Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những sự thật thú vị về trẻ sơ sinh

Hãy cùng Viện Y học ứng dụng khám phá 10 bí mật thú vị về những em bé nhỏ mới chào đời nhé!

Những sự thật thú vị về trẻ sơ sinh

Bạn nghĩ rằng mình đã hiểu rất rõ về thiên thần mới chào đời của mình? Nhưng, các em bé cũng có những bí mật riêng của mình. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng khám phá 10 bí mật thú vị về trẻ sơ sinh mới chào đời nhé!

#1: Lần đi đại tiện đầu tiên của bé sẽ không có mùi

Phân của trẻ trong lần đi đại tiện đầu tiên trong đời (phân su) thường có màu đen như nhựa đường, được tạo thành từ chất nhầy, dịch trong tử cung và bất cứ thứ gì mà trẻ tiêu hóa khi ở trong bụng mẹ. Nhưng khi đó, vi khuẩn đường ruột chưa có khả năng để làm phân của bé bốc mùi. Ngay khi bạn cho bé ăn (bú mẹ), vi khuẩn sẽ bắt đầu xâm nhập vào đường ruột. Sau đó một vài ngày, phân của trẻ sẽ chuyển sang màu vàng, xanh hoặc nâu, cùng theo đó là một mùi, chắc hẳn bạn sẽ “rất quen thuộc”.

#2: Đôi khi bé sẽ…ngừng thở

Ví dụ như khi bé ngủ, bé có thể tạm dừng việc thở trong vòng từ 5-10 giây – nhưng chỉ như vậy thôi cũng đủ để làm ba mẹ bé hoảng hốt. Thỉnh thoảng tạm ngừng thở là bình thường ở trẻ sơ sinh. Nhưng nếu bé thường xuyên ngừng thở hoặc ngừng thở trong thời gian dài và trở nên tím tái, thì đó là một tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay. Khi bé hào hứng vui vẻ hoặc sau khi khóc, nhịp thở của bé có thể lên tới hơn 60 nhịp/phút.

#3: Amidan của bé có các nhú vị giác

Mặc dù trẻ sơ sinh có số lượng các nhú vị giác giống với trẻ lớn và người trưởng thành, nhưng các nhú vị giác của bé sẽ nằm rải rác với diện tích rộng hơn, và sẽ xuất hiện cả ở amdian và họng sau. Bé có thể nếm được vị ngọt, đắng và chua nhưng không nếm được vị mặn (bé chỉ nếm được vị mặn khi được khoảng 5 tháng tuổi). Đây là một hiện tượng hết sức bình thường đối với sự sống còn của bé: Sữa mẹ ngọt, trong khi các thứ có vị đắng và chua có thể sẽ gây hại cho bé ở độ tuổi này. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bé sẽ có xu hướng thích ăn những thứ mà mẹ đã ăn khi mang thai và cho con bú

#4: Trong lần đầu tiên, bé sẽ khóc mà không có nước mắt

Ngay khi sinh ra, bé đã có thể khóc nhưng bé sẽ khóc mà không có nước mắt trong khoảng 1 tháng đầu đời. Sau khi đủ 1 tháng, nước mắt của bé mới bắt đầu xuất hiện. Khoảng thời gian vào lúc chiều muộn, đầu giờ tối là khoảng thời gian bé dễ quấy khóc nhất. Thông thường, bé sẽ khóc mà không vì lý do gì cả, và bạn cũng không thể làm gì để bé ngừng khóc được. Đỉnh điểm của việc khóc ở trẻ là tuần thứ 46 khi mang thai, tương đương với khi trẻ được 6-8 tuần sau sinh. Sau khi trẻ được 3 tháng, việc quấy khóc sẽ giảm bớt.

#5: Bé cũng có ngực

Khi mới sinh, cả bé trai và bé gái đều trông như có vẻ có ngực, với kích thước nhỏ, và thậm chí sữa cũng có thể tiết ra từ ngực của bé. Tuy vậy, bạn không nên bóp các cục xuất hiện ở ngực của bé. Ngực của bé xuất hiện là vì bé đã hấp thu estrogen từ mẹ, lượng estrogen này sẽ biến mất trong vòng vài tuần sau sinh. Thậm chí, các bé gái còn có thể có chu kỳ kinh nguyệt “mini” (vài giọt máu) kéo dài trong vài ngày.

#6: Các bé sẽ có xu hướng quay mặt sang phải

Chỉ có khoảng 15% số trẻ sơ sinh thích quay mặt sang bên trái khi được đặt nằm ngửa. Nguyên nhân của việc này có thể liên quan đến gen, giống như việc có bé có má lúm đồng tiền, nhưng có bé lại không có. Việc này sẽ kéo dài trong vài tháng, và có thể là lý do tại sao đa số mọi người lại thuận tay phải.

#7: Bé sẽ có một số tế bào não nhiều hơn

Mặc dù não của bé sẽ phát triển lớn hơn – gần gấp đôi kích thước khi sinh trong năm đầu tiên, nhưng não bé đã có gần như đầy đủ các tế bào thần kinh có thể dẫn truyền các tế bào thần kinh. Một số tế bào thần kinh này, khi chết đi sẽ không được thay thế bởi tế bào mới. Do vậy, người trưởng thành sẽ có ít tế bào thần kinh hơn. Sự kết nối giữa các tế bào thần kinh của bé sẽ được gọt dũa, cắt tỉa dần khi bé lớn hơn, để giúp bé tăng độ tập trung, nhưng đồng thời cũng sẽ làm giảm bớt sự sáng tạo của bé.

#8: Bé trai có thể sẽ xuất tinh

Tình trạng này sẽ xảy ra ngay trước khi bé đi tiểu, giống như một dấu hiệu báo cho bạn rằng, bé sắp cần được thay tã. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này chưa rõ, nhưng bạn không cần thiết phải lo lắng hay xấu hổ về hiện tượng này ở bé. Bạn thậm chí có thể sẽ quan sát được hiện tượng này từ khi bé chưa sinh ra, thông qua việc siêu âm. Cơ quan sinh dục của bé trai cũng có thể trông to hơn khi mới sinh ra (so với những bé trai mới sinh khác), và điều này cũng hết sức bình thường. Hormone của bé và của mẹ đóng một vai trò nhất định trong việc này, cùng với đó là các tình trạng bầm tím/sưng trong quá trình đẻ.

#9: Bé có thể sợ hãi…chính bản thân mình

Bé mới sinh thường rất dễ bị giật mình, có thể là do một tiếng động lớn, một hương thơm mạnh, ánh sáng, chuyển động đột ngột và thậm chí ngay cả…tiếng khóc của bản thân bé cũng có thể làm bé giật mình. Bạn sẽ nhận ra bé đang giật mình khi bé vung tay sang hai bên, bàn tay mở rộng, sau đó ngay lập tức thu tay lại về phía cơ thể bé. Đây được gọi là phản xạ Moro, và cho thấy bé đang bị mất cân bằng, và mẹ cần phải ở cạnh bé, đề phòng việc bé có thể bị té ngã.

#10: Một số vết bớt sẽ biến mất

Một số vết bớt cò mổ hoặc bớt kiểu Mông Cổ của trẻ ở trán, sống mũi, sau cổ, mông, lưng sẽ mờ dần trong vài năm. Nguyên nhân của hiện tượng này hiện chưa rõ. Các bướu mạch máu màu đỏ tươi do các mạch máu phát triển quá nhanh sẽ có thể xuất hiện trong vài tuần và mất vài năm mới có thể biến mất.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân
Ts.Bs Phan Bích Nga - Tổng hợp từ WebMD
Bình luận
Tin mới
Xem thêm