Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nói chuyện với con gái về kỳ kinh đầu tiên

Đa số bé gái bắt đầu có kinh nguyệt khi 12 tuổi, nhưng chuyện này cũng có thể xảy ra khi bé lên 8-9. Nếu không được chuẩn bị trước, trẻ có thể vô cùng bối rối, thậm chí là sợ hãi khi lần đầu phát hiện mình bị ra máu. Phụ huynh nên nói chuyện với con về chủ đề này từ sớm.

Nên tìm cách đề cập vấn đề một cách từ từ, thay vì bỏ hẳn một buổi nói chuyện nghiêm túc với con. 

Với trẻ nhỏ

Khi con còn nhỏ, bạn nên bắt đầu bằng những chủ đề chung chung, trong khuôn khổ hoạt động bình thường của cơ thể, để bé tiếp nhận dễ dàng hơn. Chẳng hạn có thể nói: “Con biết không, một ngày nào đó cơ thể con sẽ lớn lên và trông như mẹ đây này, ngực con sẽ nhô ra, tại một số chỗ kín đáo sẽ có những sợi lông nhỏ mọc lên. Cơ thể sẽ thay đổi rất nhiều và con sẽ trở thành một phụ nữ trưởng thành". 

Hãy trả lời câu hỏi của con bằng những thông tin đơn giản, thực tế, phù hợp với lứa tuổi, không đi vào chi tiết. Chẳng hạn nếu con gái học lớp một vô tình tìm thấy túi băng vệ sinh và hỏi bạn dùng nó để làm gì, hãy giải thích một cách đơn giản: “Mẹ dùng thứ này hàng tháng, khi có kinh nguyệt”, đừng giải thích gì thêm về chu kỳ kinh nguyệt.

Đôi khi con trẻ đặt những câu hỏi mà chúng ta chưa sẵn sàng để trả lời. Tại những thời điểm như vậy, bạn có thể tìm cách hoãn binh: ”Câu hỏi hay đấy, để mẹ suy nghĩ về chuyện này và trả lời con sau nhé”. Nhớ là bạn sẽ phải quay lại vấn đề này và đừng nghĩ rằng con sẽ không hỏi lại. 

Với trẻ lớn hơn 

Khi con lớn hơn, bạn có thể đi vào chi tiết, mô tả kinh nguyệt là gì, lần đầu tiên có kinh sẽ ra sao. 

Có thể tận dụng các video quảng cáo băng vệ sinh trên tivi, hay lần đi cửa hàng mua băng vệ sinh cùng con để bắt đầu trò chuyện về kinh nguyệt. 

Có thể chọn cách tiếp cận tự nhiên, dùng kinh nghiệm của mình để bắt đầu cuộc tranh luận: "Con biết không, khi bằng tuổi con, mẹ rất sợ kỳ kinh đầu tiên vì nghĩ chắc sẽ đau lắm. Con có lo lắng về chuyện này không?". Bạn cũng có thể hỏi xem con biết những gì rồi và bắt đầu từ đó. 

Có thể sử dụng một cuốn sách hay một cuộn phim làm điểm xuất phát cho những trao đổi giữa mẹ và con, nhưng đừng quẳng cho con cuốn sách hay cuộn băng và nghĩ rằng mình đã làm xong bổn phận. Hãy đọc sách hay xem phim cùng con rồi hai mẹ con cùng thảo luận.

Nếu có thể, hãy chọn từ ngữ rõ ràng, chẳng hạn dùng thuật ngữ ‘âm đạo’ thay vì giải thích quanh co về nơi ra máu. Điều này làm giảm bớt cảm giác đây là chủ đề cấm kỵ, đáng xấu hổ, giúp bé cởi mở hơn.   

Nhấn mạnh rằng kinh nguyệt là chuyện hoàn toàn bình thường và tự nhiên, đó là một phần của quá trình phát triển của cơ thể và tất cả phụ nữ đều trải qua chuyện ấy. Cần giải thích rằng con có thể mang thai nếu quan hệ tình dục. 

Đừng quên các cậu con trai, chúng cũng cần biết về kinh nguyệt. Hãy nói chuyện với con trai giống như cách bạn nói chuyện với con gái về những biến đổi tâm lý đi kèm chu kỳ kinh nguyệt và các lý do sinh học đằng sau chu kỳ kinh. Điều này giúp các bạn trai hiểu được những gì diễn ra với các bạn gái hàng tháng.

Những điều bé gái muốn biết về kỳ kinh đầu tiên 

Khi giai đoạn dậy thì tới gần, các bé gái thường hồi hộp vì sắp được trở thành người lớn, nhưng chúng cũng có thể rất lo lắng về kinh nguyệt. Sau đây là gợi ý cách trả lời cho một số vấn đề mà các bé gái thường quan tâm. 

Con gái thường có kinh ở độ tuổi nào?

Phần lớn các bạn gái bắt đầu có kinh lúc 11-14 tuổi, nhưng nói chung kinh nguyệt xuất hiện trong khoảng 9-16 tuổi đều được coi là bình thường.

Làm sao con biết khi nào mình sắp bắt đầu có kinh?

Thường thì kinh nguyệt sẽ bắt đầu khoảng 2 năm sau khi ngực con bắt đầu phát triển và 1 năm sau khi có chất tiết màu trắng từ âm đạo. Đa số bé gái bắt đầu phát triển ngực khi 9-10 tuổi. Ngoài ra, sự xuất hiện của lông nách và lông mu cũng là những tín hiệu báo rằng con sắp có kinh, chúng thường xuất hiện 6 tháng trước kỳ kinh đầu tiên.

Con chưa có kinh nhưng quần hay bị dây bẩn bởi dịch màu trắng, điều này có đáng lo không? 

Dịch tiết âm đạo là cách để cơ thể giữ cho bộ phận này được sạch sẽ, đó là điều hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo. 

Con cần chuẩn bị những gì cho kỳ kinh đầu tiên?

Nên mang theo người băng vệ sinh để khi chuyện đó xảy ra, con không phải cuống quýt đi tìm chúng. Nếu sự cố xảy ra khi con đang ở trường và không có băng vệ sinh bên mình, hãy nói chuyện với cô giáo hay cô y tá của trường để được giúp đỡ. Trường hợp bí quá, con có thể dùng giấy vệ sinh đặt tạm vào trong quần lót. 

* Nhiều bé gái sợ bị hành kinh khi ở trường hay lúc đi chơi xa. Hãy giúp con chuẩn bị một túi nhỏ đựng vài miếng băng vệ sinh, một chiếc quần lót sạch. Nhắc con luôn giữ túi này khi đi học hay đi chơi. Túi vệ sinh là cách giúp con vượt lên nỗi sợ bị giây máu ra quần hay váy. Nói với con rằng nếu quần lót bị giây bẩn thì con có thể thay quần mới, bọc quần cũ trong giấy vệ sinh để mang về giặt. Khi gia đình đi chơi xa, bạn cũng có thể mang một túi như thế này bên mình để ứng cứu nếu con gái quên túi vệ sinh của mình.

Nhắc con luôn mang theo mình túi vệ sinh nhỏ.

Kỳ kinh đầu tiên của con kéo dài bao lâu?

Kinh nguyệt có thể kéo dài 3-7 ngày. Kỳ kinh đầu tiên có thể tương đối ngắn vì cơ thể cần thời gian để làm quen và dần đi vào chu kỳ đều đặn.

Bao lâu con sẽ bị hành kinh một lần?

Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu ra máu trong tháng này tới ngày đầu ra máu trong tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày nhưng chu kỳ 21- 45 ngày cũng là bình thường. Trong những năm đầu, kinh nguyệt của con thường chưa đều ngay. Có thể phải mất tới 5-6 năm hoặc hơn để chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn. 

Con có bị mất nhiều máu không?

Khi hành kinh, con sẽ có cảm giác mình bị mất rất nhiều máu, trên thực tế lượng máu đó bằng khoảng 3-5 thìa xúp (45-75 ml). Trong những chu kỳ đầu tiên máu thường ra ít và không đều. Máu có thể có màu đỏ, nâu, thậm chí là đen. 

Nhỡ máu chảy ra ngoài quần thì sao?

Trở thành phụ nữ là chặng đường dài đối mặt với nhiều rủi ro khó xử. Con có thể che những vết bẩn khi chưa thể thay đồ bằng cách buộc một chiếc áo khoác vòng quanh eo chẳng hạn. Con cũng có thể giữ một chiếc quần dự trữ ở ngăn tủ tại trường hay trong cặp sách, tránh mặc quần hoặc váy sáng màu khi có kinh.

Hành kinh có gây đau bụng, khó chịu không?

Một số bạn gái có thể bị đau bụng dưới, đau lưng và thấy ngực căng ngay trước và trong khi hành kinh. Một số bạn có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc buồn nôn, tiêu chảy. Khi đau bụng đau lưng, con có thể dùng thuốc giảm đau, tập thể dục, chườm nóng ở vùng bụng dưới và lưng dưới. Nếu vẫn đau bụng dữ dội sau khi dùng thuốc giảm đau thì cần đi khám bác sĩ.

Con nên dùng băng vệ sinh hay tampon?

Cả băng vệ sinh và tampon đều an toàn cho các bé gái nhưng băng vệ sinh phù hợp hơn khi con mới bắt đầu hành kinh. Chỉ nên dùng tampon khi con đã quen với chuyện kinh nguyệt. Đa số các bạn gái thường dùng băng vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày và dùng tampon khi chơi thể thao. 

Con nên dùng băng vệ sinh thế nào? 

Băng vệ sinh được đặt bên trong quần lót để hứng máu kinh nguyệt. Một số loại băng có ‘cánh’ ở hai bên để dán vòng ra mặt ngoài của quần lót, giúp cố định băng vệ sinh chặt hơn. Con nên thay băng 4-8 giờ một lần, khi băng bị ướt hết hoặc khi con cảm thấy không ổn. 

Con nên sử dụng tampon thế nào? 

Khi dùng tampon con nên bắt đầu từ loại có kích thước nhỏ để đánh giá loại nào phù hợp nhất với mình. Thay tampon mỗi 4-8 giờ để tránh giò rỉ và nhiễm trùng, rửa sạch tay trước và sau đi đặt tampon. 

Tampon có bị lạc vào trong người con không?

Không, khi con đưa tampon vào trong, nó sẽ nằm lại trong âm đạo. (Có một cửa khác để vào cơ thể là cổ tử cung, ở phía trên của âm đạo, nhưng lỗ này quá nhỏ, tampon không thể đi qua được. Chỉ có máu và tinh trùng có thể đi qua cổ tử cung).

Các tampon đều có một sợi dây ở đầu nằm bên ngoài cơ thể. Con có thể dùng dây này để kéo tampon ra khi con muốn. (Cũng có thể xảy ra chuyện tampon bị tụt vào trong âm đạo, nhưng thường thì con sẽ có thể cảm nhận được tampon và kéo nó ra ngoài).

* Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà chọn lời giải thích đơn giản hay chi tiết. Thông tin trong ngoặc dành cho trẻ đủ lớn.  

Nếu con quên tháo tampon thì sao?

Nếu con quên tháo tampon - ví dụ vào cuối chu kỳ - thì tampon có thể bị ép chặt vào phần trên của âm đạo, khiến việc kéo tampon ra rất khó khăn. Kể cả nếu tampon bị kẹt bên trong âm đạo, con cũng đừng hoảng sợ. Âm đạo dài khoảng 7,5-10 cm, con hãy dùng các ngón tay để nắm bắt sợi dây hay chính tampon và kéo nó ra ngoài. Nếu không thành công, nên đến bác sĩ. 

Con có cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình không?

Việc lập lịch theo dõi hàng tháng có thể giúp con nắm được chu kỳ kinh nguyệt của mình và dự báo kỳ kinh tiếp theo. Đánh dấu X vào ngày đầu hành kinh và những ngày ra máu tiếp theo. Coi dấu X đầu tiên là ngày 1, đếm tiếp đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo để biết chu kỳ của mình dài bao nhiêu. 

Vào một ngày đẹp trời, nếu nghe con gái thông báo đã bắt đầu ra máu, bạn cần tuyệt đối giữ bình tĩnh. Dù bên trong có cảm thấy ái ngại vì con mới học lớp 3 đã bắt đầu hành kinh, bề ngoài bạn vẫn nên giữ vẻ bình thản. Kể cả nếu bé là người đầu tiên trong số các bạn gái ở lớp bắt đầu có kinh nguyệt, hãy nói với con rằng cơ thể con biết rõ cần làm điều gì.

Đưa con đi khám bác sĩ nếu:

- Vô kinh (không có kinh nguyệt): Bé gái dưới 16 tuổi chưa có kinh là chuyện bình thường, tuy nhiên cần đưa con đi khám nếu con bắt đầu có kinh rồi ngừng lại trong hơn 3 tháng.

- Ra quá nhiều máu: Máu ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh 1-2 giờ/lần, hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, trẻ thấy đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh. 

- Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau. 

- Kinh nguyệt không đều: chu kỳ dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.

BS Trần Thu Thủy - Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm