, nhưng vẫn đảm bảo làm giảm tình trạng nghiêm trọng của bệnh cũng như giảm nguy cơ biến chứng và tử vong khi mắc bệnh. Do vậy, nên tiêm vaccine cúm ở mọi lứa tuổi được khuyến nghị.

Đối với nhóm các đối tượng có nguy cơ cao, tiêm vaccine đặc biệt quan trọng. Tiêm vaccine được khuyến cáo cho:

  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Người mắc bệnh mạn tính
  • Nhân viên y tế.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bên cạnh việc tiêm vaccine, các biện pháp dự phòng lây nhiễm thông qua các phương thức dự phòng cá nhân cũng là rất quan trọng. Việc dự phòng cá nhân không chỉ giúp ngăn ngừa nhiễm cúm cho bản thân mà còn cho toàn cộng đồng, và không chỉ nói riêng cho bệnh cúm mà còn là các bệnh khác lây truyền qua đường tiếp xúc. Các biện pháp dự phòng cá nhân hữu hiệu vẫn luôn được khuyến nghị bao gồm:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
  • Đeo khẩu trang tại nơi công cộg
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác khi có dấu hiệu nhiễm cúm
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh
  • Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
  • Tập thể dục, thể thao, duy trì vận động thường xuyên

Hiện nay, Việt Nam đang duy trì một số loại vaccine cúm với liều tiêm và lịch tiêm ở trẻ em và người lớn cụ thể như sau:

  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn: tiêm liều 0,5 ml.
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vaccine cúm thì tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
  • Trẻ từ trên 9 tuổi và người lớn thì tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Vaccine cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình kéo dài một năm. Ngoài ra, các loại virus gây bệnh cúm cũng thay đổi hằng năm và thành phần vaccine chủng ngừa cúm cũng thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp các các chủng virus xuất hiện theo từng thời điểm.

Theo VNVC

Tài liệu tham khảo: 

1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)

2. https://vtv.vn/xa-hoi/ngan-dich-benh-bung-phat-mua-dong-xuan-san-sang-ung-pho-neu-covid-19-tro-lai-20231221191242024.htm

3. Estimates of US influenza-associated deaths made using four different methods.
Thompson WW, Weintraub E, Dhankhar P, Cheng OY, Brammer L, Meltzer MI, et al. Influenza Other Respi Viruses. 2009;3:37-49

4. Global burden of respiratory infections due to seasonal influenza in young children: a systematic review and meta-analysis.
Nair H, Abdullah Brooks W, Katz M et al. Lancet 2011; 378: 1917–3

Tham khảo thêm thông tin tại: Những điều cần biết về vaccine phòng cúm

 

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm