Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạn có nên ngừng ăn cá vì sợ nhiễm thủy ngân?

Thủy ngân đang trở thành mối lo ngại sức khỏe khi có nhiều tin đồn rằng kim loại nặng này có nồng độ cao trong cá và các loại hải sản. Việc tiêu thụ quá nhiều thủy ngân có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt với phụ nữ có thai và trẻ em.

Cá là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất cho sức khỏe. Cá là nguồn cung cấp protein, vi chất dinh dưỡng và chất béo lành mạnh tuyệt vời. Tuy nhiên, một số loại cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao, gây độc cho cơ thể.

Tại sao thủy ngân gây độc cho cơ thể?

Thủy ngân là một kim loại nặng có trong không khí, nước và đất. Thủy ngân được giải phóng ra môi trường theo nhiều cách, thông qua các quá trình công nghiệp như đốt than hoặc các hiện tượng thiên nhiên như núi lửa phun trào.

Có ba dạng thủy ngân chính - nguyên tố (kim loại), vô cơ và hữu cơ.

Con người có thể tiếp xúc với chất độc này theo nhiều cách, chẳng hạn như hít phải hơi thủy ngân trong quá trình khai thác mỏ và làm việc trong các hoạt động công nghiệp. Bạn cũng có thể tiếp xúc với chất độc này khi ăn cá và động vật có vỏ vì những loài động vật này hấp thụ một lượng nhỏ nồng độ thủy ngân có trong nguồn nước bị ô nhiễm. Theo thời gian, metyl thủy ngân - dạng hữu cơ - có thể tích tụ trong cơ thể chúng.

Metyl thủy ngân cực kỳ độc hại, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi tích lũy đạt đến một mức độ nhất định trong cơ thể bạn.

Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân rất cao

Lượng thủy ngân trong cá và các loại hải sản khác phụ thuộc vào loài và mức độ ô nhiễm trong môi trường sống của chúng. Một nghiên cứu từ năm 1998 đến năm 2005 phát hiện ra rằng 27% cá từ 291 con suối trên khắp Hoa Kỳ chứa nhiều thủy ngân hơn mức giới hạn khuyến nghị.

Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng một phần ba số cá đánh bắt ở bờ biển New Jersey (Hoa Kỳ) có hàm lượng thủy ngân cao hơn 0,5ppm - mức có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho những người thường xuyên ăn loại cá này.

Nhìn chung, những loại cá lớn hơn và sống lâu hơn có xu hướng chứa nhiều thủy ngân, bao gồm: cá mập, cá kiếm, cá ngừ tươi, cá marlin, cá thu vua… Những loài cá lớn hơn có xu hướng ăn nhiều loại cá nhỏ hơn, bản thân những cá nhỏ này cũng đã chứa một lượng nhỏ thủy ngân. Vì thủy ngân không dễ bài tiết ra khỏi cơ thể nên hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ tích tụ theo thời gian. Quá trình này được gọi là tích tụ sinh học.

Nồng độ thủy ngân trong cá được đo bằng đơn vị phần triệu (ppm). Sau đây là mức trung bình trong các loại cá và hải sản khác nhau, từ cao nhất đến thấp nhất:

  • Cá kiếm: 0,995 ppm
  • Cá mập: 0,979 ppm
  • Cá thu vua: 0,730 ppm
  • Cá ngừ mắt to: 0,689 ppm
  • Cá marlin: 0,485 ppm
  • Cá ngừ đóng hộp: 0,128 ppm
  • Cá tuyết: 0,111 ppm
  • Tôm hùm Mỹ: 0,107 ppm
  • Cá trắng: 0,089 ppm
  • Cá trích: 0,084 ppm
  • Cá hồi chấm: 0,071 ppm
  • Cua: 0,065 ppm
  • Cá tuyết chấm đen: 0,055 ppm
  • Cá thu Đại Tây Dương: 0,050 ppm
  • Tôm càng: 0,035 ppm
  • Cá minh thái: 0,031 ppm
  • Cá da trơn: 0,025 ppm
  • Mực: 0,023 ppm
  • Cá hồi: 0,022 ppm
  • Cá cơm: 0,017 ppm
  • Cá mòi: 0,013 ppm
  • Hàu: 0,012 ppm
  • Sò điệp: 0,003 ppm
  • Tôm: 0,001 ppm

Vậy con người có nên hạn chế ăn cá và động vật có vỏ?

Cá là nguồn axit béo omega-3 quan trọng và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Trong chế độ ăn lành mạnh, chúng ta được khuyến nghị nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá mỗi tuần. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyên những người có nguy cơ cao bị ngộ độc thủy ngân - chẳng hạn như phụ nữ mang thai hoặc cho con bú - nên ghi nhớ các khuyến nghị sau:

  • Ăn 2–3 khẩu phần (227–340 gam) nhiều loại cá khác nhau mỗi tuần.
  • Chọn cá và hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp, chẳng hạn như cá hồi, tôm, cá tuyết và cá mòi.
  • Tránh hoặc hạn chế ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, chẳng hạn như cá mập, cá kiếm và cá thu vua.

Thực hiện theo những mẹo này sẽ giúp bạn tối đa hóa lợi ích của việc ăn cá đồng thời giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân.

Bạn cần lưu ý, không nên hoàn toàn tránh ăn cá và động vật có vỏ vì chúng mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng quan trọng. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với các loại chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá ngừ tươi... Thay vào đó, hãy ưu tiên chọn những loại an toàn hơn như cá hồi, tôm, cua, sò huyết... Bằng cách đa dạng hóa chế độ ăn và hạn chế tiêu thụ các loại cá có nguy cơ cao, chúng ta vẫn có thể hưởng được lợi ích dinh dưỡng từ những nguồn thực phẩm giàu chất đạm và dưỡng chất này mà vẫn giảm thiểu nguy cơ tiêu thụ thủy ngân.

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 07/09/2024

    Chuyên gia chia sẻ cách “sử dụng” thời gian hàng ngày để kéo dài tuổi thọ

    Nathan K. LeBrasseur, chuyên gia hàng đầu về lão hóa tại bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), khẳng định rằng lối sống lành mạnh chính là chìa khóa để ngăn ngừa nhiều bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

  • 07/09/2024

    Lý do bạn nên hiến máu thường xuyên

    Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Hành động này không chỉ giúp cho những bệnh nhân đang cần máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.

  • 07/09/2024

    Vũ khí bí mật chống lại viêm nhiễm phụ khoa

    Probiotics là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, thường được tìm thấy trong các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa chua hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung.

  • 07/09/2024

    Những thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt

    Trang điểm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị lực cảnh báo một số thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt.

  • 06/09/2024

    Đôi môi nói lên điều gì về sức khỏe?

    Đôi môi căng mọng, mềm mại giúp gương mặt tràn đầy sức sống. Trái lại, một vài dấu hiệu sau cho thấy đôi môi đang “lên tiếng” cảnh báo bạn cần quan tâm đến một số vấn đề sức khỏe.

  • 06/09/2024

    Béo phì ảnh hưởng đến làn da thế nào?

    Tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe làn da. Một vài vấn đề da liễu có liên hệ mật thiết với cân nặng của bạn.

  • 06/09/2024

    Những điều cần biết khi bạn dị ứng penicillin

    Dị ứng penicillin là phản ứng của hệ thống miễn dịch của bạn với thuốc kháng sinh penicillin. Kể từ những năm 1940, penicillin đã trở thành loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Nhưng một số người gặp phản ứng xấu khi sử dụng loại kháng sinh này.

  • 06/09/2024

    Nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp

    Các nghiên cứu cho thấy nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp tự nhiên và bảo vệ tim mạch.

Xem thêm