Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm, thường gặp ở nước ta. Bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao thứ 2, chỉ sau ung thư gan.
Bệnh được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 10 - 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%.
Theo BS. Nguyễn Đức Thuyết, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân nhập viện, có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật. Phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả là vấn đề đặt ra.
1. Những ai cần tầm soát ung thư phổi?
BS. Thuyết dẫn thông tin từ Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm với chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) với 3 nhóm người gồm: Những người hút thuốc 20 bao/năm hoặc nhiều hơn; hiện tại đang hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây; tuổi từ 50 – 80.
Theo BS. Thuyết, tầm soát ung thư phổi chỉ được khuyến cáo cho người lớn có các nguy cơ cao phát triển bệnh do tiền sử hút thuốc lá và tuổi tác; người không có các vấn đề sức khỏe làm giảm năng lực hoặc tuổi thọ; người mong muốn phát hiện sớm ung thư và nếu có thể phẫu thuật nếu cần.
Theo BS. Thuyết, phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp.
(Ảnh minh hoạ)
Vì sao lại giới hạn nhóm người tầm soát ung thư phổi? BS. Thuyết đưa ra 3 lý do:
Thứ nhất, kết quả tầm soát ung thư phổi có thể gợi ý một người có ung thư phổi trong khi thực tế thì không phải ung thư. Kết quả này được gọi là dương tính giả. Dương tính giả có thể dẫn đến việc thực hiện thêm các xét nghiệm khác và phẫu thuật không cần thiết, điều này làm tăng thêm các nguy cơ cho bệnh nhân.
Thứ hai, tầm soát ung thư phổi có thể chỉ ra các trường hợp ung thư mà chưa gây ra bất cứ vấn đề gì cho bệnh nhân. Đây gọi là "chẩn đoán quá mức". Chẩn đoán quá mức có thể dẫn đến điều trị không cần thiết.
Thứ ba, tia xạ từ chụp LDCT lặp lại nhiều lần có thể là nguyên nhân gây ra ung thư ngay cả đối với người bình thường.
2. Khi nào nên dừng việc tầm soát ung thư phổi?
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm dừng lại khi người được tầm soát có tuổi cao trên 80, hoặc không hút thuốc trên 15 năm, hoặc có các vấn đề về sức khỏe khiến người đó không thể phẫu thuật nếu phát hiện ung thư phổi.
3. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Hút thuốc lá
Những người đã hút thuốc nhiều trong cuộc đời đối mặt với nguy cơ cao nhất. Tiếp xúc thụ động với khói thuốc trong thời gian dài cũng rất có hại. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường
Làm việc trong các môi trường độc hại, ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng hay tiếp xúc với khói thuốc, amiant, công nghiệp hóa dầu, nhựa, khí đốt… cũng là yếu tố gia tăng khả năng mắc ung thư phổi.
Các bệnh ở phổi
Các bệnh lý mãn tính ở phổi như viêm phế quản mạn có dị sản dạng biểu bì, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các sẹo cũ, tổn thương lao… cũng có thể dẫn đến ung thư.
Bệnh ung thư phổi xuất hiện rất ít dấu hiệu sớm, phần lớn người bệnh được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển và di căn nhiều nơi. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi được khuyến khích chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để sàng lọc ung thư.
4. Ba dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư phổi
Thông tin từ khoa Nội 1, Bệnh viện K, mặc dù hầu hết những trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng một số người vẫn có thể thấy những dấu hiệu sớm của bệnh.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng những triệu chứng này có thể liên quan đến nhiều bệnh khác chứ không chỉ là dấu hiệu của ung thư phổi. Lời khuyên đặt ra là nếu phát hiện bất kỳ thay đổi nào của cơ thể, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để loại trừ khả năng bị bệnh.
Ho nhiều
Ho là triệu chứng thường gặp nhưng cũng dễ bị bỏ qua. Qua nhiều nghiên cứu, ho biểu hiện ở 50-70% các trường hợp ung thư phổi, hầu hết người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường. Đôi khi ho đi kèm với khàn tiếng, khạc đờm nhuốm ít máu, tùy vào mức độ xâm lấn của khối u trong cơ thể.
Đây là một triệu chứng rất không đặc hiệu, có thể xảy ra khi chúng ta cảm lạnh hay mắc cúm thông thường. Nhưng nếu bạn bị ho kéo dài trong vòng vài tuần thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ.
Đau ngực
Là triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn rất sớm hoặc cũng có thể khi khối u đã di căn đến thành ngực. Đau ngực do ung thư phổi có thể tăng lên khi bạn ho, cười hay hít thở sâu. Vì đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng khác, nên hãy nói với bác sĩ của bạn để được kiểm tra.
Khó thở, khàn tiếng
Nếu bạn nhận thấy giọng nói hay nhịp thở của mình thay đổi, hãy đề phòng. Nhận ra những triệu chứng nhỏ này có thể giúp bạn phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu của bệnh. Các vấn đề về hô hấp như thở khò khè cũng rất quan trọng và không nên bỏ qua.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Ung thư phổi - Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bệnh và điều trị.
Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?
Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.
Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.
Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.