Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ung thư được chữa trị bằng cách nào?

Ngày nay bác sĩ phân biệt được cả trăm loại ung thư, biết khối u nằm ở đâu, diễn tiến thế nào và tùy loại, tùy giai đoạn mà dùng phẫu trị, xạ trị, hóa trị, nhắm trúng đích hay kết hợp đa mô thức để điều trị.

Gánh nặng ung thư toàn cầu gia tăng nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trong vòng 20 năm tới, gánh nặng ung thư tăng 57% với 21,7 triệu người mắc bệnh, 13 triệu người sẽ chết vì ung thư. Nguyên nhân chủ yếu là sự tăng dân số địa cầu, sự lão hóa dân số, sự ô nhiễm môi trường sống.

Cuộc chiến chống ung thư vẫn còn đặt nhiều thách thức nhưng y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong việc tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý bệnh.

Những tiến bộ trong định bệnh

Nội soi

Một ống mềm, đầu có gắn một camera nhỏ, là dụng cụ nội soi được đưa vào các hốc và cơ quan trong cơ thể cho phép thầy thuốc thấy được vùng có tổn thương nghi ngờ. Ngày nay có rất nhiều loại nội soi để thấy các vùng đặc hiệu trong cơ thể và khi cần làm sinh thiết tổn thương nghi ngờ.

Siêu âm

Siêu âm không thể phân biệt chính xác một bướu lành và bướu ác. Các bác sĩ thường dùng siêu âm xác định vị trí để đâm kim làm sinh thiết lấy một mẫu mô nhỏ hoặc chọc hút một chút chất dịch để xem trên kính hiển vi. Siêu âm là loại xét nghiệm rất an toàn, không gây hại, giá rất rẻ so với CT và MRI.

Cắt lớp điện toán (chụp CT)

CT cho thấy được hình dạng, kích thước, thể tích và vị trí của khối ung thư và có thể phát hiện được các mạch máu đến nuôi khối bướu. Ở một số trường hợp, CT có thể giúp bác sĩ xác định được một bướu lành hoặc một bướu ác. Rà CT đặc biệt hiệu quả khi dùng để phát hiện và đánh giá ung thư nằm ở gan, tuyến tụy, tuyến thượng thận, phổi và xương. Cũng được dùng để biết được các ung thư ruột, thực quản, dạ dày và não, giúp xác định thời kỳ của ung thư. Lặp lại CT nhiều lần giúp biết khối ung thư đáp ứng với việc điều trị ra sao, cũng như có thể tìm ra bệnh tái phát.

Cộng hưởng từ (chụp MRI)

Cộng hưởng từ có thể xem bất cứ phần nào của cơ thể, đặc biệt thuận lợi để phát hiện và định vị ung thư của hệ thần kinh trung ương, đầu, cổ và hệ xương cơ, cũng giúp bác sĩ tính trước được chiến lược mổ hoặc xạ trị. MRI đắt hơn CT, nhưng không bị tác hại của tia X như khi chụp CT.

PET (Positron Emission Tomography)

Dùng một liều nhỏ chất đường đồng vị phóng xạ tiêm vào người bệnh cho các ảnh màu của các biến đổi hóa học trong các mô. Một máy rà cho thấy nơi chất đường được phân phối, rồi tạo ra một hình ảnh. Các khối ung thư thường hoạt động mạnh hơn mô bình thường, sẽ hiện ra khác thường ở hình ảnh PET.

Kết hợp PET/CT. Hai loại máy dùng đồng thời cho hình ảnh toàn diện về vị trí của khối bướu, mức tăng trưởng và lan tràn rõ hơn là riêng từng loại.

Chẩn đoán bệnh học (giải phẫu bệnh)

Thầy thuốc không dừng lại ở chỗ xác định có khả năng là ung thư rồi thôi. Phải có được chẩn đoán chính xác nhất nhờ làm sinh thiết. Một mẫu mô nhỏ được lấy bằng phẫu thuật và được quan sát trên kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư. Sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh định được rõ ràng loại ung thư. Việc điều trị hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả này.

Y học đổi đời nhờ chẩn đoán phân tử

Mới đây xét nghiệm sinh học phân tử cho biết được các xáo trộn gen (đột biến) của vài loại tế bào ung thư như phổi, vú, ruột già... Chẩn đoán phân tử được dùng để phân tích các dấn ấn sinh học ung thư có thể giúp thầy thuốc chọn liệu pháp tốt nhất cho các người bệnh. Một xu hướng mới về chẩn đoán phân tử đang có phát triển, ví dụ về các dấu ấn sinh học ung thư.

Các phương pháp điều trị hiện đại (liệu pháp nhắm trúng đích)

Các phương pháp điều trị ung thư.

Phẫu trị (mổ)

Thường được dùng nhất, lưỡi dao mổ bứng tận gốc khối bướu. Mổ đúng cách là phương pháp điều trị tốt nhất cho nhiều loại ung thư còn khu trú tại chỗ, tại vùng. Ngày nay lưỡi dao mổ dịu dàng hơn. Dần dần các bác sĩ bớt mổ rộng. Nhiều phụ nữ có thể được bảo tồn vú bằng cách chỉ mổ lấy khối bướu vú kèm xạ trị sau mổ. Cắt xương và bướu của cơ bắp ở tứ chi mà không phải cắt chi. Tránh để hậu môn nhân tạo khi mổ cắt ung thư trực tràng.

Hiện các bác sĩ phối hợp nhuần nhuyễn với xạ, hóa trị và các phương pháp mới. Phẫu thuật nội soi mang đến nhiều điều kỳ diệu. Chỉ cần rạch vài lỗ nhỏ ngoài da để nhìn và thao tác trong bụng, trong lồng ngực. Mổ lấy các khối bướu thông qua các ống đưa tới ruột, thực quản hoặc bọng đái. Các thiết bị dùng kỹ thuật sợi cáp quang và máy ghi hình giúp các bác sĩ nhìn vào trong cơ thể. Có thêm cách mới phá bỏ các khối bướu như dùng tia laser cắt hoặc đốt bỏ các ung thư ở cổ tử cung, thanh quản, gan, trực tràng; các sóng radio cao tần được truyền tới một ăng ten đặt trong khối bướu để đốt các tế bào ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia phóng xạ diệt tế bào ung thư. Đầu thế kỷ 20, các tia phóng xạ (tia X, tia gamma) được dùng tàn phá các khối bướu ác tính. Ngày nay các chùm tia trở nên thần kỳ hơn. Xạ trị ngoài dùng các máy gia tốc bắn tia từ bên ngoài cơ thể. Xạ trị trong dùng các máy đưa nguồn phóng xạ vào sát khối bướu. Xạ trị trong cuộc mổ giúp đưa liều xạ mạnh tới thẳng khối ung thư.

Hóa trị

Dùng các loại hóa chất luân lưu trong cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư trôi nổi trong dòng máu hoặc các ổ ung thư lan tràn. Bác sĩ có thể dùng hóa trị trước mổ để làm nhỏ khối bướu. Hóa trị hỗ trợ sau mổ đi khắp cơ thể để diệt các tế bào rơi rớt sau mổ. Các tiến bộ với nhiều thuốc mới, phối hợp nhiều thuốc, truyền thuốc an toàn tiện lợi, thuốc bắt đúng các tế bào ung thư có các thuốc nội tiết mới giúp điều trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.

Sinh trị (liệu pháp nhắm trúng đích)

Mới đây các nhà khoa học có thể xác định các gen hư hại, xáo trộn gen hay đột biến gen gây ung thư. Phương pháp nhắm đúng vào đó mà tấn công để điều chỉnh xáo trộn gen được gọi là liệu pháp nhắm trúng đích. Các thuốc được dùng là các thuốc sinh học nên cách thuộc nhóm sinh trị. Ngày càng thêm các thuốc mới.

Liệu pháp đa mô thức phối hợp nhuần nhuyễn phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích...

Không có một phương pháp nào trị được mọi loại ung thư. Một loại ung thư thường cần kết hợp nhiều cách trị. Ví dụ ung thư vú được mổ đúng cách, có khi cần hỗ trợ bằng xạ trị hoặc hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

Nhiều thành tựu về điều trị

Ngày nay bác sĩ phân biệt được cả trăm loại ung thư, biết ung thư diễn tiến ra sao, khối u nằm đâu, lớn nhỏ, còn khu trú hoặc lan sang mô lân cận hay lan tràn xa. Tùy loại, tùy giai đoạn mà thầy thuốc dùng phẫu trị, xạ trị, hóa trị... Nay lưỡi dao mổ nhẹ nhàng hơn bứng vừa đúng vừa đủ khối bướu, tia phóng xạ bắn thật đúng liều vào thật đúng chỗ. Ung thư lan tràn nhiều nơi thì có thuốc hiệu quả hơn đi khắp người. Thuốc nhắm trúng đích sửa chữa các gen hư hại.

Phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung 90% trị tốt, ung thư tuyến giáp gần 95% trị khỏi... Thậm chí gặp căn bệnh trễ, biết tận lực tận dụng phương pháp tốt cũng làm nhẹ bệnh nhẹ người. Thầy thuốc đáng tin tưởng, tay dao vững vàng, máy xạ trị rất hiện đại, nhiều thuốc đặc trị mới hiệu quả. Phối hợp nhuần nhuyễn các kiểu điều trị hiện đại đã đem hiệu quả tốt hơn cho người bệnh.

Tỷ lệ sống còn của người mắc một số loại ung thư sau 5 năm phát hiện bệnh.

Ung thư phổi phát hiện sớm ở giai đoạn 1, kết quả trị tốt khoảng 60-70%, giai đoạn 2 khoảng 50% nhưng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm rất ít nên tổng số người được trị tốt chỉ vào khoảng 15%.

Ung thư gan còn khu trú tại chỗ, kết quả trị tốt khoảng 30%, ung thư lan ra vùng lân cận kết quả chỉ còn 10%.

Ung thư dạ dày giai đoạn 1 kết quả điều trị 50-70%. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện sớm còn thấp nên tổng số người được điều trị tốt chỉ có khoảng 25%.

Ung thư đại trực tràng là loại dễ phát hiện sớm. 40% ung thư còn khu trú kết quả điều trị tốt 90%, 30% ung thư lan ra vùng lân cận thì kết quả tốt 70%.

Đặc biệt ung thư tuyến tiền liệt, theo Hội ung thư Mỹ, kết quả điều trị tốt, tính chung cho 5 năm là gần 100%, 10-15 năm > 90%.

Ung thư cổ tử cung và ung thư vú, kết quả điều trị bệnh nhân rất phấn khởi. Nhiều người được điều trị tốt, sống còn 5 năm sau khi định bệnh và có người tiếp tục sống lâu hơn.

Theo VnExpress
Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Xem thêm