Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ô nhiễm không khí: Làm sao để bảo vệ sức khỏe?

Những ngày gần đây, khu vực miền Bắc xuất hiện sương mù vào sáng sớm khiến chất lượng không khí duy trì ở mức xấu và kém. Do đó, mỗi người cần biết cách bảo vệ sức khỏe của mình để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ô nhiễm không khí: Làm sao để bảo vệ sức khỏe?

Đeo khẩu trang là một trong những cách bảo vệ sức khỏe khỏi ô nhiễm không khí và phòng chống dịch COVID-19

Ô nhiễm không khí là gì?

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí là quá trình nhiều tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của không khí mà con người đang hít thở ở trong nhà hoặc ngoài trời. Các chất gây ô nhiễm được chứng minh gây ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm:

- Hạt vật chất, hay còn gọi là bụi mịn (PM);

- Ozone (O3): Được hình thành từ tác động của các tia bức xạ mặt trời và các chất gây ô nhiễm khác như nitrogen dioxide thải ra từ khói xe, các thành phần hữu cơ bay hơi.

- Nitrogen dioxide (NO2): Có thể tìm thấy trong khí thải từ các phương tiện giao thông, bếp gas…

- Sulfur dioxide (SO2): Có trong không khí từ những nguồn như: Khai thác dầu mỏ và khí đốt, hoạt động hàng hải, công nghiệp luyện kim, núi lửa phun trào, cháy rừng...

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả mọi người và là nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không truyền nhiễm đứng hàng thứ hai, chỉ xếp sau hút thuốc lá. Cùng với đó, nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người:

Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng xấu tới toàn bộ cơ thể

Phổi: Ô nhiễm không khí làm giảm chức năng phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp, khiến bệnh hen suyễn trở nặng…

Tim: Thiếu máu cơ tim cục bộ và đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời.

Não bộ: Ô nhiễm không khí có mối liên hệ với các vấn đề rối loạn não bộ ở trẻ em (học kém, chậm phát triển, tự kỷ, thiếu tập trung, hoặc tăng động) và tình trạng thoái hóa thần kinh ở người lớn (bao gồm cả bệnh Alzheimer).

Tuyến tụy: Một số nghiên cứu về các tác động khác của ô nhiễm không khí cho thấy mối liên hệ với bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, khi bạn tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm cũng dễ mắc một số bệnh da liễu, bệnh về mắt.... 

Cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí 

Trước tình trạng ô nhiễm không khí vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, mỗi người cần có biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình như:

- Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe.

- Hạn chế hoạt động ngoài trời quá sớm; Nếu cần thiết phải đi ra ngoài, hãy đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 đạt chuẩn.

 

- Từ bỏ và tránh xa khói thuốc lá.

Vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, người dân nên hạn chế mở cửa sổ và cửa ra vào; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.

- Vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý.

- Chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa...

- Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ; Người dân ngoại thành không nên đốt rơm rạ khiến bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn.

- Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong.

- Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ.

- Trồng thêm cây xanh góp phần làm giảm ô nhiễm không khí.

Phạm Quỳnh H+ (Tổng hợp) - Theo Healthplus
Bình luận
Tin mới
Xem thêm