Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tắc tia sữa và cách khắc phục

Cùng đọc bài viết sau để hiểu về tắc tia sữa và những cách khắc phục tắc tia sữa tại nhà cũng như khi nào cần đến gặp bác sĩ nhé.

Sau khi sinh con, bầu vú của người phụ nữ bắt đầu sản sinh ra sữa để cho trẻ bú. Trong thời gian này, mẹ được trải qua những cung bậc cảm xúc từ niềm hạnh phúc khi thấy con bú mẹ say sưa và phát triển khỏe mạnh, cho đến sự hoang mang, lo lắng khi thấy ngực xuất hiện những khối cứng và đau nhức. Những khối này hoàn toàn có thể chỉ là những cục tắc tia sữa mà bạn có thể xử lý được tại nhà, nhưng cũng đừng chủ quan, khối tắc hoàn toàn có thể tiến triển thành bệnh nghiêm trọng hơn như là viêm tuyến vú, áp xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú và việc điều trị cũng sẽ phức tạp hơn.

Tắc tia sữa là gì?

Sữa mẹ được tạo ra bởi các nang sữa, sau đó theo các ống dẫn sữa đổ về khoang chứa sữa ở bầu vú. Sữa trong khoang dưới tác động bú mút của trẻ mà chảy ra ngoài. Tuy nhiên vì một số lý do khiến cho sữa không thể thoát ra ngoài được và tích tụ lại tại các khoang chứa sữa, trong khi đó sữa vẫn tiếp tục được tiết ra liên tục và khiến khoang chứa sữa căng cứng, gây chèn ép các khoang sữa khác và gây đau đớn cho người phụ nữ. Hiện tượng này gọi là tắc tia sữa.

Tắc tia sữa xảy ra khi ống dẫn sữa của bạn bị chặn lại hoặc hệ thống thoát sữa kém. Nguyên nhân có thể do có cặn sữa làm chặn dòng chảy, do em bé bỏ bú, do bầu vú còn sữa sau khi trẻ bú, mẹ mặc áo ngực quá chật, hoặc do mẹ đang gặp các vấn đề gây căng thẳng – điều mà hầu hết các bà mẹ sau sinh thường gặp phải,...

Tắc tia sữa thường xuất hiện từ từ và ở 1 bên vú, biểu hiện khi bị tắc tia sữa bao gồm:

  • Một hoặc một vài khối cứng xuất hiện ở bầu vú
  • Càng ngày càng căng tức và to hơn bình thường
  • Ngực đau nhức, sưng, nóng, đỏ
  • Đau khi cho con bú
  • Cảm giác căng tức khó chịu có thể giảm bớt sau khi hút sữa hoặc cho con bú
  • Sữa giảm đi, khi vắt ra đặc và có màu đậm hơn bình thường
  • Có thể sốt nhẹ

Cách xử trí khi bị tắc tia sữa tại nhà

Khi bạn bị tắc tia sữa, việc đầu tiên bạn cần làm là dừng ngay việc nắn bóp và hút sữa. Bạn cũng cần bắt đầu xử lý cục tắc ngay khi thấy chúng xuất hiện. Các bước xử lý có thể bao gồm:

  • Bạn có thể bắt đầu với việc mát xa khu vực tắc theo hướng từ nơi có cục tắc về phía núm vú, sử dụng một lực chắc chắn, tốt nhất là mát xa khi đang cho con bú hoặc đang hút sữa.
  • Cho con bú tích cực bên vú có cục tắc, trẻ có xu hướng bú mạnh hơn khi đang đói, ưu tiên cho trẻ bú bên vú đang bị tắc đầu tiên.
  • Chườm ấm trước khi vắt sữa hoặc cho con bú, mục đích của việc chườm ấm để giúp sữa nơi bị tắc dễ tan ra, cần chú ý không chườm quá nóng sẽ gây bỏng rát da.
  • Thay đổi tư thế bú của trẻ: Mỗi tư thế trẻ sẽ tác động lực lên các tia sữa khác nhau, do đó mẹ có thể thay đổi tư thế bú để trẻ tác động lên tia bị tắc tốt hơn.
  • Sau khi cho trẻ bú xong bạn có thể dùng thêm máy hút sữa để hút kiệt sữa hơn, lưu ý dùng lực hút mạnh để đạt hiệu quả hơn.

Nếu dùng các cách trên vẫn không thể thông được cục tắc, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện các vật lý trị liệu như:

  • Sóng siêu âm đa tần số kết hợp với chiếu tia hồng ngoại
  • Sử dụng dòng điện xung

Việc sử dụng các thiết bị này giúp làm tan cục tắc hiệu quả hơn mà không làm tổn thương tuyến sữa.

Dự phòng tắc tia sữa

Tắc tia sữa thường là do sữa bị ứ đọng lại trong các khoang chứa sữa, do đó người mẹ cần đảm bảo cho con bú hoặc hút sữa thường xuyên.

Một số cách phòng chống tắc tia sữa bao gồm:

  • Mát xa bầu ngực trước khi hút sữa hoặc cho con bú, việc mát xa này sẽ giúp sữa thoát ra dễ dàng hơn
  • Không mặc áo ngực hoặc áo bó quá sát vì sẽ làm dòng chảy sữa bị chặn lại
  • Thay đổi tư thế cho con bú thường xuyên
  • Sau khi hút sữa hoặc cho con bú thì chườm mát để giảm sưng nề gây bít tắc tuyến sữa
  • Uống bổ sung lecithin theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • Thường xuyên lấy cặn sữa ở đầu núm vú
  • Giữ bản thân thư giãn, giảm căng thẳng nhiều nhất có thể

Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Nếu bạn đã cố gắng làm mọi cách để xử lý tắc tia sữa ở nhà nhưng không hiệu quả hoặc bạn thường xuyên bị tắc tia sữa, hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu vấn đề của mình là gì. Việc thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt có thể giúp bạn giảm tắc tia sữa.

Ngoài ra, bạn cũng cần tới gặp bác sĩ ngay nếu bạn có biểu hiện:

  • Sốt cao trên 38,5 độ C
  • Sưng, nóng, đỏ, đau tăng lên nhiều
  • Khối tắc càng ngày càng to và cứng
  • Có cảm giác nóng rát, đau đớn, khó chịu nhiều khi cho con bú

Tháng 4 này, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam hân hoan chào mừng sinh nhật lần thứ 6 với vô vàn ưu đãi và quà tặng khi khám dinh dưỡng. Chương trình ưu đãi áp dụng từ ngày 01/04/2024 đến hết ngày 30/04/2024. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Đoàn Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm