Theo BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu, đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Đây là bệnh lý thường gặp và nguy hiểm. Tuy nhiên nếu được phát hiện, điều trị bệnh đúng và kịp thời sẽ làm giảm biến chứng, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân được chẩn đoán suy tim, việc tuân thủ điều trị là rất cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, thay đổi thực đơn theo chế độ ăn chuyên biệt cho bệnh suy tim.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bị suy tim, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh suy tim cũng rất cần thiết, góp phần hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh, làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, ho, phù...
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân suy tim. Người bệnh suy tim cần thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo của bác sĩ. Chế độ dinh dưỡng cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn của bệnh để hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh, giúp người bệnh suy tim cải thiện chất lượng sống.
Chế độ ăn phù hợp góp phần hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh suy tim.
Chế độ ăn giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh
Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp chống viêm, làm giảm bớt tình trạng phù nề, khó thở, mệt mỏi, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy tim.
Các thực phẩm tốt cho tim giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh
Giảm nguy cơ suy tim tiến triển, nhập viện và tử vong.
Thực phẩm lành mạnh giúp bệnh nhân suy tim cải thiện sức khỏe tổng thể
Giúp bệnh nhân duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân suy tim
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân suy tim cũng cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để hỗ trợ điều trị, cải thiện sức khỏe. Dưới đây là một số dưỡng chất quan trọng:
Vitamin B1 (Thiamin)
Vitamin B1 có chức năng hỗ trợ cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn. Thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến mệt mỏi, yếu cơ, khó thở.
Các thực phẩm giàu vitamin B1 bao gồm: thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt.
Vitamin D
Giúp cơ thể hấp thu canxi, cần thiết cho sức khỏe của tim và xương. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến suy tim, loãng xương, yếu cơ.
Các thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: cá béo, trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa tăng cường, nấm.
Kali cần thiết cho bệnh nhân suy tim
Bệnh nhân suy tim nên ăn thực phẩm có kali vì chúng rất cần cho hoạt động của tế bào cơ tim, giúp điều hòa huyết áp, nhịp tim. Bệnh nhân suy tim thường bị giảm kali do tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu.
Thiếu kali có thể dẫn đến nhịp tim không đều, yếu cơ, chuột rút. Các thực phẩm giàu kali bao gồm: thịt lợn nạc, bông cải xanh, bơ, nho, chuối, khoai lang, rau bina, cà chua, bắp cải, đậu nành, đỗ các loại, các sản phẩm từ sữa.
Magie
Magie là một khoáng chất cần thiết giúp cơ bắp hoạt động bình thường, điều hòa huyết áp. Thiếu magie có thể dẫn đến nhịp tim không đều, yếu cơ, chuột rút.
Các thực phẩm giàu magie bao gồm: các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, đậu nành, các sản phẩm từ sữa.
Coenzyme Q10 (CoQ10)
Là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tim khỏi tổn thương. CoQ10 có thể giúp cải thiện các triệu chứng suy tim như mệt mỏi, khó thở.
CoQ10 được tìm thấy trong một số thực phẩm như thịt, cá, trái cây, rau xanh. Tuy nhiên, lượng CoQ10 trong thực phẩm thường không đủ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân suy tim. Do đó, bệnh nhân suy tim có thể cần bổ sung CoQ10 dưới dạng thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài những dưỡng chất trên, bệnh nhân suy tim cũng cần bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất khác như vitamin C, vitamin E, selen, kẽm, acid béo omega-3.
Trái cây, rau xanh tốt cho người bệnh suy tim. Ảnh minh họa.
3. Một số nguyên tắc chung trong chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim
Người bệnh suy tim nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt
Trái cây và rau quả chứa ít calo, có thể giúp người bệnh duy trì cân nặng khỏe mạnh. Chúng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, nhiều chất xơ, giúp cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol - những tác nhân khiến cho bệnh suy tim tiến triển nhanh hơn.
Các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe tim mạch, làm giảm hấp thu cholesterol, hạn chế hình thành mảng xơ vữa. Rau xanh, trái cây cũng là thực phẩm chứa chất chống oxy hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số trái cây tốt đối với bệnh tim mạch như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, lycopene trong cà chua có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ...
Chọn thực phẩm giàu protein nạc
Protein nạc giúp cơ thể phục hồi, duy trì sức mạnh cơ bắp. Các nguồn protein nạc tốt bao gồm cá, thịt gà, đậu nành, các sản phẩm từ sữa ít béo.
Người bệnh suy tim nên ăn cá, thịt gia cầm (bỏ da), thịt nạc hoặc các thực phẩm được chế biến từ những nguồn đạm ít béo như trứng, dầu hạt cải, đậu nành… Không nên ăn quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt muối...
Giảm tiêu thụ muối
Bệnh nhân suy tim cần hạn chế lượng muối tiêu thụ.
Tiêu thụ quá nhiều muối (natri) có thể dẫn đến giữ nước ở những người bình thường. Ở những người bị suy tim, lượng natri dư thừa gây ra các biến chứng như phù nề, tăng huyết áp khó kiểm soát, làm nặng hơn tình trạng suy tim hiện có.
Người bệnh suy tim ăn nhiều muối sẽ làm tăng giữ nước và phù, ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh. Vì vậy, cần hạn chế tối đa lượng muối sử dụng trong chế độ ăn uống, càng ăn nhạt càng tốt. Lượng muối khuyến nghị cho bệnh nhân suy tim thường là dưới 2g mỗi ngày. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng cần loại bỏ muối hoàn toàn. Người bệnh cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh suy tim cần tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo
Bệnh nhân suy tim luôn được khuyên giảm tối đa chất béo khi ăn. Cụ thể, hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán...
Thực phẩm chứa nhiều chất béo và giàu calo góp phần gây béo phì và các biến chứng đối với bệnh nhân tim mạch. Chất béo bão hòa từ động vật, đặc biệt khi kết hợp với carbohydrate có thể tác động xấu đến sức khỏe của tim.
Bệnh nhân suy tim nên kiểm soát lượng nước uống
Người bệnh suy tim không nên uống quá nhiều nước, phải hạn chế nước đưa vào để giảm tải cho tim, tùy theo tình trạng bệnh để cân bằng lượng nước hằng ngày. Lượng nước khuyến nghị cho bệnh nhân suy tim thường là 1,5-2 lít mỗi ngày. Hạn chế lượng nước giúp giảm bớt tình trạng phù nề.
Bệnh nhân suy tim cần bỏ uống rượu, bia, không hút thuốc lá
Càng uống nhiều rượu, bia càng nguy hiểm với người bệnh tim như gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, cơ tim giãn nở dẫn đến suy tim, khiến cho tình trạng bệnh ngày càng xấu đi. Rượu, bia làm ngăn cản tim bơm máu tốt như trước đây và có thể làm suy yếu cơ tim. Tốt nhất nên tránh rượu bia dưới mọi hình thức, kể cả rượu vang.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Các hóa chất trong thuốc lá có thể trực tiếp làm hỏng các động mạch và góp phần gây ra chứng suy tim sung huyết. Thuốc lá chứa nicotin kích thích khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp, khó thở, tức ngực, đau ngực cho người bệnh suy tim.
Vì vậy tốt nhất là người bệnh suy tim không uống rượu bia, không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe và kiểm soát bệnh của mình.
Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
Các loại đồ ăn nhanh chế biến sẵn như: đồ hộp, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng, giăm bông, mì ăn liền, bánh mì, bánh ngọt, nước ngọt có gas... thường chứa nhiều muối, chất béo, đường, chất phụ gia, bảo quản làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim cần được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. Do đó, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp nhất.
Ngoài ra, bệnh nhân suy tim cũng cần lưu ý một số điều sau:
Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Thay vì ăn 3 bữa chính lớn, hãy chia nhỏ thành 5-6 bữa nhỏ để giảm bớt gánh nặng cho tim.
Nhai kỹ thức ăn: Nhai kỹ thức ăn giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm nguy cơ đầy bụng, khó tiêu.
Tránh ăn quá no: Ăn quá no có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, khó chịu.
Bệnh nhân suy tim chỉ nên bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân suy tim cũng cần tuân thủ các biện pháp điều trị khác như sử dụng thuốc, tập thể dục và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những yếu tố nguy hại trong dinh dưỡng - người bệnh suy tim cần tránh để bệnh không nặng hơn.
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.