Các loại gia vị nấu ăn tự nhiên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Cách sử dụng gia vị lành mạnh khi nấu nướng
Sử dụng gia vị và thảo mộc tự nhiên là biện pháp giúp món ăn của bạn có những hương vị thơm ngon độc đáo mà không cần phải dùng tới quá nhiều đường, muối, chất béo hay phụ gia.
Muối tạo nên vị mặn cần thiết cho món ăn, nhưng thói quen ăn quá nhiều muối lại kéo theo nhiều nguy cơ sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành không nên ăn quá 2.300mg natri mỗi ngày (tương đương 5gr muối, hoặc 1 thìa cà phê muối). Dù vậy, thống kê phát hiện nhiều người sử dụng lượng muối gần gấp đôi khuyến nghị. Đường và chất béo lại góp phần làm tăng calorie cho món ăn mà không cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng.
Vì vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn một vài gia vị tốt cho sức khỏe trong nhà bếp để nấu ăn hàng ngày:
Nghệ
Nghệ giúp tạo nên các món ăn vàng ươm, thơm ngon hấp dẫn.
Nghệ không chỉ tạo nên màu vàng hấp dẫn cho món ăn, mà còn được coi là gia vị lành mạnh hàng đầu. Nghệ tươi hay bột nghệ đều chứa nhiều chất chống oxy hóa và các chất chống viêm mạnh mẽ, nổi bật nhất là curcumin.
Y học hiện đại ứng dụng curcumin trong thực phẩm chức năng hỗ trợ nhiều bệnh lý như viêm khớp. Sử dụng nghệ có thể giúp cải thiện sức khỏe xương khớp và não bộ.
Tuy hàm lượng curcumin trong gia vị nghệ không cao bằng dạng chiết xuất, bạn vẫn có thể kết hợp nghệ với thịt, cá, rau củ để tạo hương vị thơm ngon cho món ăn.
Gừng
Bên cạnh hương vị cay nồng đặc trưng, gừng còn chứa hoạt chất gingerol với nhiều lợi ích với hệ tiêu hóa. Nghiên cứu cho thấy, gừng hỗ trợ cải thiện nhu động ruột, giảm chướng bụng và đầy hơi, hỗ trợ giảm đau dạ dày. Các hoạt chất chống viêm trong gừng còn giúp chị em giảm đau bụng kinh.
Mùi vị mạnh của gừng giúp món ăn nổi bật hơn mà không cần dùng tới quá nhiều muối. Gừng có thể kết hợp với món ăn mặn lẫn có món ngọt (chè kho, chè bà cốt, bánh quy gừng).
Tỏi
Nên đập dập, băm nhỏ tỏi trước khi nấu vài phút để tiết ra nhiều allicin.
Trong khi tỏi tươi có vị cay hăng, tỏi nấu chín lại thơm ngọt, giúp cải thiện hương vị cho nhiều món ăn. Trong tỏi có nhiều hoạt chất sinh học có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, nổi bật là allicin. Ăn tỏi hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch, tác động tích cực tới thành mạch máu từ đó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Quế
Quế không chỉ là vị thuốc quý mà còn được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn. Gia vị này có mùi thơm nồng và vị cay đặc trưng, cùng nhiều chất chống oxy hóa và chống viêm tốt cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy, sử dụng quế còn hỗ trợ kiểm soát đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin ở người bệnh đái tháo đường. Bạn có thể thêm bột quế vào món ăn ngọt lẫn món ăn mặn, một vài thức uống để giảm bớt lượng đường.
Rau húng
Trong họ rau húng có nhiều gia vị thơm ngon mà bạn nên ăn thường xuyên như: Húng tây, húng quế, húng tía… Bên cạnh hương thơm độc đáo, thảo mộc này còn giàu vitamin K hỗ trợ cải thiện sức khỏe xương và điều hòa quá trình đông máu.
Theo Cleveland Clinic, rau húng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do có hại. Nghiên cứu đã ghi nhận nhiều lợi ích sức khỏe của rau húng như kiểm soát đường huyết, mỡ máu, tăng cường miễn dịch.
Ngoài rau húng, bạn còn có thể bổ sung thảo mộc như hương thảo, rau mùi, xô thơm, cỏ xạ hương… vào kệ gia vị tại nhà.
Các gia vị nên hạn chế sử dụng khi nấu ăn
Chọn gia vị đóng gói sẵn với lượng muối, đường thấp khi nấu ăn.
Khi nấu ăn tại nhà, người nội trợ nên cẩn trọng với các sản phẩm gia vị đóng gói sẵn. Tuy đem lại sự tiện lợi, đây thường là hỗn hợp có chứa nhiều đường, muối cùng chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Bạn nên tạo thói quen đọc nhãn giá trị dinh dưỡng xem sản phẩm có bao nhiêu đường, muối trong mỗi khẩu phần; Từ đó sử dụng ở mức vừa phải (khoảng 1/4 thìa cà phê) và không dùng quá thường xuyên.
Người bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, suy tim cần hạn chế lượng muối thấp hơn cả khuyến cáo. Trong khi đó, người bệnh đái tháo đường, béo phì cần thận trọng với lượng đường có trong gia vị nấu ăn. Khi đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có chế độ ăn an toàn, phù hợp.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Infographic: Những loại gia vị, nước sốt tốt cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống lành mạnh không thể thiếu thực phẩm giàu creatine - hợp chất tự nhiên giúp cung cấp năng lượng cho cơ bắp, cải thiện hiệu suất tập luyện và sức khỏe não bộ.
Có rất nhiều loại bệnh võng mạc khác nhau. Những bệnh này có thể do gen di truyền từ cha mẹ hoặc từ tổn thương võng mạc tích lũy trong suốt cuộc đời. Một số loại bệnh võng mạc phổ biến hơn các bệnh khác.
Chuối là một trong những loại thực phẩm có lợi ích dinh dưỡng đáng kể. Vậy khi ăn chuối luộc có tác dụng gì?
Nhiễm ký sinh trùng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như các triệu chứng về tiêu hóa không rõ nguyên nhân, ngứa, thiếu máu, đau cơ và khớp, ăn không thấy no,… Cùng tìm hiểu về 10 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang nhiễm ký sinh trùng qua bài viết sau đây!
Nước dừa có thành phần dinh dưỡng đặc biệt và nhiều lợi ích cho sức khỏe như cung cấp chất điện giải, giúp hạ huyết áp... Đây là lý do nước dừa ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người.
Dù là trà đen, trà xanh, trà trắng hay trà ô long, trà nóng hay trà đá đều có nguồn gốc từ cây trà, Camellia sinensis. Nhưng trà thảo mộc thì khác. Trà thảo mộc bắt nguồn từ việc ngâm nhiều loại hoa, lá hoặc gia vị trong nước nóng. Hầu hết các loại trà này đều không có caffeine. Bạn có thể bắt đầu bằng những túi trà làm sẵn hoặc ngâm các nguyên liệu rời và sau đó lọc bỏ bã.
Nhiều người thực hiện thải độc cơ thể theo hướng dẫn truyền miệng và trên các nền tảng xã hội... và hiện nay đang dấy lên trào lưu thải độc bằng nước cốt chanh. Vậy sự thật về phương pháp thải độc này như thế nào?
Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nhiều người bị chàm nhận thấy dầu dừa có tác dụng làm dịu da và giảm các triệu chứng như khô và ngứa.