Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thiếu Iốt

Thiếu iốt có thể khiến tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, gây ra các tình trạng sức khỏe khác, bao gồm bướu cổ và suy giáp.

Thiếu iốt ảnh hưởng đến khoảng 2,2 tỷ người trên toàn thế giới. Bệnh này phổ biến nhất ở các nước đang phát triển - nơi mọi người có thể không tiếp cận được với đủ thực phẩm lành mạnh. Nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến những người có chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc cơ thể không xử lý iốt đúng cách.

Phụ nữ mang thai và người đang cho con bú cần nhiều iốt hơn. Do đó, họ có khả năng bị thiếu hụt nếu không tiêu thụ thực phẩm giàu iốt hoặc uống chất bổ sung có chứa iốt, chẳng hạn như các loại vitamin trước khi sinh.

Iốt là gì?

Cơ thể bạn cần một lượng iốt nhất định để tạo ra hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp kiểm soát sự trao đổi chất của bạn và các chức năng thiết yếu khác trong cơ thể. Việc thiếu iốt có thể khiến tuyến giáp của bạn to ra, cùng với các vấn đề khác.

Cơ thể bạn không tạo ra iốt một cách tự nhiên, vì vậy chế độ ăn uống của bạn là cách duy nhất để có được iốt. Người lớn thường cần 150 microgam (mcg) iốt mỗi ngày. Người mang thai cần 220 mcg iốt/ngày, trong khi phụ nữ đang cho con bú cần 290 mcg iốt/ngày.

Iốt được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Các nguồn có iốt bao gồm:

  • Muối ăn iốt và thực phẩm được chế biến với iốt, chẳng hạn như mì chũ nấu trong nước có muối iốt
  • Cá, bao gồm cả cá tuyết
  • Hải sản, bao gồm cả tôm và hàu
  • Rong biển
  • Trứng
  • Các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa chua, phô mai và sữa tươi
  • Thịt, bao gồm cả thịt bò và gan bò

Dấu hiệu thiếu iốt là gì?

Thiếu iốt có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến lượng hormone tuyến giáp thấp. Trẻ sơ sinh được sinh ra từ những người mang thai bị thiếu iốt có thể gặp các vấn đề vĩnh viễn. Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu iốt có thể bao gồm:

Sưng tuyến giáp ở cổ: Điều này có thể gây ra một khối u có thể nhìn thấy, được gọi là bướu cổ, hình thành trên cổ của bạn.

Đọc thêm bài viết: Hướng dẫn áp dụng chế độ ăn ít muối

Nồng độ hormone tuyến giáp thấp (suy giáp)

Suy giáp thường gây ra các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Tăng nhạy cảm với lạnh
  • Táo bón
  • Da khô
  • Tăng cân
  • Mặt sưng húp
  • Yếu cơ
  • Nồng độ cholesterol trong máu tăng cao
  • Đau hoặc cứng cơ và khớp
  • Nhịp tim chậm lại
  • Tóc mỏng
  • Trầm cảm
  • Trí nhớ kém
  • Chu kỳ kinh nguyệt nặng hơn

Ở trẻ sơ sinh, suy giáp có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Nghẹt thở thường xuyên
  • Lưỡi to
  • Mặt sưng húp
  • Táo bón
  • Trương lực cơ kém
  • Buồn ngủ cực độ

Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tình trạng này có thể gây ra:

  • Tăng trưởng kém
  • Chậm phát triển răng
  • Dậy thì muộn
  • Trí tuệ kém phát triển

Vấn đề nhận thức

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chỉ số thông minh (IQ) thấp
  • Khó học
  • Khuyết tật tâm thần (đặc biệt là ở trẻ em nếu mẹ bị thiếu iốt khi mang thai hoặc cho con bú)

Ở người mang thai

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu i-ốt ở người mang thai có thể bao gồm:

  • Phì đại tuyến giáp và bướu cổ
  • Tăng nồng độ thyroxine và triiodothyronine - hai hormone tuyến giáp
  • Nồng độ hormone kích thích tuyến giáp tăng cao

Các rối loạn và biến chứng do thiếu iốt

Khi không được điều trị, thiếu iốt có thể dẫn đến suy giáp nặng. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Bệnh tim và các rối loạn liên quan, chẳng hạn như tim to và suy tim
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và suy giảm nhận thức
  • Tổn thương dây thần kinh ngoại vi của cơ thể, được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi
  • Suy giảm rụng trứng, có thể gây vô sinh ở nữ giới

Lượng hormone tuyến giáp thấp ở người mang thai có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh của em bé trong bụng mẹ. Các vấn đề liên quan đến thai kỳ mà thiếu iốt có thể gây ra bao gồm:

  • Sẩy thai
  • Thai chết lưu
  • Sinh non
  • Dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
  • Suy giáp bẩm sinh

Khi nào bạn nên tới gặp bác sĩ?

Myxedema (bệnh phù niêm) là một biến chứng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng của bệnh suy giáp. Nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm thiếu iốt có thể gây ra bệnh phù niêm. Các triệu chứng của bệnh này có thể bao gồm:

  • Huyết áp tâm thu thấp và huyết áp tâm trương cao
  • Nhịp tim thấp
  • Không chịu được nhiệt độ lạnh
  • Mệt mỏi nhiều
  • Hôn mê

Myxedema là một tình trạng khẩn cấp cần điều trị y tế ngay lập tức. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh này, hãy gọi cấp cứu hoặc các dịch vụ khẩn cấp tại địa phương của bạn.

Làm thế nào để bạn kiểm tra tình trạng thiếu hụt iốt?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị thiếu iốt, họ thường kiểm tra nồng độ iốt của bạn để xác định chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Bạn có thể nhận được kết quả sau vài phút, nhưng nó không chính xác như một số xét nghiệm iốt khác.
  • Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm đơn giản và chính xác về nồng độ iốt trong cơ thể, nhưng mất nhiều thời gian hơn xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm miếng dán iốt: Thử nghiệm miếng dán iốt là một xét nghiệm mà các bác sĩ bôi một miếng iốt lên da của bạn và kiểm tra xem nó trông như thế nào trong 24 giờ sau đó. Thử nghiệm này không tốn kém và tương đối nhanh, nhưng có thể không chính xác như những thử nghiệm khác.
  • Xét nghiệm tải lượng iốt: Xét nghiệm này đo lượng iốt bạn bài tiết qua nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ. Bạn cần thu thập mọi mẫu nước tiểu bạn có trong khoảng thời gian 24 giờ. Nó có thể chính xác hơn các xét nghiệm khác.

Điều trị thiếu iốt

Điều trị thiếu iốt thường liên quan đến việc tăng lượng iốt của bạn. Điều này có thể bao gồm:

Ăn một chế độ ăn uống giàu iốt

Thiếu iốt được khắc phục tốt nhất bằng cách kết hợp nhiều thực phẩm có chứa iốt hơn vào chế độ ăn uống của bạn. Những người có thể không nhận đủ iốt qua thực phẩm thường bao gồm:

  • Người ăn chay
  • Người mang thai
  • Những người đang cho con bú
  • Những người không sử dụng muối iốt
  • Những người ăn ít hoặc không ăn các sản phẩm từ sữa, hải sản và trứng

Đọc thêm bài viết: Muối trong chế độ ăn của trẻ: Bao nhiêu là đủ?

Uống bổ sung có chứa iốt

Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung iốt cho tình trạng thiếu iốt. Các chất bổ sung iốt có chứa kali được cơ thể hấp thụ dễ dàng nhất. Bạn có thể muốn chọn các chất bổ sung có chứa kali iodua và kali iodate. Tuy nhiên, bạn cần cố gắng tránh bổ sung iốt vượt quá 150 mcg mỗi ngày, bởi tình trạng quá tải iốt cũng có hại cho tuyến giáp. Hầu hết những người bị thiếu iốt có thể khắc phục các vấn đề sức khỏe của họ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung iốt.

Thuốc

Bác sĩ có thể khuyên những người bị suy giáp, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dùng levothyroxine. Thuốc này giúp điều trị tuyến giáp hoạt động kém. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều của bạn sau mỗi 6 - 8 tuần cho đến khi mức độ hormone tuyến giáp của bạn ổn định.

Hormone tuyến giáp

Những người bị phù niêm thường phải nhập viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ thường truyền dịch tĩnh mạch và các phương pháp điều trị ổn định khác. Bác sĩ cũng có thể quản lý hormone tuyến giáp để điều chỉnh tình trạng này. Sau khi một người bị phù niêm đã ổn định, bác sĩ thường theo dõi chức năng tuyến giáp của họ và xác định xem việc thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo họ tiêu thụ đủ iốt có thể giữ mức hormone của họ ổn định hay không.

Thời gian phục hồi

Mất bao lâu để hồi phục sau tình trạng thiếu iốt có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và chức năng tuyến giáp của bạn. Bạn có thể mất 24 tuần để cải thiện tình trạng thiếu iốt nhẹ bằng cách bổ sung iốt.

Triển vọng của tình trạng thiếu iốt là gì?

Nếu được phát hiện sớm, tình trạng thiếu iốt có thể được đảo ngược mà ít hoặc không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu nó được phát hiện sau khi các biến chứng phát sinh thì nhiều biến chứng có thể là vĩnh viễn, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, ngay cả khi các biến chứng đã phát triển sau khi thiếu iốt  thì việc đảm bảo bạn có đủ iốt trong tương lai có thể ngăn ngừa các biến chứng trở nên tồi tệ hơn.

Kết luận

Thiếu iốt có thể khiến tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, gây ra các tình trạng sức khỏe khác, bao gồm bướu cổ và suy giáp. Điều trị thường liên quan đến việc tăng lượng iốt của bạn, cho dù thông qua chế độ ăn uống, chất bổ sung hoặc cả hai.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm