Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nuốt đau, khàn tiếng cảnh giác với viêm tuyến giáp mủ

Viêm tuyến giáp mủ hay còn được gọi là viêm tuyến giáp cấp tính. Đây là một bệnh ít gặp do vi khuẩn hoặc sinh vật truyền nhiễm gây ra.

1. Tổng quan về viêm tuyến giáp và viêm tuyến giáp mủ

Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm nằm ở trước cổ, với nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Viêm tuyến giáp có thể xảy ra trên tuyến giáp bình thường hoặc trên bướu giáp có sẵn.

Viêm ở tuyến giáp có thể khiến các hormone tuyến giáp được tiết ra quá nhiều hoặc quá ít, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Đây là một nhóm nhiều bệnh viêm có nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng rất khác nhau.

Viêm tuyến giáp có thể được chia ra như sau:

  • Viêm tuyến giáp cấp tính;

  • Viêm tuyến giáp bán cấp tính;

  • Viêm tuyến giáp mạn tính.

Viêm tuyến giáp mủ hay còn gọi là viêm tuyến giáp cấp tính là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay với sự gia tăng các trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh có chiều hướng tăng theo. Viêm tuyến giáp mủ chiếm khoảng 0,1 - 0,7% các bệnh tuyến giáp, tỷ lệ tử vong có thể đến 12% hoặc hơn nếu không điều trị.

Nói chung tỷ lệ gặp ở trẻ em nhiều hơn do liên quan đến tình trạng lỗ rò thông từ pyriform sinus, có đến 90% các trường hợp thương tổn phát triển từ thùy ‎trái tuyến giáp. Khoảng 8% gặp ở tuổi trưởng thành khoảng 20-40 tuổi, và 92% gặp ở trẻ em.

Ở người suy giảm miễn dịch có thể gặp viêm tuyến giáp do nấm. Có khi viêm ‎tuyến giáp mủ gặp trên trẻ em hóa trị liệu chữa ung thư.

Sự gia tăng các trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh viêm tuyến giáp mủ có chiều hướng gia tăng.

2. Nguyên nhân viêm tuyến giáp mủ

Nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập xâm nhập từ vùng lân cận: viêm hầu họng, nhiễm trùng vùng đầu cổ, qua đường máu... Một số trường hợp viêm nhiễm hiếm có thể đưa đến áp xe lạnh như: giang mai, lao, nấm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tuyến giáp mủ trong đó vi trùng gây bệnh viêm tuyến giáp mủ thường gặp là Streptococcus, Staphylococcus, Pneumococcus, Salmonella, Klebsiella, Bacteroides, cũng có thể gặp Pallidum, Pasteurella, Multocida, Porphyromonas, Eikenella và lao.

Mầm bệnh có thể đến tuyến giáp bằng đường máu, bạch huyết hoặc trực tiếp từ ổ ‎nhiễm khuẩn lân cận hay vết thương.

Ngoài ra viêm tuyến giáp mủ cũng có thể do các loại nấm như: Coccidioides immitis, Aspergillus, Actinomycosis, Blastomycosis, Candida albicans, Nocardia, Actinobacter baumanii, Cryptococcus và Pneumocystis. Các loại sau thường gặp trên các đối tượng suy giảm miễn dịch như AIDS, ung thư. ‎Áp xe tuyến giáp cũng có thể gặp trong bối cảnh bệnh ác tính kèm thông lỗ rò.

‎Viêm tuyến giáp mủ do Clostridium perfringens và Clostridium septicum dường như luôn luôn đi liền với ung thư đại tràng, ngoài ra cũng đã gặp các trường hợp viêm tuyến giáp mủ do ung thư vú di căn.

Cơ chế bệnh sinh viêm tuyến giáp mủ là sau khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tuyến giáp gây ra quá trình viêm lan tỏa trong nhu mô tuyến và tổ chức liên kết. Tuyến giáp sưng to, phù nề do các hiện tượng sung huyết, xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính vào nhu mô tuyến giáp, nhiều nơi làm mủ, hoại tử.

‎‎‎‎Viêm mủ gây phá hủy các tổ chức xơ, sợi, tổ chức liên kết, thoái hóa trong dẫn đến giảm nhu mô và chức năng của tuyến giáp.

Siêu âm tuyến giáp để chẩn đoán tình trạng tuyến giáp.

3.‎ Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến giáp mủ

Cũng như các bệnh viêm nhiễm khác viêm tuyến giáp mủ diễn biến xảy ra từ từ ở đa số các trường hợp, song cũng có trường hợp xảy ra cấp tính với hội chứng nhiễm trùng. Khi viêm tuyến giáp mủ có các triệu chứng rõ ràng người bệnh thường cảm nhận được đau vùng tuyến giáp là triệu chứng nổi bật, có thể sờ thấy tuyến giáp lớn, nóng, mềm.

Người bệnh không thể ngẩng cổ, thường ngồi cúi đầu để tránh căng gây đau vùng tuyến giáp. Nuốt đau, nói khó, khàn tiếng. Có thể có biểu hiện viêm tổ chức lân cận tuyến giáp, hạch cổ lớn, đau.

Người bệnh có thể sốt nhẹ, kèm theo có thể rét run nếu có nhiễm trùng huyết. Khi đã có áp xe, khám vùng tuyến giáp có thể thấy cấc dấu hiệu của khối áp xe như: nóng, đau, đỏ và lùng nhùng.

Triệu chứng lâm sàng ở trẻ em thường rõ hơn ở người lớn, vì đa số ở người lớn có thể chỉ thấy khối đau mơ hồ ở vùng cổ, có thể không sốt.

Viêm tuyến giáp mủ có thể lan xuống ngực gây hoại tử trung thất, viêm màng ngoài tim ở những trường hợp không có lỗ rò pyriform sinus. Bệnh thường xảy ra vào mùa thu, đông theo sau nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Thường không kèm cường giáp hoặc suy giáp, tuy nhiên cá biệt có thể có biểu hiện rối loạn chức năng giáp khi viêm lan rộng, như trong các trường hợp viêm tuyến giáp do nấm, do lao. Viêm có thể gây thương tổn cấu trúc làm phóng thích một lượng hormon gây triệu chứng của nhiễm độc giáp.

Có khoảng 12% nhiễm độc giáp và 17% suy giáp ở viêm tuyến giáp cấp nói chung. Chính tình trạng chức năng giáp không đồng bộ này gây khó khăn cho chẩn đoán phân biệt giữa viêm tuyến giáp cấp và viêm tuyến giáp bán cấp khi cả hai trường hợp đều có đau tuyến giáp.

Trường hợp lúc đầu có nhiễm độc giáp sau đó là suy giáp rồi trở về bình giáp sau điều trị đặc thù viêm tuyến giáp, đó thường là bệnh cảnh của viêm tuyến giáp mủ.

Xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến giáp.

4. Chẩn đoán viêm tuyến giáp mủ

Ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm và làm một số chẩn đoán hình ảnh như: xét nghiệm máu, xạ hình giáp , siêu âm tuyến giáp, chọc hút tuyến giáp… Trong đó chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ rất quan trọng giúp phân biệt viêm tuyến giáp mủ và viêm tuyến giáp bán cấp, chọc hút thấy mủ khẳng định chẩn đoán, xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây bệnh, kháng sinh đồ giúp định hướng kháng sinh điều trị.

Chọc hút còn có thể giúp làm giảm sự chèn ép khí quản ở các trường hợp viêm tuyến giáp mủ có làm di lệch khí quản.

5. Điều trị viêm tuyến giáp mủ

Mục đích của việc điều trị là kiểm soát được tình trạng bệnh nhân để tránh gây những biến chứng và sự lan rộng ổ viêm. Việc điều trị sẽ tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ của các triệu chứng. Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân thích hợp dựa trên kháng sinh đồ, nhất là đối với các trường hợp viêm nặng.

Ngoài ra, tại chỗ có thể chườm nóng, chiếu tia cực tím. Nếu sau một tuần dùng ‎kháng sinh tích cực nhưng chọc hút thấy có mủ thì cần phải rạch tháo mủ, dẫn lưu và sau 6-8 tuần tiến hành cắt bỏ thùy viêm. Phẫu thuật lấy lỗ rò sau khi đã điều trị kháng sinh để phòng tái phát.

Tóm lại: Chẩn đoán viêm tuyến giáp tương đối khó, nhất là khi các triệu chứng còn nhẹ, không có triệu chứng hoặc bệnh nhân đã tự dùng kháng sinh và thuốc giảm đau trước khi đến bệnh viện. Bệnh viêm tuyến giáp mủ thường kéo dài 3-6 tuần.

Cũng có trường hợp có diễn ‎biến xấu, một số trường hợp thương tổn tuyến giáp nặng gây suy giáp, do đó trước một viêm giáp nhất là các trường hợp viêm lan tỏa cần theo dõi chức năng tuyến giáp để có thái độ điều trị thích hợp. Phẫu thuật lấy lỗ rò để tránh tái phát. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp là tốt, phần lớn đều khỏi bệnh và có cuộc sống hoàn toàn bình thường.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Nguyên nhân giọng nói trở nên khàn tiếng.

BS. Phan Hữu Ngọc Minh - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

Xem thêm