Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thực phẩm tốt cho sức khỏe có thể không bổ dưỡng như bạn nghĩ

Việc tìm kiếm các loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe ngày càng trở nên phức tạp, khi nhiều sản phẩm được quảng cáo tốt cho sức khỏe ngày càng tràn lan trên các kệ hàng.

Các công ty thường sử dụng từ ngữ hay cho nhãn sản phẩm và hoạt động tiếp thị của mình để thu hút những khách hàng. Bạn có thể gặp các từ phổ biến trên nhãn như:

  • Ít béo
  • Thuần chay
  • Không chứa gluten
  • Ít tinh bột

Thật không may, những tác dụng tốt đưa ra trên nhãn mác, được cho là lành mạnh hơn các loại thực phẩm khác, không có nghĩa là nó thật tốt cho bạn. Dưới đây là 10 loại thực phẩm có thể không tốt cho sức khỏe như những thông tin tiếp thị đưa ra.

1. Granola và thanh granola

Mọi người đã coi granola và thanh granola là thực phẩm “lành mạnh” trong nhiều thập kỷ. Mặc dù một số loại granola và thanh granola khá bổ dưỡng nhưng nhiều loại lại chứa nhiều đường và rất giàu calo.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, nhu cầu khuyến nghị/ ngày cho đường tinh chế (sugar) là 50 gam với người tiêu thụ 2.000calo mỗi ngày.

Để có sức khỏe tối ưu, tốt nhất bạn nên hạn chế lượng đường bổ sung, vì tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng sức khỏe ở cả người lớn và trẻ em. Những tình trạng sức khỏe này bao gồm:

  • Béo phì
  • Gan nhiễm mỡ
  • Bệnh tim

Thay vì mua granola làm sẵn ở cửa hàng, hãy thử tự làm granola và thanh granola tại nhà. Bạn có thể sử dụng các nguyên liệu lành mạnh hơn như các loại hạt, yến mạch và thêm vị ngọt bằng trái cây sấy khô.

2. Sữa chua có hương vị

Sữa chua có thể là một lựa chọn lành mạnh, nhưng tốt nhất bạn nên chọn sữa chua không đường bất cứ khi nào có thể.

Sữa chua có hương vị như sữa chua trái cây có thể chứa một lượng đường đáng ngạc nhiên chỉ trong một khẩu phần nhỏ. Thay vì chọn sữa chua có đường, hãy thử dùng sữa chua không đường với trái cây tươi để có chút vị ngọt tự nhiên.

3. Thức uống và thanh protein

Nhiều người có ấn tượng rằng hàm lượng protein trong thực phẩm hoặc đồ uống càng cao thì càng tốt cho sức khỏe.

Một số thực phẩm có hàm lượng protein cao tự nhiên như cá, trứng và đậu chắc chắn là những lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, những món như thanh protein và bột protein có thể không tốt cho sức khỏe như một số người nghĩ.

Nhiều người khỏe mạnh áp dụng chế độ ăn uống cân bằng không cần bổ sung thêm protein thông qua thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, những người năng động và những người theo chế độ ăn chay và thuần chay có thể được hưởng lợi từ nhiều protein hơn trong chế độ ăn của họ.

Nếu bạn cần thêm protein, bạn có thể có được điều này bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu protein hơn. Vì vậy, đối với nhiều người, việc ăn các sản phẩm bổ sung protein như thanh protein và đồ uống có thể không cần thiết để giữ sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều món trong số này còn chứa nhiều đường và các thành phần không cần thiết, như:

  • Chất làm ngọt nhân tạo
  • Màu nhân tạo
  • Dầu
  • Chất làm đặc

4. Nước uống thể thao và nước tăng lực

Trong khi các công ty tiếp thị đồ uống thể thao và nước tăng lực như những cách để tăng cường năng lượng và hiệu suất thể thao, thì những đồ uống này lại không cần thiết đối với hầu hết mọi người.

Chúng cũng có thể chứa nhiều thành phần như đường bổ sung, màu nhân tạo và một lượng lớn chất kích thích, chẳng hạn như caffeine.

Trong khi một số vận động viên cần bổ sung các chất dinh dưỡng hao hụt bằng đồ uống thể thao trong hoặc sau tập luyện cường độ cao, thì hầu hết những người tập thể dục vừa phải hoặc chỉ hoạt động bình thường hàng ngày không cần uống đồ uống thể thao để giữ nước.

Nhiều đồ uống thể thao có chứa một lượng đường đáng kinh ngạc. Tương tự như vậy, nước tăng lực có thể chứa rất nhiều đường. Những đồ uống này được tiếp thị chủ yếu cho trẻ em và thanh thiếu niên, điều này đáng báo động vì các nhà nghiên cứu đã cho thấy liên quan giữa uống đồ uống có đường với các vấn đề sức khỏe, bao gồm huyết áp cao, gan nhiễm mỡ và béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên.

5. Đồ ăn nhẹ không chứa gluten

Đối với những người bị rối loạn liên quan đến gluten, việc tránh gluten là cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi một loại thực phẩm được dán nhãn là không chứa gluten thì nó cũng chưa chắc đã tốt cho sức khỏe hơn thực phẩm có chứa gluten.

Một số đồ ăn nhẹ và đồ ngọt đã qua chế biến không chứa gluten cũng chứa nhiều calo và đường bổ sung như các món ăn nhẹ khác. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy thực phẩm ăn nhẹ không chứa gluten và các mặt hàng không chứa gluten khác có xu hướng chứa ít protein, chất xơ cũng như một số vitamin và khoáng chất hơn so với các thực phẩm có chứa gluten. Chúng thường đắt hơn.

6. Một số sản phẩm ít béo và không béo

Chỉ vì thực phẩm ít chất béo không có nghĩa đó là lựa chọn lành mạnh hơn. Các nhà sản xuất thực phẩm thường thay thế chất béo bằng đường trong các sản phẩm ít chất béo và không chứa chất béo để bù đắp cho sự mất đi hương vị.

Hơn nữa, các sản phẩm không chứa chất béo có thể ít gây no hơn so với các phiên bản đầy đủ chất béo vì chất béo là chất dinh dưỡng đa lượng hỗ trợ cảm giác no và khiến thức ăn trở nên dễ chịu hơn khi ăn.

Chất béo là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của bạn và ăn thực phẩm giàu chất béo bổ dưỡng có thể giúp bạn thu được lợi ích từ chúng.

7. Ngũ cốc ăn sáng

Nhiều người cho rằng ngũ cốc ăn sáng là cách thông minh để bắt đầu ngày mới. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, nhiều loại ngũ cốc ăn sáng được làm bằng ngũ cốc tinh chế, thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng như protein và chất xơ, đồng thời có thể chứa rất nhiều đường bổ sung. Ngay cả ngũ cốc bán cho người lớn cũng có thể được bổ sung thêm đường.

Trên thực tế, chế độ ăn nhiều đường có thể gây tác dụng ngược. Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan của chế độ ăn nhiều đường với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các yếu tố nguy cơ bệnh tim, bao gồm huyết áp cao và tăng mỡ máu triglycerid.

8. Một số loại dầu thực vật

Cơ thể bạn cần cả chất béo omega-6 và chất béo omega-3 như axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) để hoạt động. Thật không may, chế độ ăn hiện đại có tỷ lệ omega-6 quá cao, khoảng 20:1, vượt xa nhu cầu omega-6 của cơ thể.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự mất cân bằng giữa tỷ lệ omega-6 và omega-3 có liên quan đến tình trạng viêm toàn thân và các nghiên cứu cho thấy nó có thể góp phần gây ra nguy cơ mắc bệnh.

Hầu hết những người ăn theo chế độ phương Tây đều tiêu thụ quá nhiều chất béo giàu omega-6 và không đủ omega-3. Vì lý do này, tốt nhất bạn nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-6. Bao gồm:

  • Dầu đậu nành
  • Dầu ngô
  • Dầu hướng dương

Các sản phẩm được làm từ các loại dầu này, bao gồm nhiều loại thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói sẵn. Một giải pháp khác là tăng lượng omega-3 hấp thụ. Các nguồn cung cấp omega-3 tốt bao gồm:

  • Dầu hạt lanh
  • Cá béo, như cá hồi
  • Quả óc chó

9. Sinh tố làm sẵn

Sinh tố tự làm có thể là một lựa chọn bổ dưỡng và là cách thuận tiện để bạn tăng cường tiêu thụ trái cây và rau quả. Tuy nhiên, sinh tố và sinh tố làm sẵn từ một số chuỗi nhà hàng nhất định có chứa một lượng lớn calo và đường.

Nếu bạn mua sinh tố khi đi ra ngoài, hãy nhớ đọc nhãn thành phần trước khi gọi món. Nhiều cửa hàng sinh tố cung cấp các mặt hàng làm từ sữa chua đông lạnh, nước trái cây và các chất phụ gia chứa nhiều đường khác.

10. Nước ngọt dành cho người ăn kiêng

Mặc dù soda dành cho người ăn kiêng không chứa đường và nói chung là không chứa calo, nhưng các nghiên cứu cho thấy những người uống soda dành cho người ăn kiêng thường xuyên có nhiều khả năng mắc một số vấn đề sức khỏe nhất định hơn những người không uống nó.

Ví dụ, nó cũng liên quan đến nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn, một nhóm triệu chứng bao gồm tăng mỡ bụng, lượng đường trong máu, huyết áp và lượng mỡ trong máu.

Nghiên cứu cho thấy rằng soda dành cho người ăn kiêng có thể góp phần gây ra những vấn đề sức khỏe này bằng cách thay đổi phản ứng của não với thức ăn, làm tăng cảm giác thèm ăn những món ăn ngon miệng như đồ ngọt giàu calo.

Hồng Ngọc - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm