Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhận biết sức khỏe của bé qua giấc ngủ

Đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh. Mẹ cần quan tâm đến sức khỏe của bé qua giấc ngủ.

Đạp tung chăn

Dù bạn đã quấn chặt trẻ với quần áo, bao tay...nhưng trong tích tắc trẻ đã đạp tung tất cả ra khỏi người. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra là do ban ngày trẻ vận động, chơi đùa quá mức hoặc bữa tối bạn nạp cho bé quá nhiều protein, tạo ra gánh nặng cho dạ dày và đường ruột, khiến trẻ cảm thấy khó chịu trong người. Nếu thật sự là do một trong những nguyên nhân này, bạn nên sắp xếp lại khẩu phần ăn và thời gian vui chơi hợp lý hơn, giúp trẻ thoải mái có giấc ngủ ngon.

Không ngừng sờ vào mông

Trẻ ngủ không ngon giấc hay phát ra những tiếng “o oe” và hay sờ vào mông. Điều này cho thấy trẻ có khả năng mắc bệnh giun, sán khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy và có phản xạ muốn gãi. Khi có biểu hiện này bạn không nên tự ý mua thuốc mà hãy đưa bé đến gặp bác sỹ. Ngoài ra, giữ vệ sinh ăn uống và sinh hoạt cho trẻ, tập thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn và thay quần áo sạch mỗi ngày.

Khóc quấy và đầu ngọ nguậy không yên

 

Khi ngủ, trẻ không giữ được tư thế nằm yên, hay khóc quấy và dễ giật mình, đổ nhiều mồ hôi, đầu ngọ nguậy lung tung. Tình trạng này thường khiến tóc ở phần đầu sau của trẻ rất thưa thớt, thậm chí có trẻ còn không mọc tóc ở vị trí này. Nếu có hiện tượng này, khả năng trẻ bị thiếu calci. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung calci đúng cách cho trẻ. Nếu thời gian ngủ của trẻ ít một cách bất thường, đây cũng là một biểu hiện của việc cơ thể trẻ thiếu hụt calci.

Lăn qua lăn lại không ngủ

Bạn đã cố dỗ dành cách nào thì trẻ vẫn nằm lăn qua lăn lại trên giường mà không chịu ngủ. Nếu cứ lăn qua lăn lại không thể đi vào giấc ngủ thì có khả năng trẻ đang bị táo bón. Nếu để ý kỹ hơn, có thể bạn sẽ phát hiện trẻ còn có nhiều biểu hiện như hơi thở hôi, chướng bụng, miệng khô, môi đỏ bất thường, lưỡi vàng và khi đại tiện thường khó khăn khiến bé phải dùng sức để rặn, phân khô cứng… Đây là biểu hiện khi thức ăn trong dạ dày của trẻ không được tiêu hóa tốt, trẻ không được cung cấp đủ nước. Bạn nên bổ sung nước, thêm nhiều rau xanh và trái cây cho trẻ. Đồng thời đưa trẻ đến khoa nhi để được bác sĩ hỗ trợ thêm về hệ tiêu hóa của trẻ.

Lắc đầu, nắm tai, quấy không ngừng

Khi ngủ, trẻ thường thay đổi vị trí phần đầu, dùng tay nắm hoặc sờ vào tai, thỉnh thoảng đột ngột khóc quấy lên. Những hiện tượng này có thể là tín hiệu trẻ thật sự khó chịu trong cơ thể. Ngoài ra, nếu có thêm biểu hiện sốt thì khả năng trẻ bị viêm tai ngoài, viêm tai trong hoặc bệnh chàm (Eczema). Lúc này bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để kiểm tra xem tai trẻ có bị sưng đỏ hay không, da có nốt đỏ hay không để kịp thời điều trị.

Ngủ quá nhiều

Khác với những tình trạng trên, ở trường hợp này trẻ lại tỏ ra rất “thích ngủ”, khi ngủ ít động đậy, ăn ít, đại tiện cũng ít. Đây có thể là biểu hiện của sự suy giảm chức năng tuyến giáp trạng. Nếu đi kèm là hiện tượng sốt thì có thể do trẻ bị viêm não, cần lập tức đến bệnh viện ngay. Ngoài ra, nếu tình trạng này chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định, ví dụ như trẻ ngủ nhiều sau khi vừa bệnh khỏi thì đây chỉ là biểu hiện khi trẻ bị suy nhược thể chất, bạn có thể bồi bổ và cho trẻ vận động thích hợp là có thể hồi phục giấc ngủ bình thường.

Mun Mun - Theo healthplus.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm