Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Cơ thể bạn phải trải qua rất nhiều thay đổi để chuẩn bị cho em bé chào đời. Tử cung bạn phải chuẩn bị để có đủ chỗ cho em bé phát triển và em bé phải được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Rốn là phần bạn ít quan tâm nhất, chỉ cho tới khi bạn chuẩn bị làm mẹ và dây rốn là phần duy nhất kết nối bạn với em bé. Nhưng, một khi em bé đã chào đời, bé sẽ không cần tới dây rốn nữa.

6 mẹo chăm sóc rốn cho bé

Dây rốn sẽ được cắt đi sau khi em bé sinh ra. Mặc dù vậy, rất cần phải chăm sóc đúng cách cho vùng rốn của bé để rốn có thể lành lại và tránh bị nhiễm trùng. Dưới đây là những hướng dẫn đúng để chăm sóc cho vùng rốn của bé, bao gồm các mẹo chăm sóc rốn, các dấu hiệu nhiễm trùng và biết được khi nào bé cần đến gặp bác sỹ.

Dây rốn là gì?

Dây rốn hình thành trong khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ. Dây rốn là con đường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé phát triển, và cũng là con đường mà em bé thải bỏ các chất cặn bã. Dây rốn của em bé bao gồm:

  • Một tĩnh mạch mang oxy và máu giàu dinh dưỡng từ mẹ đến em bé
  • Hai động mạch vận chuyển máu không có oxy và các loại dịch từ dòng máu của em bé đến bánh rau.
  • Ba mạch máu này được gói gọn trong một chất dính gọi là thạch Wharton và được bao phủ bởi một màng gọi là amnion.

Khi em bé sắp chào đời, dây rốn sẽ mang các kháng thể từ cơ thể mẹ đến em bé, giúp em bé chống lại các bệnh nhiễm trùng trong vòng 3 tháng đầu đời. Bất cứ loại kháng thể nào có mặt trong dòng máu của mẹ cũng sẽ được truyền qua em bé.

Sau khi em bé ra đời, dây rốn sẽ trở nên không cần thiết nữa bởi em bé có thể được cho ăn, tự thở và tự đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể mà không cần đến dây rốn. Do vậy, dây rốn sẽ được cắt đi sau khi em bé sinh ra. Dây rốn sẽ được kẹp và cắt, chỉ để lại một đoạn dài khoảng từ 2-3 cm tính từ rốn.

Mẹo chăm sóc rốn cho bé

Phần dây rốn sau khi được kẹp và cắt có thể trông không được đẹp mắt và có thể, bạn sẽ không muốn nhìn hoặc chạm vào nó. Nhưng bạn cần phải chăm sóc phần cuống rốn còn lại này để rốn của bé có thể tự lành lại một cách bình thường. Điều quan trọng là bạn cần giữ được phần cuống rốn và giữ cho vùng da quanh đó luôn khô và sạch. Việc này sẽ giúp cuống rốn tự rụng ra và giúp bé tránh được tình trạng nhiễm trùng.

Giữ cuống rốn sạch: nếu cuống rốn bị dính hoặc bẩn, hãy dùng một miếng khăn sạch để vệ sinh hoặc rửa với nước sạch. Sau đó, lau khô bằng một miếng khăn cotton sạch để loại bỏ lượng nước và độ ẩm còn sót lại. Không được sử dụng xà phòng hoặc cồn để vệ sinh vùng cuống rốn vì có thể sẽ gây kích thích da của em bé.

Giữ cuống rốn khô: Hãy để cuống rốn tiếp xúc với không khí để cuống rốn khô nhanh hơn. Khi cho bé sử dụng bỉm, cố gắng không để bỉm của bé phủ lên trên cuống rốn. Vào những ngày ấm áp hơn, hãy cho bé mặc quần áo thoáng mát để cuống rốn được thoáng khí.

Chú ý khi tắm bé: Không nên nhúng cuống rốn của bé xuống nước cho đến khi bé rụng rốn, do vậy, cần rất thận trọng khi tắm cho bé trong khi bé chưa rụng rốn. Khi bé đã rụng rốn, bạn có thể tắm cho bé trong chậu hoặc trong bồn tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh.

Cẩn thận khi thay tã/bỉm: Môt số loại tã/bỉm cho trẻ sơ sinh có thiết kế khoét chữ V ở vùng rốn cho trẻ, nhưng một số khác thì không. Trong trường hợp này, khi cho bé sử dụng tã/bỉm, bạn nên cuộn phần cạp của tã/bỉm xuống để tã/bỉm không đè lên vùng cuống rốn của bé. Bạn cũng nên thận trọng khi thay tã/bỉm để phần dịch bẩn không chảy vào khu vực rốn của bé.

Lựa chọn trang phục cho bé: Hãy lựa chọn loại trang phục áo và quần có thiết kế chừa ra phần cắt gần khu vực rốn, tránh mặc trang phục áo liền quần vì vùng rốn sẽ không được thoáng khí.

Để cuống rốn rụng tự nhiên: Không nên tác động vào cuống rốn để làm cuống rốn rụng vì việc này có thể dẫn đến tình trạng chảy máu. Thay vào đó, hãy để cuống rốn của bé rụng một cách tự nhiên.

Khi nào rốn của bé sẽ rụng?

cuống rốn là một mô sống, nên sẽ mất một chút thời gian để cuống rốn khô và rụng ra một cách tự nhiên. Bạn có thể sẽ thấy một chút máu rỉ ra hoặc một vài miếng mô nhỏ rơi ra ở vùng rốn, và đó là hoàn toàn bình thường. Vết thương sau khi lành lại sẽ trở thành rốn của em bé. Vùng rốn thường sẽ mất khoảng 5-15 ngày để lành lại, đôi khi là lâu hơn.

Hãy đưa bé đến gặp bác sỹ nếu dây rốn không khô và rụng sau vài tuần. Sau khoảng 2 tuần, vùng gốc dây rốn sẽ lành hoàn toàn và trở thành rốn của bé.

Ngay sau khi sinh

Ngay sau khi sinh, dây rốn sẽ được để lại trong một khoảng thời gian ngắn để các chất dinh dưỡng cũng như kháng thể đi hết vào em bé. Sau đó một vài phút, dây rốn sẽ được kẹp và cắt đi. Phần kẹp rốn sẽ được để lại tại vùng gốc rốn của bé sau vài ngày.

Trong tuần đầu tiên

Cuống rốn sẽ khô rất chậm trong tuần đầu tiên và sẽ chuyển sang màu nâu hoặc đen. Trong khoảng 1 tuần – 10 ngày, cuống rốn sẽ dần dần rụng ra. Sau khi rụng rốn, phần còn lại của rốn sẽ trông như một vết thương hở.

Một vài tuần sau

Vết thương hở sẽ cần 2-4 tuần để khô lại hoàn toàn và khi đó, em bé của bạn đã sang tháng thứ 2. Đôi khi, khoảng thời gian này sẽ lâu hơn một chút.

Dấu hiệu nhiễm trùng

Khi cuống rốn chưa rụng hẳn, bạn cần đảm bảo rằng phần gốc rốn còn lại không bị nhiễm trùng. Nếu em bé bi sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp, bạn thậm chí còn phải cẩn thận hơn hoặc nếu cuống rốn rụng quá sớm bởi có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.

Tình trạng nhiễm trùng cuống rốn rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có, bạn có thể sẽ nhận thấy những dấu hiệu sau:

  • Sưng hoặc đỏ vùng cuống rốn
  • Thường xuyên chảy máu
  • Chảy dịch/mủ màu trắng hoặc vàng
  • Dịch chảy ra có mùi khó chịu
  • Đau ở vùng rốn
  • Nổi u, cục chứa đầy dịch
  • Sốt trên 38 độ C
  • Sưng vùng bụng
  • Bé mệt mỏi, dễ bị kích động và ăn uống kém

Khi nhận thấy các dấu hiệu này, hãy hỏi ý kiến bác sỹ ngay.

Khi nào cần gọi cho bác sỹ?

Ngoài những dấu hiệu nhiễm trùng ở trên, cũng có một số tình huống mà bé cần được chăm sóc y tế ngay.

  • Viêm rốn: nếu vùng rốn của bé nóng, đỏ, căng tức, sưng hoặc có dịch có mùi khó chịu, thì rất có thể bé đã bị viêm rốn. Đây là một tình trạng nhiễm trùng tại cuống rốn và vùng quanh rốn có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
  • Thoát vị rốn: đây là tình trạng sẽ phát triển khi mỡ hoặc mô ruột bị lồi ra ngoài gần vùng rốn. Khi em bé khóc, sẽ có một áp lực tạo ra ở bụng và sẽ gây ra một lỗ nhỏ ở vùng cơ. Đây không phải là một tình trạng nghiêm trọng và thường sẽ tự lành trong vòng 12-18 tháng đầu đời.

Những câu hỏi thường gặp

Khi nào việc chảy máu ở dây rốn là bình thường?

Ngoài những tình trạng được miêu tả ở trên, đôi khi, vùng rốn của em bé cũng sẽ bị chảy máu sau khi phần cuống rốn rụng. Tình trạng chảy máu cũng có thể xảy ra trước khi cuống rụng, đặc biệt là nếu bạn vô tình chạm, ấn vào vùng này. Bạn có thể nhận thấy hiện tượng chảy máu khi nhìn thấy các đốm máu ở tã hoặc quần của em bé.

Xử lý thế nào?

Hãy làm sạch vùng quanh rốn và ấn nhẹ vào vùng cuống rốn để cầm máu. Đảm bảo rằng tã/bỉm của em bé không chà xát hoặc chạm vào cuống rốn để tránh tình trạng chảy máu tiếp diễn.

Khi nào cần lo lắng?

Nếu sau khi ấn nhẹ mà máu vẫn chảy, bạn cần đến gặp bác sỹ vì chảy máu đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng. Bạn nên chú ý các dấu hiệu sau:

  • Cảm thấy nóng ấm quanh vùng rốn của bé
  • Cuống rốn chảy dịch đục hoặc có mùi
  • Em bé bị đau khi chạm vào vùng này.

U hạt ở rốn là gì?

Đây là một tình trạng mà có một khối u hoặc mô ướt, có màu đỏ hồng hình thành tại rốn. Bạn có thể nhận thấy tình trạng này sau khi bé rụng rốn và tình trạng này có thể sẽ xuất hiện trong vài tuần. Mặc dù không gây đau đớn, nhưng tình trạng này có thể sẽ khiến vùng rốn của bé chảy dịch và dẫn đến đỏ, kích ứng vùng rốn.

Điều trị thế nào?

Bác sỹ có thể sẽ thoa bạc nitrat vào khối u hạt này. Sẽ cần phải đến gặp bác sỹ 3-6 lần để tình trạng u hạt tại rốn này có thể lành hẳn. Sau khi điều trị, bạn có thể nhận thấy rốn sẽ tiết dịch màu tối hoặc đôi khi da sẽ đổi màu, nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời.

Một lựa chọn khác là phẫu thuật để thắt khối u này từ gốc. Dòng máu đến nuôi khối u sẽ bị cắt và do vậy, khối u sẽ tự rơi ra.

Cả 2 lựa chọn điều trị trên đều không gây đau đớn.

Liệu có đoán được rốn của bé sẽ lồi hay lõm không?

Rốn của bé có thể lồi mà cũng có thể sẽ lõm. Thông thường, mọi người thường hiểu lầm rằng nếu cuống rốn bị nhiễm trùng thì bé sẽ có rốn lồi, hoặc thậm chí có nhiều bà mẹ còn cho rằng đặt một vật phẳng, ví dụ như đồng xu lên rốn thì bé sẽ có rốn lõm. Nhưng tất cả đều không đúng.

Nếu em bé bị thoát vị rốn và vùng cơ ở bụng không hợp nhất lại đúng cách sau khi rụng rốn, thì các mô có thể sẽ lồi ra và bé sẽ có rốn lồi. Ngược lại, bé sẽ có rốn lõm.

Thông tin thêm trong bài viết: Biến chứng trên dây rốn, màng ối và nước ối trong thai kỳ

Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm