Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh bạch hầu: sự cần thiết của việc tiêm vaccine phòng bệnh!

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính – một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng khoảng 70% gặp phải ở trẻ dưới 15 tuổi và trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Bệnh rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ với tỉ lệ tử vong cao, và việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh là biện pháp an toàn, hiệu quả và được áp dụng rộng rãi ngày nay.

Tại Việt Nam, sau khi ghi nhận 3 ca mắc bệnh bạch hầu tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia khám chữa bệnh. Tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên. Tính từ ngày 1/5-10/9/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu với 3 ổ dịch.

 

Bệnh bạch hầu - bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Cụm từ “bạch hầu” được mô tả tình trạng vùng hầu/họng có giả mạc trắng; và bệnh cũng có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh bạch hầu gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, do vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc niêm mạc gây ra các giả mạc dai tại chỗ bị nhiễm khuẩn (hầu họng, thanh quản…) từ đó tiết ra các ngoại độc tố vào máu gây nhiễm độc cơ tim, thận, các dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng khoảng 70% gặp phải ở trẻ dưới 15 tuổi và trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là một bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ với tỉ lệ tử vong cao – khoảng 50% nếu không được điều trị – và ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong cũng lên tới 5-17%. Bệnh được phân loại thuộc nhóm B – nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và có thể gây tử vong.

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu:

  • Xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, hoặc xám đen, dai và dính, dễ chảy máu. Giả mạc trắng là đặc điểm của tên gọi "bạch hầu".
  • Đau họng và khàn giọng
  • Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ
  • Có thể xuất hiện khó thở hoặc thở nhanh, kèm chảy dịch mũi
  • Sốt, cảm giác ớn lạnh, khó chịu cơ thể

Thể lâm sàng bạch hầu thể thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ, trong khi thể mũi là thể nhẹ. Ngoài ra, bạch hầu cũng có thể có thể ở da. Tình trạng nhiễm khuẩn bạch hầu không có triệu chứng chiếm một tỉ lệ lớn (khoảng 80%). 

Các biến chứng của bệnh bạch hầu:

  • Bít tắc đường thở
  • Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim – cơ chế miễn dịch) (biến chứng muộn)
  • Tổn thương thần kinh (polyneuropathy)
  • Liệt
  • Tổn thương thận
  • Tử vong. Kể cả khi điều trị tỉ lệ tử vong có thể từ 5 tới 17%. Không điều trị có thể tới 50% bệnh nhân thể hô hấp sẽ tử vong.

Tác nhân gây bệnh

Vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) thuộc họ Corynebacteriaceae do Klebs tìm thấy năm 1883. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, MitisIntermedius.

 

Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chúng chịu được khô lạnh nhưng không chịu được nhiệt độ cao. Vi khuẩn bạch hầu được chất nhày bảo vệ có thể sống vài ngày đến vài tuần ở một số môi trường như:

  • Trên đồ vải có thể sống được 30 ngày
  • Trong bụi sống được 5 tuần
  • Trên cát có thể sống gần 100 ngày
  • Trong tử thi sống được 2 tuần
  • Trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày.

 

Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bi chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị chết  sau vài ngày. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút, phenol 1% hoặc cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

 

Đặc điểm của bệnh bạch hầu

Nguồn bệnh

Nguồn bệnh của bệnh bạch hầu là trên người. Người bệnh và người lành mang vi khuẩn vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở nơi mà trước đó không thấy có bệnh xuất hiện.

 

Đường lây truyền

Bệnh bạch hầu là bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của người bệnh qua đường hô hấp, hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có dính dịch tiết của người bệnh.

 

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền bệnh

Thời kỳ lây truyền khoảng 2 tuần. Người bệnh có thể đào thải vi khuẩn ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn có thể mang vi khuẩn bạch hầu từ vài ngày đến 4 tuần. Thông thường, thời kỳ ủ bệnh là khoảng từ 2-5 ngày.

 

Tính cảm nhiễm

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nếu chưa có kháng thể bảo vệ. Đối với trẻ sơ sinh, kháng thể miễn dịch của mẹ được chuyển sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ tương đối, và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Đây là lý do phải tiêm vaccine cho trẻ để giúp trẻ có miễn dịch bệnh.

 

Bệnh có tính miễn dịch bền vững. Người mắc bệnh sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài. Đặc biệt đối với thể nhiễm trùng không triệu chứng cũng tạo được miễn dịch bền vững.

 

Một đặc điểm đặc biệt của bệnh là tính miễn dịch của kháng độc tố, kể cả miễn dịch được tạo thành sau khi tiêm vaccine giải độc tố (toxoid) sẽ bảo vệ được cơ thể đối với bệnh bạch hầu, nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng.

 

Dịch bạch hầu tại Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam chưa thực hiện tiêm phòng vaccine bạch hầu cho trẻ em, bệnh bạch hầu thường xuyên xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh. Tuy nhiên khi áp dụng tiêm vaccine, tỉ lệ mắc bệnh đã giảm rõ rệt. Có thể thấy rằng việc đưa vaccine vào trong hệ thống tiêm chủng mở rộng cho trẻ là một quyết định đúng đắn, một bước đi chính xác trong việc ngăn chặn và bảo vệ nhóm đối tượng trẻ nhỏ trước căn bệnh nguy hiểm này.

 

Báo cáo về tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu ở Việt Nam có thể chia thành các giai đoạn:

  • Từ năm 1980-1984, Việt Nam luôn duy trì tỉ lệ mắc ở mức  4/100.000 dân và dịch thường xảy ra ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội trong thời gian từ năm 1980-1984, báo cáo cho thấy có 1.463 trường hợp mắc bệnh, trong đó 243 trường hợp tử vong với tỉ lệ chết/mắc là 16,6%. Số mắc hầu hết là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 94,4 %). Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.
  • Từ năm 1985-1995, Việt Nam bắt đầu thực hiện tiêm phòng vaccine bạch hầu. Kể từ đó, tỉ lệ mắc bệnh tính trên 100.000 dân hàng năm đã giảm rõ rệt, giảm từ 3,95% vào năm 1985 xuống còn 0,23% vào năm 1995.
  • Từ 1996-2000, tỉ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân tiếp tục giảm xuống  0,17% vào năm 1996, mức 0,14% vào năm 2000 và số trường hợp mắc bệnh bạch hầu trung bình trong năm ở giai đoạn 1996-2000 chỉ còn 125 ca/năm, đồng thời số trường hợp tử vong giảm còn 10 trường hợp/năm.

 

Việc triển khai vaccine phòng bệnh bạch hầu trong hơn 30 năm qua đã làm giảm tỷ lệ mắc từ năm 2015 xuống dưới mức 0,01/100.000 dân, tương đương 247,4 lần so với trước khi triển khai vaccine.

 

Mặc dù vậy, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp mắc bạch hầu tản phát mỗi năm. Trong các năm 2008, 2015, 2016, 2019, 2020 và mới đây là 2023, Việt Nam ghi nhận trở lại ổ dịch bạch hầu trên qui mô xã, huyện, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên năm 2020 và một số tỉnh miền Bắc năm 2023.

 

Vaccine bạch hầu

Vaccine bạch hầu được phát triển vào năm 1923. Đến năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vaccine bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

 

Để giảm số lượng mũi tiêm cho trẻ cũng như thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm, đã có nhiều vaccine phối hợp được sản xuất. Hiện nay, tại Việt Nam, có các loại vaccine sau có chứa thành phần bạch hầu:

  • DPT: (DTwP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà toàn tế bào.
  • ComBeFive và SII có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
  • Adacel và Boostrix: (DTaP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà vô bào.
  • Td: có 2 thành phần bạch hầu và uốn ván.
  • Tetraxim: có 4 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt.
  • Pentaxim: có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
  • Infanrixhexa và Hexaxim: có 6 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

 

Trong các vaccine trên, ComBeFive, SII, DPT là các vaccine của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các vaccine này được Chính phủ chi ngân sách mua để tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định. Các vaccine còn lại là vaccine ngoài chương trình, phải trả phí khi tiêm chủng. Infanrix Hexa, Hexaxim và Pentaxim là những vaccine có thể lựa chọn để tiêm chủng các mũi cơ bản theo lịch Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

 

Lịch tiêm chủng vaccine bạch hầu bắt buộc và khuyến cáo

Lịch tiêm chủng bắt buộc vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu gồm 3 liều cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi, và 1 liều tiêm nhắc thứ tư lúc trẻ 18 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc là rất cần thiết vì nó giúp kéo dài hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu ít nhất 5 năm. Liều lượng thuốc trong mỗi lần tiêm là 0,5ml và được tiêm bắp ở vị trí 1/3 giữa mặt ngoài đùi. Ngoài lịch tiêm chủng bắt buộc nêu trên, vaccine bạch hầu được khuyến cáo tiêm nhắc vào các độ tuổi từ 4 – 7 tuổi, từ 12-15 tuổi và sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm bằng các vaccine DTaP, Td, Tdap.

 

 

Một yêu cầu quan trọng để đảm bảo miễn dịch cộng đồng của bệnh bạch hầu chính là đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên từ 95% trở lên ở các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng xa, nơi tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.

 

Tại sao tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn xuất hiện ổ dịch bạch hầu?

Có thể thấy rằng việc tiêm chủng vaccine bạch hầu là một trong những biện pháp rất hiệu quả trong ngăn ngừa mắc bệnh và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh, đặc biệt ở nhóm đối tượng nguy cao là trẻ nhỏ. Việc tiêm chủng đủ 4 mũi vaccine DPT hoặc DPT-VGB-Hib khi dưới 1 tuổi và tiêm nhắc 1 mũi vaccine khi trẻ ngoài 1 tuổi sẽ giúp cho trẻ được phòng bệnh trong khoảng 10 năm. Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã giúp tạo nền tảng miễn dịch cộng đồng, giúp cho hàng trăm ngàn trẻ em không mắc bệnh bạch hầu trong nhiều năm qua.

 

Tuy nhiên trong thời gian trở lại đây, vẫn xuất hiện các ổ dịch lẻ ở một số địa điểm, thường là ở khu vực vùng núi cao, vùng khó khăn với quy mô xã hoặc thôn/bản. Khảo sát cho thấy, các khu vực này là các khu vực có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp, và điều này sẽ tạo ra các khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng, từ đó gia tăng nguy cơ xuất hiện ca bệnh. Đối với nhóm trẻ lớn và người lớn nếu không được tiêm nhắc lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh do miễn dịch giảm dần theo thời gian.

 

Các biện pháp khác trong phòng bệnh bạch hầu

Để phòng bệnh bạch hầu, cần thực hiện các biện pháp dự phòng như sau:

  • Đưa trẻ đi tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.
  • Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly,đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

 

Tổng kết

Bệnh bạch hầu là bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người, thông qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của người bệnh qua đường hô hấp, hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có dính dịch tiết của người bệnh. Bệnh có thể để lại các biến chứng nặng nề và lây lan thành dịch.

 

Tiêm ngừa vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vaccine phòng bệnh bạch hầu hiện nay được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cùng với 5 bệnh khác và được cung cấp miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi quy định. Việc tiêm vaccine bạch hầu đúng thời điểm, đủ số mũi là biện pháp không chỉ phòng bệnh cho bản thân mà còn cho toàn cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về việc Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu
  2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, Tìm hiểu về vaccine phòng bệnh bạch hầu, truy cập tại: https://hcdc.vn/tim-hieu-va-vac-xin-phong-benh-bach-hau-9e15f8cc5a509a215ef3d9f6c0c62199.html
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31804499

Tham khảo thêm thông tin tại: Phản đối tiêm chủng và những hệ quả

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

  • 28/03/2025

    Tin vui cho những người có thói quen ăn gừng và uống trà gừng

    Gừng đã được sử dụng từ rất lâu đời trong y học và cả ẩm thực, thói quen ăn gừng, uống trà gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tin vui là các nhà khoa học tiếp tục phát hiện ra một công dụng mới của gừng đối với sức khỏe đường ruột.

  • 28/03/2025

    5 loại thực phẩm bổ sung có thể gây tiêu chảy

    Nếu bạn có thói quen sử dụng thực phẩm bổ sung để tăng cường sức khỏe hàng ngày, thì chắc chắn, bạn cũng là người đang ưu tiên áp dụng các lựa chọn cho lối sống lành mạnh.

Xem thêm