Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ung thư vú di căn đến đâu và các dấu hiệu nhận biết mắc bệnh

Khi ung thư vú di căn có nghĩa là bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng hơn so với ung thư tại chỗ. Vậy, ung thư vú có thể di căn đến những bộ phận nào, bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ung thư vú là căn bệnh ác tính xuất phát từ tuyến vú. Nếu ở giai đoạn muộn sẽ có thể di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Nhiều người khi có kết luận mắc ung thư thường lo lắng không biết ung thư ở giai đoạn nào, và khi di căn ung thư sẽ di căn đến bộ phận nào của cơ thể và di căn đến những đâu và khi đó có những biểu hiện gì? Thực tế cũng giống như các loại ung thư khác, ung thư vú có thể di căn đến khắp cơ thể. Nhưng thường gặp ung thư vú di căn ở các bộ phận sau:

1. Ung thư vú di căn xương

Xương là một trong những vị trí phổ biến mà ung thư vú di căn tới. Vị trí xương thường bị di căn nhất là xương đốt sống, xương sườn, xương sọ, xương chậu, hoặc xương cánh tay và xương đùi.

Triệu chứng của ung thư vú di căn xương là người bệnh đau nhức nhiều ở các xương. Có khi khối u phá hủy xương khiến người bệnh dễ gãy xương. Ung thư di căn xương cột sống có thể chèn ép tủy sống, người bệnh bị liệt, không làm chủ được đại tiểu tiện.

Tình trạng di căn xương ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, các biểu hiện thường thấy là đau nhiều, mất ngủ và ăn uống kém. Gãy xương do khối di căn rất khó lành.

Người bị di căn xương cột sống chèn ép tủy không thể kiểm soát được việc đại tiểu tiện. Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện thấy di căn xương.

Ung thư vú có thể di căn vùng hoặc di căn xa.

2. Ung thư vú di căn gan

Ung thư vú có tỷ lệ cao di căn gan. Tế bào ung thư theo đường máu tới gan và "mắc kẹt" tại đây, phát triển thành các khối di căn. Khối di căn chèn ép các phần gan lành gây đau đớn cho người bệnh và làm suy giảm chức năng gan.

Các triệu chứng của ung thư vú di căn gan là đau tức vùng gan do khối di căn phát triển. Người bệnh vàng da, vàng mắt do tế bào gan bị phá hủy, chán ăn, mệt mỏi, suy kiệt do chức năng gan bị rối loạn. Khối di căn vỡ gây mất máu và giải phóng các chất độc vào máu. Có thể dẫn tới tử vong. Di căn gan có thể được phát hiện bằng siêu âm ổ bụng tổng quát hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.

3. Ung thư vú di căn phổi

Ung thư vú di căn xảy ra khi tế bào ung thư lây lan từ khối u nguyên phát tại vú ra các cơ quan khác trên cơ thể, như phổi… Con đường di căn có thể thông qua hệ bạch huyết hoặc máu. Các hạch bạch huyết ở giữa ngực cũng có thể bị di căn.

Ung thư vú di căn phổi khác với ung thư phổi nguyên phát. Các tế bào ung thư đã lan tới phổi là tế bào ung thư vú. Ung thư vú di căn thông thường xảy ra sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau ung thư vú nguyên phát. Nhưng đôi khi chúng được phát hiện cùng lúc hoặc trước khi chẩn đoán ung thư vú nguyên phát.

Các triệu chứng của ung thư vú di căn phổi là người bệnh đau ngực. Người bệnh ho, khó thở, có khi suy hô hấp. Đôi khi có dịch trong màng phổi. Khối di căn có thể chèn ép gây xẹp phổi. Ung thư di căn phổi có thể phát hiện bằng chụp Xquang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

4. Ung thư vú di căn hạch bạch huyết

Tế bào ung thư tấn công các hạch bạch huyết đầu tiên, thông qua con đường bạch huyết. Các hạch di căn thường gặp trong ung thư vú là: các hạch nách, các hạch vú trong (nằm gần xương ức), các hạch dưới xương đòn.

Triệu chứng của ung thư vú di căn hạch có các biểu hiện như: Hạch to lên, người bệnh có thể đau hoặc không đau. Hạch có thể dính da, nhiều hạch dính thành chùm. Ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phá vỡ hạch, chảy dịch hôi thối. Hạch bị phá vỡ có nguy cơ nhiễm trùng.

Mặc dù di căn hạch thường gặp nhưng ít ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Có đôi khi người bệnh không có triệu chứng khó chịu nào. Do vậy, người bệnh ung thư cần khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để bác sĩ khám hạch xem có hạch di căn không. Đây là một yếu tố quan trọng đánh giá giai đoạn bệnh.

Đối với hầu hết mọi người có ung thư vú di căn não, thì ung thư vú đã lan tới một bộ phận khác của cơ thể như là xương, gan hoặc phổi. Tuy nhiên đối với một số người thì não có thể là khu vực duy nhất bị di căn.

Các triệu chứng của ung thư vú đã lan đến não có thể bao gồm đau đầu, rối loạn về ngôn ngữ (lời nói, phát âm) hoặc suy giảm thị lực, các vấn đề bất thường khác về trí nhớ (suy giảm trí nhớ), lú lẫn.

6. Người bệnh ung thư đã di căn làm gì để vượt qua?

Sống chung với ung thư di căn là một thách thức với nhiều khó khăn, nó khác nhau tùy vào mỗi người bệnh, bao gồm: Cảm thấy khó chịu khi ung thư trở lại, có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, buồn chán, hoặc cảm giác như không ai hiểu được những gì bạn đang trải qua, thậm chí là người thân của bạn.

Sự lo lắng rằng việc điều trị sẽ không hiệu quả, và bệnh ung thư của bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Chính vì vậy, người bệnh nên bình tĩnh, cần phải đối mặt với các xét nghiệm kiểm tra và các quyết định điều trị.

Chia sẻ về tình trạng bệnh của bạn với gia đình và bạn bè. Khi cảm thấy kiệt sức hoặc gặp phải các tác dụng phụ từ điều trị, bạn cần có sự giúp đỡ, ngay cả những hoạt động thường ngày. Người bệnh nên tìm sự hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc gặp gỡ bạn bè người thân để biết được những lời khuyên giúp giải quyết thay đổi về cảm xúc lối sống để đương đầu với căn bệnh này. Ngoài ra, tập luyện để giúp giảm bớt căng thẳng như: tập thiền, tập yoga, thể thao...

Nói tóm lại, khi bệnh ung thư của bạn đã di căn xa, bạn cần bình tĩnh, trao đổi với bác sĩ điều trị của mình, xác định đúng mục tiêu và nguyện vọng của bạn ở thời điểm đó để đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất. Sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ sẻ chia của gia đình, bạn bè và xã hội sẽ giúp bạn vượt qua được những thách thức của bệnh nhân ung thư di căn, nhằm kéo dài cuộc sống cho bạn với chất lượng tốt nhất. Mọi người đều có thể sống lâu dài nhiều năm với bệnh ung thư di căn. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể trong suốt thời gian này.

Với người bệnh ung thư vú tái phát di căn thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Tùy vào sức khỏe bệnh nhân, giai đoạn và phương pháp điều trị trước đây, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh điều trị ung thư vú nên tái khám 3 tháng/lần trong 2 năm đầu và 6 tháng/lần trong 03 năm tiếp theo để phát hiện và kịp thời điều trị.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Ung thư vú ở trẻ vị thành niên.

BS. Phương Thúy - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm