Những thói quen có hại cho răng
Bạn đã bao giờ từng hỏi tại sao hàm răng của mình bị yếu đi và trở nên vàng ố? Rất có thể bạn đang có những thói quen xấu dưới đây:
Nhai đá
Bởi vì là một sản phẩm tự nhiên và không có đường nên bạn có thể nghĩ đá vô hại. Nhưng nhai viên đá cứng và lạnh có thể làm mẻ răng của bạn. Và nếu bạn nhai mạnh có thể kích thích các mô mềm bên trong răng và gây đau răng thường xuyên. Những đồ ăn nóng hoặc lạnh có thể gây ra những tác động nhanh chóng và sắc nét khiến bạn bạn bị đau răng kéo dài.Vì vậy, nếu bạn có ý định nhai một viên đá, bạn nên thay thế bằng một thanh kẹo cao su không đường.
Chơi những môn thể thao không được che chắn cho răng
Nếu bạn chơi đá bóng, khúc côn cầu và bất cứ môn thể thao nào có liên quan, bạn cần chú ý bảo vệ răng. Bạn có thể sử dụng miếng đúc nhựa bảo vệ hàm trên để tránh răng bị sứt mẻ hoặc gãy do những hành động thô bạo. Bạn có thể mua nó ở quầy thuốc hoặc nhờ nha sĩ thiết kế.
Ngậm bình khi ngủ
Không bao giờ là quá sớm để bảo vệ răng. Hãy lấy những bình sữa hoặc nước trái cây ra khỏi miệng của trẻ trước khi chúng ngủ để tránh làm sâu những chiếc răng vừa mới nhú lên.
Nghiến răng
Nghiến răng có thể bào mòn răng theo thời gian. Nó thường xảy ra do căng thẳng hoặc do thói quen của bạn khi ngủ. Tránh ăn những thức ăn cứng vào ban ngày và đeo hàm bảo vệ vào ban đêm sẽ giúp bạn giảm bớt những tổn thương do thói quen nghiến răng khi ngủ.
Kẹo ngậm ho
Không phải vì các loại kẹo ngậm ho thường được bán ở các hiệu thuốc nên chúng hoàn toàn có lợi. Hầu hết chúng đều được phủ đường. Do đó, sau khi đã làm dịu cổ họng của mình bằng những viên kẹo, bạn nên chú ý đánh răng. Đường từ kẹo ngậm ho hoặc những viên kẹo cứng có thể liên kết với những mảng bám trên răng. Các vi khuẩn trong mảng bám sẽ chuyển hóa đường thành axit, bào mòn men răng và gây sâu răng.
Kẹo dẻo
Tất cả mọi loại đều ngọt đều có thể gây sâu răng nhưng kẹo dẻo gây khó chịu nhiều hơn. Bởi chúng thường dính trên răng khiến cho đường và acid chuyển hóa thành tiếp xúc với men răng trong nhiều giờ. Nếu một ngày của bạn không thể thiếu kẹo dẻo thì bạn nên ăn chóng vào bữa ăn thay vì ăn riêng biệt vào một giờ khác. Bởi nước bọt được tiết ra nhiều hơn trong bữa ăn, giúp làm trôi những miếng kẹo và acid mà chúng tạo ra.
Soda
Kẹo không phải là một đồ ăn duy nhất có chứa nhiều đường. Một phần đồ uống soda có thể chứa tới 11 thìa cà phê đường. Bên cạnh đó, trong soda còn có chứa phosphoric và axit citric ăn mòn men răng. Các nước giải khát có thể không sử dụng đường nhưng thậm chí chúng còn chứa nhiều axit hơn từ các chất làm ngọt nhân tạo.
Dùng răng để mở đồ
Mở nắp chai hoặc các gói nhựa bằng răng có thể rất thuận tiện nhưng đó là một thói quen mà các nha sĩ khuyên bạn nên từ bỏ. Việc sử dụng răng như là một công cụ có thể gây sang chấn hoặc sứt mẻ răng. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các dụng cụ mở nắp chai hoặc dùng tay. Tóm lại, răng bạn chỉ được dùng để ăn.
Nước uống thể thao
Những chai nước uống thể thao mát lạnh sẽ giúp bạn lấy lại sinh lực sau một buổi tập luyện nhưng chúng thường chứa lượng đường cao. Cũng giống như soda và kẹo, đường trong những đồ uống này có thể tạo ra axit tấn công men răng của bạn. Uống chúng thường xuyên có thể bị sâu răng. Cách tốt nhất để bù nước trong các phòng tập là bạn nên sử dụng loại nước uống không đường và không chứa năng lượng.
Nước ép trái cây
Nước ép trái cây rất giàu vitamin và các chất chống oxy hóa nhưng hầu hết chúng đều chứa nhiều đường. Một số loại nước ép có chứa lượng đường tương đương với soda. Ví dụ như chỉ có thêm 10 g đường trong soda cam so với nước ép cam. Trái cây có vị ngọt tự nhiên, vì vậy, bạn nên sử dụng các loại nước ép không bỏ thêm đường. Bạn cũng có thể làm giảm lượng đường trong nước ép bằng cách pha thêm nước.
Khoai tây chiên
Vi khuẩn trong các mảng bám cũng chuyển hóa những đồ ăn có chứa tinh bột thành acid. Những acid này có thể tấn công răng trong khoảng 20 phút, thậm chí là lâu hơn sau khi ăn nếu thức ăn còn giắt ở các kẽ răng của bạn hoặc bạn thường xuyên ăn vặt. Bạn cũng có thể sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn khoai tây chiên hoặc những thức ăn khác để loại bỏ các mảng thức ăn còn sót lại giữa các kẽ răng.
Ăn vặt liên tục
Khi bạn ăn nhẹ, nước bọt sẽ được tiết ra ít hơn so với bữa ăn chính khiến cho những mảnh thức ăn có thể ở lại răng của bạn trong nhiều giờ. Bạn nên tránh ăn vặt quá thường xuyên và sử dụng những đồ ăn nhẹ có lượng đường thấp và ít tinh bột, ví dụ như cà rốt.
Cắn bút chì
Bạn đã từng cắn bút chì khi bạn tập trung làm việc hay học bài chưa? Cũng giống như khi nhai đá lạnh, thói quen này có thể gây sứt, mẻ răng. Kẹo cao su không đường sẽ là một lựa chọn tốt khi bạn cảm thấy cần nhai thứ gì đó. Nó cũng sẽ giúp bạn tiết nước bọt nhiều hơn, làm cho răng chắc khỏe và bảo vệ bạn chống lại những axit ăn mòn men răng.
Uống cà phê
Màu sắc và đậm độ axit có trong cà phê có thể gây vàng ố răng theo thời gian. Nhưng rất may mắn, nó có thể dễ dàng làm sạch với các biện pháp làm trắng răng khác nhau. Bạn nên nói chuyện với nha sĩ nếu bạn đang lo lắng về bất cứ sự đổi màu nào của răng.
Hút thuốc
Thuốc lá có thể gây ra các vết ố trên răng và các bệnh về lợi. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần dẫn đến ung thư miệng, môi và lưỡi. Nếu bạn đang cần tìm kiếm một lí do nữa để bỏ thuốc, hãy nghĩ về nụ cười của bạn.
Rượu vang đỏ
Các axit trong rượu vang ăn mòn men răng và tạo ra các điểm thô ráp khiến răng dễ bị xỉn màu. Rượu vang đỏ còn chứa chất tạo màu và tanin, làm màu của rượu bám lại trên răng. Sự phối hợp của hai yếu tố trên khiến cho màu đỏ của rượu dễ dàng ở lại trên răng của bạn một thời gian dài sau khi uống.
Rượu trắng
Bạn có thể nghĩ rằng rượu trắng an toàn cho răng nhưng những axit của nó có thể làm yếu men răng, khiến răng trở lên rỗ hơn và dễ dàng bị xỉn màu bởi các đồ uống khác, ví dụ như cà phê. Súc miệng bằng nước sau khi uống rượu hoặc sử dụng kem đánh răng có chứa chất làm trắng nhẹ có thể chống lại sự xỉn màu do rượu trắng và rượu vang đỏ gây ra.
Ăn uống vô độ
Ăn uống vô độ thường bao gồm việc tiêu thụ một số lượng lớn đồ ngọt. Chứng cuồng ăn tâm thần (bao gồm ăn uống vô độ và nôn ra) có thể phá hủy răng của bạn. Những axit mạnh có trong chất nôn có thể xói mòn men răng, làm răng trở nên yếu và dễ gãy. Những axit này cũng là tác nhân gây hôi miệng. Ăn uống vô độ còn có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có vấn đề này.