Lợi ích sức khỏe đến từ quả dứa
Dứa giàu vitamin C
Chất dinh dưỡng nổi bật nhất trong dứa (trái thơm, trái khóm) là vitamin C. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 170gr dứa có chứa đến 78,9mg vitamin C, nhiều hơn khẩu phần dinh dưỡng khuyến nghị cho phụ nữ trưởng thành (75mg vitamin C/ngày) và gần bằng của nam giới (90mg/ngày). Vitamin C tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như kích thích hấp thụ sắt, tăng cường hệ miễn dịch.
Ăn dứa có thể giúp giảm cân
Nước ép dứa hỗ trợ giảm cân và tăng cường sức đề kháng.
Hoa quả không thể trực tiếp giúp giảm cân, nhưng chúng sẽ khiến bạn no bụng mà không phải nạp vào nhiều calorie. Dứa giàu chất xơ, khi thêm vào khẩu phần ăn sẽ đem lại cảm giác no lâu.
Một nghiên cứu trên động vật được công bố trên tạp chí Food Science and Biotechnology năm 2018 chỉ ra rằng, nước ép dứa có thể giúp giảm tích tụ mỡ và tăng cường quá trình phân giải chất béo. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu trên con người về tác dụng này, dứa vẫn là thực phẩm an toàn cho quá trình giảm cân.
Mangan trong dứa giúp xương chắc khỏe
Theo Trung tâm Y tế của trường Đại học Rochester, calci và mangan đóng vai trò quan trọng để hình thành và giữ bộ xương chắc khỏe. Không chỉ vậy, mangan giúp kiềm chế bệnh loãng xương và tăng độ rắn chắc của xương.
Dứa là một trong những thực phẩm chứa mangan hàng đầu. 170gr dứa cung cấp 76% lượng mangan cần có trong khẩu phần ăn hàng ngày của một người trưởng thành (1.8-2.3mg theo RDI Hoa Kỳ 2020). Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng mangan quá liều. Khi cơ thể nạp vào hơn 11mg mangan mỗi ngày, chất này có ảnh hưởng xấu đến não, làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn nhận thức.
Ăn dứa có thể hỗ trợ tiêu hóa
Các món thịt nấu với dứa sẽ mềm và dễ tiêu hóa hơn nhờ các enzyme bromelain trong dứa.
Dứa chứa nhiều bromelain, một tổ hợp enzyme được cho thấy có nhiều công dụng, từ giảm viêm đến hỗ trợ lành vết thương. Bromelain còn được biết đến là enzyme phân giải protein. Khi protein được phân giải thành những phân tử nhỏ, ruột non hấp thu chúng tốt hơn, từ đó có thể giảm chứng khó tiêu.
Giàu chất chống oxy hóa
Không chỉ giàu dinh dưỡng, dứa còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể con người chống chọi với gốc tự do. Khi tương tác với tế bào trong cơ thể, các gốc tự do này gây ra viêm và lão hóa. Tình trạng mất cân bằng oxy hóa kéo dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh về tim, mắt và Alzheimer.
Lưu ý khi ăn dứa
Dứa là trái cây chứa khá nhiều đường, có vị chua ngọt nên có thể gây nóng khi ăn. Enzyme bromelain trong dứa có khả năng phân giải protein, tác động mạnh vào niêm mạc lưỡi và dạ dày. Do đó, nếu ăn dứa khi đói hoặc ăn quá nhiều, bạn sẽ có cảm giác tê rát lưỡi, bụng nôn nao, khó chịu.
Để tránh các hiện tượng này, bạn nên ăn dứa với lượng vừa phải hoặc kết hợp dứa với các chế phẩm từ sữa (sữa chua, kem). Người mắc các bệnh về dạ dày không nên ăn dứa khi chưa có chỉ dẫn của bác sỹ điều trị. Đặc biệt, chúng ta cần tránh ăn, uống nước ép dứa xanh bởi lúc này, dứa có thể gây tiêu chảy, nôn mửa.
Khi ăn dứa, bạn nên đề phòng triệu chứng dị ứng như ngứa ngáy, khó thở, nổi mề đay, đau bụng quằn quại. Trong trường hợp này, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, đề phòng dấu hiệu sốc phản vệ. Người có cơ địa mẫn cảm hoặc trẻ nhỏ nên ăn dứa đã xào, nấu, vì tác động của nhiệt giúp giảm đi phần lớn các tác nhân gây dị ứng trong dứa.
Enzyme bromelain có thể tương tác với thuốc chống đông máu, gây nguy hiểm với người có nguy cơ chảy máu (người sắp phẫu thuật, phụ nữ băng huyết, bà bầu). Những đối tượng này cần thận trọng, tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi thêm dứa vào chế độ ăn hàng ngày.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trị sỏi mật bằng quả dứa có hiệu quả không?