Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về vaccine phòng cúm

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm cũng như giảm nguy cơ lây truyền virus cúm cho người khác đó là tiêm vaccine cúm hàng năm.

Cúm hoặc là một bệnh do virus gây ra. Triệu chứng bệnh thường rất đa dạng, từ mức độ nhẹ cho đến vừa. Các triệu chứng cúm nặng có thể sẽ cần phải nhập viện, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu xảy ra ở những người suy yếu miễn dịch. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm sẽ rất khác nhau giữa các năm. Những người khỏe mạnh có thể bị nhiễm cúm và trở thành nguồn lây truyền cho những người khác. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người già và những người đang mắc các bệnh khác là đối tượng có nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm cũng như giảm nguy cơ lây truyền virus cúm cho người khác đó là tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine phòng cúm có ở cả dưới dạng tiêm và dạng xịt mũi. Trong cộng đồng càng có nhiều người tiêm vaccine phòng cúm, thì bệnh cúm càng giảm khả năng lây nhiễm.

Vaccine cúm hoạt động như thế nào?

Tiêm vaccine cúm sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể và các protein giúp hệ miễn dịch chống lại bệnh cúm. Sau khi được tiêm vaccine, phải mất khoảng 2 tuần cơ thể mới bắt đầu tạo ra các kháng thể được.

Mỗi năm, vaccine cúm lại được chế tạo để chống lại các chủng cúm khác nhau. Vaccine cúm thế hệ ba giúp phòng 2 loại cúm A là H1N1 và H3N2, cùng với một loại cúm B. Vaccine phòng cúm thế hệ 4 bảo vệ bạn khỏi 3 chủng cúm như vaccine thế hệ 3 và thêm một chủng cúm B nữa.

 
Những ai nên tiêm vaccine cúm?

Những người phải làm việc hoặc thường xuyên ở gần trẻ em hoặc những người ốm là những đối tượng cần thiết phải tiêm vaccine cúm hàng năm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, vốn đã là những người rất nhạy cảm. Có rất nhiều loại vaccine cúm khác nhau phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, các yếu tố như độ tuổi, tình trạng dị ứng và việc có bị dị ứng với trứng hay không sẽ được xem xét trước khi đưa ra quyết định về loại vaccine phòng cúm phù hợp với bạn.

Những người trong độ tuổi từ 2-49 tuổi không muốn sử dụng loại vaccine cúm dạng tiêm thông thường có thể lựa chọn loại vaccine cúm dạng xịt, miễn là họ không sử dụng các loại thuốc có thể tương tác với vaccine dạng xịt.

Khi nào nên tiêm vaccine?

Lý tưởng nhất, vaccine phòng cúm nên được tiêm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm bắt đầu. Dịch cúm thường bắt đầu bùng phát vào khoảng tháng 10 và thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 1 năm sau hoặc muộn hơn. Và việc tiêm vaccine muộn hơn, miễn là khi vẫn đang ở trong mùa cúm, cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tiêm vaccine cúm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm đến là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và những người xung quanh trước bệnh cúm.

Có thể bị cúm nếu đã tiêm vaccine phòng cúm trong năm nay hay không?

Có, kể cả khi bạn đã tiêm vaccine phòng cúm trong năm rồi thì bạn vẫn có thể bị mắc cúm. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc bạn có bị mắc cúm hay không, kể cả trong trường hợp đã tiêm vaccine rồi. Tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn là 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine.

Mỗi năm, các cơ quan y tế công cộng sẽ dự đoán trước chủng cúm nào sẽ lưu hành và sẽ sản xuất ra loại vaccine chống lại chủng cúm mà họ dự đoán tốt nhất. Tuy nhiên, chủng cúm lưu hành không phải lúc nào cũng đúng như dự đoán. Vaccine chỉ có hiệu quả cao nhất nếu chủng cúm lưu hành gần giống với chủng cúm được dự đoán.

Nhưng kể cả khi chủng cúm lưu hành không giống với chủng cúm dự đoán thì vaccine phòng cúm vẫn có tác dụng kích thích sản xuất ra kháng thể và có tác dụng bảo vệ nhất định với cơ thể (cơ chế này được gọi là bảo vệ chéo). Những kháng thể này có thể sẽ giúp một số người không bị nhiễm cúm và giúp bảo vệ những người khác không mắc phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm.

Lợi ích của tiêm vaccine phòng cúm là gì?

Vaccine cúm giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh không bị cúm. Vaccine cúm cũng giúp bảo vệ những đối tượng nhạy cảm trong cộng đồng, như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh mạn tính – không bị nhiễm bệnh và không mắc phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm. Vaccine sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi tình trạng nhập viện vì bệnh cúm hoặc bảo vệ chống lại các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm.

Tôi có thể bị mắc cúm do việc tiêm vaccine hay không?

Không. Không thể bị nhiễm cúm do việc tiêm vaccine. Vaccine cúm dạng tiêm chỉ chứa virus cúm ở dạng bất hoạt hoặc không chứa virus cúm, do vậy, không thể có khả năng khiến bạn bị nhiễm bệnh được. Vaccine cúm dạng xịt mũi có chứa virus cúm sống, đã được làm yếu đi (giảm độc lực) nhưng cũng không thể làm bạn bị nhiễm cúm được. Virus sử dụng trong vaccine dạng xịt là virus thích nghi với môi trường lạnh, tức là chúng được tạo ra và chỉ có thể bị nhiễm trong môi trường lạnh, chứ không thể gây lây nhiêm ở một môi trường ấm như cơ thể người được.

Có phản ứng phụ nào từ việc tiêm vaccine không?

Vaccine cúm bao gồm virus cúm bất hoạt có thể gây ra những phản ứng phụ nhỏ bao gồm sưng, đỏ và đau tại vết tiêm, sốt nhẹ và đau cơ. Vaccine cúm dạng xịt có chứa virus cúm giảm độc lực có thể gây ra các phản ứng phụ ở trẻ nhỏ như đau cơ, sốt, khò khè, chảy nước mũi, đau đầu và nôn mửa.

Đối tượng nào không nên tiêm vaccine phòng cúm?

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC khuyến cáo rằng tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi đều nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Những người không nên tiêm vaccine phòng cúm bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi vì còn quá nhỏ
  • Những người có các loại dị ứng, quá mẫn hoặc sốc phản vệ với vaccine cúm hoặc với bất cứ thành phần nào có trong vaccine.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh Cúm - Những điều cần biết

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Medicinet/CDC
Bình luận
Tin mới
Xem thêm